Đề bài: Trong bức thư của thầy Albus Dumblerdore gửi Harry Potter có đoạn viết: “Đâu phải chỉ nhờ vào năng lực của chúng ta không thôi, mà chính sự lựa chọn của chúng ta mới chứng tỏ chúng ta thực sự là ai”
(Trích Harry Potter và phòng chứa bí mật – J.K.Rowling, Nhà xuất bản Trẻ, 2001)
Viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm sống trên.
I. Giới thiệu về tác phẩm Harry Potter
“Harry Potter” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Anh J.K.Rowling. Câu chuyện về cuộc phiêu lưu phù thủy của cậu bé Harry cùng những người bạn chống lại Chúa tể Hắc ám Voldermort không chỉ chinh phục thế giới trẻ em mà còn khiến cả người lớn say mê, không chỉ được giới phê bình hoan nghênh mà còn rất thành công về mặt thương mại.

“Harry Potter” là câu chuyện về cuộc chiến đấu của cái Thiện, của chính nghĩa chống lại thế lực hắc ám trong thế giới phù thủy. Hai nhân vật chính của bộ truyện là Tom Riddle và Harry Potter đều là phù thủy sở hữu những năng lực siêu thường. Nhưng Tom lựa chọn trở thành Chúa tể hắc ám – kẻ gieo rắc nỗi sợ hãi với tham vọng bất tử và thống trị thế giới phù thủy, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai cản đường hắn. Còn Harry lựa chọn bảo vệ cái Thiện, chống lại cái ác dù gặp muôn vàn nguy hiểm. Ngay tập một, trong buổi lễ phân loại vào gia đình phù thủy tại trường Hogwarts, chiếc mũ phân loại đã phân vân khi Harry có những năng lực của nhà Slytherin (gia đình phù thủy sản sinh ra nhiều phù thủy hắc ám) nhưng cậu bé lại liên tục bày tỏ mong muốn được vào nhà Gryffindor (gia đình của những phù thủy dũng cảm). Chiếc mũ đã tôn trọng lựa chọn của Harry và cậu bé được xếp vào nhà Gryffindor. Sau khi Harry trải qua nhiều thử thách (bảo vệ hòn đá phù thủy, tiêu diệt con mãng xà trong phòng chứa bí mật…) thầy hiệu trưởng Dumblerdore đã động viên cậu bé bằng một lá thư “Harry à, đâu phải chỉ nhờ vào năng lực của chúng ta không thôi, mà chính sự lựa chọn của chúng ta mới chứng tỏ chúng ta thực sự là ai”. Quả thực, trong suốt bảy năm học ở trường phù thủy Hogwarts, sự lựa chọn của Harry đã cho thấy cậu thực sự là ai.
II. Hướng dẫn làm bài
1. Giải thích:
- Năng lực: khả năng, tài năng của mỗi người, có thể do thiên bẩm hoặc qua rèn luyện.
- Sự lựa chọn: biểu hiện qua cách ta bày tỏ thái độ, định hướng hành vi, đưa ra quyết định và thực sự hành động trước muôn vàn sự việc trong cuộc sống.
Lời của thầy Dumbledor cho rằng điều quyết định giá trị thực sự của một người, điều chứng tỏ người ấy là ai không phải chỉ dựa vào năng lực mà quan trọng hơn là sự lựa chọn của người ấy trong những tình huống thực tế của đời sống.
2. Bàn luận:
2.1. Năng lực trong việc chứng tỏ chúng ta là ai.
- Năng lực là những kiến thức‚ kỹ năng cũng như khả năng và hành vi của bản thân một người để đáp ứng‚ thực hiện một công việc‚ nhiệm vụ nào đó khi được giao phó và phải bảo đảm cho công việc‚ nhiệm vụ trên được hoàn thành hiệu quả ở mức độ cao nhất‚ trong thời gian nhanh nhất.
- Năng lực có một phần do thiên bẩm, cũng có thể do trải qua rèn luyện gian khổ.
- Năng lực là yếu tố giúp cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với người khác, đạt thành tựu, là thước đo để đánh giá các cá nhân với nhau. Người có năng lực luôn được đánh giá cao, có nhiều cơ hội khẳng định mình, dễ dàng đi tới thành công.
- Nhưng chỉ dựa vào năng lực không thôi chưa đủ để khẳng định giá trị thực sự của một con người.
2.2. Sự lựa chọn trong việc chứng tỏ chúng ta thực sự là ai.
- Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi phải đưa ra các quyết định để lựa chọn, có lúc bị động (phải lựa chọn) và có khi chủ động (được lựa chọn). Quyết định được đưa ra có thể là tức thời, cũng có thể là kết quả của quá trình cân nhắc, tính toán lâu dài, không chỉ phụ thuộc vào cảm xúc mà còn có sự cân nhắc của lí trí.
- Có những lựa chọn dễ dàng, đơn giản chỉ nói lên sở thích, trạng thái tinh thần, tâm lý, sức khỏe, gu thẩm mĩ… (ăn, mặc, thư giãn, giải trí…). Có những lựa chọn do điều kiện năng lực chi phối (chọn trường, chọn nghề…)
- Lại có những lựa chọn vô cùng khó khăn, đặt ta vào thử thách gay gắt, quyết liệt giữa những xung đột, mâu thuẫn khó hòa hoãn, đó sẽ là những lựa chọn thực sự cho biết chúng ta là ai:
+ Thừa nhận sai lầm và xin lỗi hay giấu diếm sai lầm, dối trá, bao biện cho mình?
+ Tỉnh táo theo sự mách bảo của lí trí hay bị dẫn dắt bởi dục vọng bản năng?
+ Lên tiếng hay im lặng trước gian dối, bất công, cái xấu cái ác?
+ Sống tự do theo ý chí nguyện vọng của mình hay bị dẫn dắt, điều khiển, khống chế bởi người khác, bởi một thế lực khác?
+ Chiến đấu vì cộng đồng, bảo toàn danh dự, bổn phận hay bảo vệ hạnh phúc cá nhân
+ Kiên định vào lí tưởng mà mình theo đuổi, vào điều mình cho là đúng hay hùa theo đám đông?
+ Bảo vệ chân lí, lẽ phải, bênh vực kẻ yếu thế hay giữ an toàn cho bản thân và gia đình?
+ Giữ gìn nhân cách trong sạch và lòng tự trọng hay thuận theo cám dỗ của danh, lợi, sắc, tình?
+ Dám hi sinh vì người khác, vì cộng đồng, dân tộc (vị tha) hay bảo vệ tính mạng, tài sản, hạnh phúc và sự yên ấm của mình (vị kỉ)?
+ Đối mặt với thực tế phũ phàng, tỉnh thức để vượt qua hay ru mình trong ảo tưởng và không muốn thức dậy, đối mặt? (lựa chọn "viên thuốc màu đỏ" hay "viên thuốc màu xanh" xuất phát từ bộ phim “The Matrix” (Ma trận) - một bộ phim mang nhiều hình tượng tôn giáo và triết học. Câu hỏi này đề cập đến sự lựa chọn giữa việc bằng lòng với thực tại dễ chịu (uống viên thuốc xanh) hay chấp nhận thay đổi để tìm ra sự thật dù phải đánh đổi bằng sự thoải mái (uống viên màu đỏ)…)
- Lựa chọn trong những tình huống thử thách khắc nghiệt ấy sẽ cho biết chúng ta thực sự là ai: dũng cảm hay hèn nhát, mạnh mẽ hay yếu đuối, vị tha hay vị kỉ, lương thiện hay bất lương, trong sạch hay tham lam, tự do hay nô lệ…
- Để lựa chọn đúng và không phải hối hận, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về mục đích, giá trị, ý nghĩa của sự sống; có bản lĩnh, tư duy độc lập, niềm tin vào chân lí, vào chiến thắng của chính nghĩa, điều Thiện… Nếu không có một bản lĩnh vững vàng và nhận thức đúng đắn về giá trị thực sự, con người dễ chông chênh khi phải lựa chọn, thậm chí đưa ra những quyết định và hành động sai lầm, khiến ta phải hối tiếc.
2.3. Mối quan hệ giữa năng lực và sự lựa chọn:
- Có những quyết định lựa chọn (được/bị) chi phối bởi năng lực. Khi ấy, sự lựa chọn quyết định đích đến, trong khi năng lực chính là động cơ của cuộc hành trình.
- Có lựa chọn sử dụng năng lực trong những tình huống đúng đắn hay không cũng cho thấy giá trị của một người.
3. Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác:
- Trong thực tế vẫn có những người không dám lựa chọn hoặc để người khác lựa chọn thay cho mình, có những bậc cha mẹ hoặc bề trên không cho con mình có quyền lựa chọn.
- “Tôi không có lựa chọn nào khác” chỉ là một cách bao biện, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trong một số tình huống, để giữ an toàn cho bản thân, có người chọn thái độ bàng quan, đứng ngoài cuộc. Nhưng thực ra, đứng ngoài cuộc cũng là một loại lựa chọn lập trường, thái độ. Và trong mọi trường hợp, con người đều phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. (Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt - Napoléon Bonaparte)
- Trong cuộc sống, cũng có lúc không tránh khỏi lựa chọn sai lầm. Điều quan trọng là rút ra bài học và tránh lặp lại sai lầm đó.
- Năng lực là điều đáng để rèn luyện và tự hào, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là biết lựa chọn và dám lựa chọn.
4. Bài học:
- Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của sự lựa chọn trong việc kiến tạo nên con người thực sự của mỗi chúng ta.
- Chủ động để dám lựa chọn, biết lựa chọn, được lựa chọn trở thành con người như chúng ta mong muốn.
Để lại bình luận