Giáo dục

24 thg 3, 2025
17 phút đọc
224lượt xem
17 phút đọc

Thi pháp văn học trung đại Việt Nam: Phần 1 - Những vấn đề chung

Thi pháp văn học trung đại Việt Nam: Phần 1 - Những vấn đề chung

I. Khái niệm chung về thi pháp và thi pháp văn học trung đại

Thi pháp là toàn bộ hệ thống các hình thức nghệ thuật (phương thức: tự sự, trữ tình, kịch; phương tiện: ngôn ngữ, từ vựng, cú pháp, ngữ âm, hình tượng; thủ pháp: ẩn dụ, hoán dụ, biểu tượng…) có chức năng biểu đạt tư tưởng, giá trị đặc sắc của sáng tác văn học.

Thi pháp có nhiều cấp độ:

Xét từ chỉnh thể văn học có: thi pháp tác phẩm, thi pháp tác giả, thi pháp trào lưu, thi pháp văn học một thời đại, một thời kì lịch sử, thi pháp văn học dân tộc.

Xét từ các phương tiện, phương thức nghệ thuật có: thi pháp thể loại, thi pháp phong cách, thi pháp kết cấu, thi pháp ngôn ngữ, thi pháp không gian, thời gian…

Thi pháp văn học trung đại là toàn bộ những hình thức nghệ thuật: phương thức, phương tiện, thủ pháp nghệ thuật… biểu hiện đời sống, tạo nên giá trị tư tưởng đặc sắc cho các sáng tác trung đại.

II. Những đặc điểm tư tưởng, văn hoá thời trung đại - Tiền đề của thi pháp văn học trung đại Việt Nam

1. Quan niệm về thời gian

- Thời trung đại quan niệm thời gian chu kì, tuần hoàn.

+ Thời gian vũ trụ là một vòng tròn lặp lại, mùa này qua mùa khác lại tới,  năm này qua năm khác tới, tựa như một sự xoay vần vĩnh viễn. Vì người xưa sống đời sống nông nghiệp nên gắn với các mùa xuân, hạ, thu, đông. Các mùa đó cứ lặp đi lặp lại theo một chu kì. Điều này được thể hiện khá rõ trong thơ của các nhà thơ trung đại. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết:

      Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

Thời gian của ngày (hoàng hôn) hôm nay cũng giống thời gian đó của ngày mai, nó mang tính lặp lại, bền vững, không thay đổi. Thời gian của năm (mùa) cũng vĩnh viễn bởi nó ra đi rồi lại quay trở lại:

     Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại 

           (Tự tình - Hồ Xuân Hương)

Trong bài thơ “Cáo tật thị chúng”, Mãn Giác thiền sư cũng viết:

     Xuân qua, trăm hoa rụng

     Xuân tới, trăm hoa tươi

Hai câu thơ nói về quy luật của tự nhiên: mùa xuân qua hoa cỏ úa tàn, khi xuân đến hoa cỏ lại tươi tốt. Mãn Giác thiền sư đã dùng hình ảnh hoa rụng, hoa nở là để nói về sự sống tuần hoàn theo vòng tuần hoàn, luân hồi của thời gian.

+ Lịch sử như một quá trình xoay vòng tròn, một sự xoay vần vĩnh cửu của chừng ấy hình thức chính trị theo một trình tự nhất định. Sở dĩ có quan niệm này bởi trong thời trung đại, hình thái lịch sử xã hội phong kiến kéo dài, triều đại này suy sụp thì triều đại khác lại thay thế và hưng thịnh. Vì thế, nói đến lịch sử là nói đến sự thay thế triều đại, sự hưng vong thành bại của những con người xuất chúng.

+ Tượng trưng có ý nghĩa sâu sắc cho quan niệm của người trung đại về thời gian là cái bánh xe. Chiếc bánh xe vũ trụ vận động vĩnh viễn, đó là vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại.Vì quan niệm thời gian là một vòng tuần hoàn vĩnh cửu nên con người luôn bình thản, lạc quan, không chút lo âu, vội vã.

- So sánh: Quan niệm đó khác hẳn với quan niệm của con người hiện đại. Người hiện đại quan niệm tuyến tính về thời gian. Thời gian như một véctơ, trôi một chiều, trôi đi là mãi mãi không bao giờ trở lại và nó sẽ bào mòn đi tất cả. Vì thế con người hiện đại luôn bị ám ảnh bởi thời gian. Họ thường lo lắng, hốt hoảng, vội vã trước dòng chảy của thời gian, thậm chí chạy đua với thời gian. Thi sĩ Xuân Diệu hơn một lần giục giã:

     Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ

      Em, em ơi! Tình non sắp già rồi.

Một điều lưu ý là trong thời trung đại có quan niệm “thời gian như bóng câu qua cửa sổ” song đó không phải là thời gian một đi không trở lại như thời hiện đại mà chỉ là thời gian trôi nhanh trong sự tuần hoàn mà thôi.

2. Quan niệm về không gian

- Thời trung đại quan niệm không gian được cảm nhận theo chiều dọc, có cao có thấp, có trên có dưới. Không gian vũ trụ, không gian xã hội, không gian ý thức được sắp xếp theo chiều dọc thành tôn ti, trật tự. Những gì thuộc về không gian cao được coi là cao quý, tốt đẹp. Ngược lại, những gì thuộc về không gian thấp đều bị coi là thấp hèn, thô lỗ. Từ quan niệm đó tạo thành các phạm trù đối lập: trời – đất, thần – quỷ, thượng – hạ…

- Bên cạnh quan niệm về không gian được cảm nhận theo chiều dọc, thời trung đại còn quan niệm không gian theo chiều ngang với vũ trụ vĩ mô và vi mô. Không gian vũ trụ được cảm nhận như những vòng tròn đồng tâm: thiên nhiên (đại vũ trụ) hòa đồng với con người (tiểu vũ trụ), và có sự liên thông thành ba thế giới: trời (Thiên thượng) – đất (trần gian) – địa phủ (âm gian). Các nhân vật dễ dàng đi lại trong ba không gian ấy: Truyền kì mạn lục, Truyện Kiều… Tả người lấy vẻ đẹp của trời đất thiên nhiên làm chuẩn mực (Mai cốt cách, tuyết tinh thần - Truyện Kiều). 

Một phần bức tranh “Mộng tiên thảo đường” của Đường Dần (Đường Bá Hổ) triều Minh. (Bộ sưu tập bảo tàng nghệ thuật Freer - Freer Gallery of Art)

3. Quan niệm về con người

- Quan niệm vũ trụ được cảm nhận theo chiều dọc (cao - thấp, trên - dưới) đã ảnh hưởng tới quan niệm không gian xã hội với con người đẳng cấp. Con người được phân theo vị trí: quý tộc – bình dân; theo phẩm chất: cao thượng - thấp hèn. Ví dụ, thời trung đại con người được phân theo vị trí từ cao xuống thấp như: Hoàng đế →Vương → Công → Hầu → Bá → Tử → Nam. Hoặc dựa trên nhân cách, phẩm chất, trí tuệ, năng lực, Nho giáo chia thành hai loại người: quân tử (người có phẩm chất tốt đẹp, có trí tuệ hơn người và có khả năng hành đạo giúp đời) và tiểu nhân (kẻ ti tiện về nhân cách, kém cỏi về trí tuệ và không có năng lực làm việc).

- Bên cạnh đó, quan niệm không gian theo chiều ngang, vũ trụ được cảm nhận trong sự đồng tâm đã tác động đến quan niệm con người được đặt trong cái chung, ít thể hiện cá tính.

+ Con người hiện lên với một kiểu mẫu có sẵn, cá tính được “khuôn đúc”. Chẳng hạn người con gái vẹn toàn phải có công, dung, ngôn, hạnh; người nam tử phải có trung, hiếu, tiết, nghĩa. Quan niệm này có thể thấy rõ qua các hình tượng nhân vật Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu:

           Trai thời trung hiếu làm đầu

       Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình

+ Từ quan niệm đặt con người trong cái chung, con người trong thời trung đại đề cao tinh thần hi sinh vì cộng đồng, trách nhiệm chung với cả cộng đồng. Đó là quan niệm vua – tôi, cha – con. Ý thức về trách nhiệm với nhân dân, hay đó là ý thức về việc lập công danh của người nam tử.

- Từ quan niệm thời gian là một vòng tuần hoàn, lặp đi lặp lại, bất biến đã  ảnh hưởng tới quan niệm con người được nhìn nhận trong sự tĩnh tại chứ không phát triển. Con người thời trung đại không phát triển mà chỉ chuyển từ tuổi này sang tuổi khác. “Thời trung cổ người ta xem đứa bé như người lớn còn bé, không đặt ra sự hình thành tính cách, trẻ em được xem như người bạn tự nhiên của người lớn” (Các phạm trù văn hoá trung cổ). Từ đó, con người cũng không có sự phát triển tính cách, người ta không chú ý nhiều tới sự tác động của hoàn cảnh, nếu có thì hoàn cảnh cũng không có vai trò tác động làm thay đổi tính cách con người mà nó chỉ tô đậm, làm rõ thêm cho tính cách ban đầu.

Chẳng hạn như nhân vật Vũ Nương (Truyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ) được giới thiệu ngay từ đầu truyện là người hiếu thảo, nhan sắc, nết na, thuỳ mị, thuỷ chung. Những phẩm chất đó càng được sáng tỏ hơn trong mối quan hệ với mẹ chồng, với chồng, với con khi người chồng đi lính. Khi phải tìm đến cái chết, khi đã sang thế giới khác và hiển linh gặp lại chồng con, Vũ Nương vẫn khẳng định tấm lòng thuỷ chung ngời sáng của mình.

- Quan niệm về thời gian lặp lại, bất biến cũng ảnh hưởng tới quan niệm con người trọng đức hơn trọng tài. Bởi đức là một yếu tố có tính bền vững hơn tài. Đức đã trở thành bản chất, phẩm chất đặc biệt của con người, đặc biệt là con người vùng văn hoá nông nghiệp với lối sống cộng đồng, coi trọng tình nghĩa. Quan niệm của người phương Đông là quan niệm đức trị, quan niệm “khiêm nhi bất kiêu”:

    Tài, đức thì cho lại có nhân

    Tài thì kém đức một vài phân

                     (Nguyễn Trãi)

    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

                      (Nguyễn Du)

4. Quan niệm về cái đẹp.

- Từ quan niệm về thời gian chu kì, tuần hoàn, không có sự diễn tiến đã ảnh hưởng đến quan niệm về cái đẹp thời trung đại: Thời hoàng kim thuộc về quá khứ, cái đẹp là khuôn mẫu của tiền nhân. Người trung đại quan niệm thời xưa là một lí tưởng không thể nào đạt tới, là “thế kỉ vàng” của nhân loại. Tầm mắt của họ không nhìn về tương lai mà quay lại quá khứ, sống để sáng tạo khuôn mẫu đã có từ quá khứ ấy. Điều này thể hiện ở văn chương trung đại với tâm lí sùng cổ, chuộng những gì của nước ngoài, đặc biệt là Trung Hoa với sự tồn tại lâu đời, có những khuôn mẫu đã trở thành mực thước. Đồng thời từ đó cũng dẫn đến quan niệm “thuật nhi bất tác” (làm theo mà không sáng tạo), sáng tạo trong khuôn mẫu có sẵn. Biểu hiện cụ thể là văn học trung đại Việt Nam đã tiếp thu những thể loại văn học Trung Quốc: phú (đời Hán), thơ (đời Đường), từ (đời Tống), tiểu thuyết (đời Minh – Thanh). Bên cạnh đó, chúng ta còn viện dẫn nhiều điển cố, thi liệu Hán học trong thơ ca.

- Xuất phát từ quan niệm không gian vũ trụ theo chiều dọc có cao - thấp, không gian xã hội có đẳng cấp sang – hèn dẫn đến quan niệm cái đẹp thường là những cái cao cả, tao nhã; cái đời thường, bình dị không thuộc phạm trù cái đẹp. Do đó, văn chương hướng tới vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ, của chí, của đạo. Từ đó hình thành quan niệm về chức năng văn chương: “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”; “phong, hoa tuyết, nguyệt”, “sơn thuỷ hữu tình”, “tùng, cúc, trúc, mai” trở thành những thi đề quen thuộc của thơ ca trung đại.

- Từ quan niệm không gian được cảm nhận trong sự đồng tâm, con người trong cái chung, ít thể hiện cá tính, bản sắc riêng, thời trung đại quan niệm cái đẹp là sự hài hoà. Điều này thể hiện ở cảm quan đối xứng, song hành; bởi sự đối xứng bao giờ cũng tạo nên nét cân bằng, hài hoà cho tạo vật. Chẳng hạn như nghệ thuật tứ bình, nghệ thuật song hành thời trung đại. Nói đến cây cối phải nói đến tùng - cúc - trúc - mai; nói đến tài năng của con người phải nói đến cầm - kì - thi - hoạ; nói đến bốn thú vui phải nói đến ngư - tiều - canh - mục… Quan niệm đó cũng thể hiện qua hình thức câu văn, câu thơ đối xứng. Chẳng hạn thể cáo, phú, hịch… thường sử dụng những câu văn biền ngẫu.

Để lại bình luận

Guest 1744080774720
0/2000