III. Đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam
1. Thi pháp thể loại
Đối với văn học trung đại, vấn đề phong cách thể loại giữ vai trò quan trọng. Hầu hết tên các tác phẩm thời trung đại đều gắn với tên thể loại: Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Bạch Đằng giang phú, Thượng kinh kí sự, Truyện Kiều…
a. Quá trình phát triển của thể loại văn học trung đại Việt Nam
- Từ thế kỉ X-XIV: chủ yếu tiếp thu thể loại văn học Trung Quốc (hịch, cáo, chiếu, biểu, phú, thơ Đường luật…)
- Từ thế kỉ XV: Dân tộc hóa thơ Đường luật để có thơ Nôm Đường luật
- Thế kỉ XVIII-XIX: thể loại nội sinh phát triển: ngâm khúc, truyện thơ, hát nói
b. Phân loại các thể loại của văn học trung đại Việt Nam
- Các thể loại văn học chức năng (hay còn gọi là văn học hành chức - thực hiện những chức năng ngoài văn học) gồm:
+ Văn học thực hiện chức năng hành chính – xã hội: hịch, cáo, chiếu, biểu, thư…
+ Văn học thực hiện chức năng lễ nghi, tôn giáo: văn tế (lễ nghi), kệ - còn gọi là thơ Thiền (tôn giáo)
+ Văn học thực hiện chức năng sử học: những truyện ghi chép về lịch sử (Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư…)
- Các thể loại văn học nghệ thuật gồm:
+ Các thể thơ trữ tình: thơ, ngâm khúc, hát nói…
+ Các thể loại truyện: truyện văn xuôi chữ Hán (truyện thần linh, truyện truyền kì, tiểu thuyết chương hồi), truyện thơ Nôm…
+ Các thể loại kí: kí sự (Thượng kinh kí sự - Lê Hữu Trác), tuỳ bút (Vũ trung tùy bút - Phạm Đình Hổ)…
c. Các thể loại của văn học trung đại có tính quy phạm chặt chẽ
- Tính quy phạm về kết cấu: Mỗi thể loại văn học trung đại có những quy định chặt chẽ về kết cấu. Những quy định này thường được các tác giả tuân thủ một cách nghiêm ngặt khi sáng tác.
Ví dụ:
+ Thể cáo, tiêu biểu là Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) được kết cấu theo bốn phần:
Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa.
Phần 2: Vạch rõ tội ác của quân xâm lược
Phần 3: Thuật lại quá trình chinh phạt gian khổ, tất thắng của cuộc khởi nghĩa.
Phần 4: Tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.
+ Một thể loại nữa có kết cấu chặt chẽ đến mức có thể mô hình hóa, đó là thể thơ Đường luật. Có hai cách chia kết cấu một bài thơ Đường luật:
Thứ nhất: theo kết cấu khai, thừa, chuyển, hợp đối với thơ tứ tuyệt và kết cấu đề, thực, luận, kết đối với thơ bát cú.
Thứ hai: kết cấu bài thơ Đường luật theo mô hình Kim Thánh Thán đề xuất thì có thể chia làm hai. Bài thơ bát cú thì bốn câu trên được gọi là tiền giải, bốn câu sau gọi là hậu giải. Không cứ bát cú mà bài tứ tuyệt cũng có khi chia thành hai phần như thế. Ví dụ: Bài “Độc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du) có thể chia 2 phần: bốn câu đầu: Khóc người, thương người (thể hiện lòng nhân đạo bao la); bốn câu sau: Khóc mình thương mình (thể hiện lòng nhân đạo sâu sắc).
- Tính quy phạm về lời văn: Nhiều thể loại thường dùng những lời văn đối xứng:
+ Văn vần: Thơ Đường luật quy định cặp câu 3-4, Cặp câu 5-6 phải đối xứng với nhau.
+ Văn biền ngẫu: phú, cáo, chiếu… thường sử dụng những câu văn đối xứng.
+ Văn xuôi: các bài kí, bài tựa, bài luận… có khi cũng dùng những lời văn đối xứng.
Đối trong một câu gọi là tiểu đối; đối giữa hai câu gọi là đối ngẫu; xét về nội dung ý nghĩa có đối tương đồng và đối tương phản. Tác dụng của đối: tăng âm hưởng, nhịp điệu, sự mượt mà; đồng thời góp phần nhấn mạnh ý hoặc làm nổi bật ý.
2. Thi pháp hình tượng nghệ thuật
a. Thiên về những hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ
- Hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ là những biểu tượng thay thế sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thực, do sự quy ước của một cộng đồng.
- Xuất phát từ quan niệm thẩm mĩ “cái đẹp là khuôn mẫu của tiền nhân” dẫn đến tính quy phạm chi phối cả trong tư duy, cả trong hình tượng nghệ thuật. Do đó, tính ước lệ là một đặc điểm nổi bật của văn học trung đại. Văn học trung đại hình thành những hệ thống ước lệ để phản ánh, biểu đạt thế giới, xã hội, con người.
- Các loại hệ thống hình tượng ước lệ trong văn học trung đại:
+ Hệ thống hình tượng ước lệ về thiên nhiên: phong, hoa, tuyết, nguyệt, tùng, cúc, trúc, mai, sơn thuỷ hữu tình. Viết về mùa thu bao giờ cũng gắn liền với các hình ảnh như:
- Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Một lá ngô đồng rụng
Thiên hạ biết thu sang)
- Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
- Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.
+ Hệ thống hình tượng ước lệ về cuộc sống: ngư, tiều, canh, mục…
- Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
- Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
+ Hệ thống hình tượng ước lệ về chia ly, xa cách: hoàng hôn, dòng sông, con đò…
- Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn, đã lại mai hôn hoàng.
- Buồn trông cửa bể chiều hôm.
- Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.
b. Hình tượng nghệ thuật có sự sáng tạo trong ước lệ
- Các hình tượng nghệ thuật được xây dựng vẫn giữ tính ước lệ nhưng trong ước lệ đã có sự sáng tạo riêng của tác giả. Trong bài thơ “Tùng”, Nguyễn Trãi sử dụng hình tượng tùng để chỉ người quân tử với những phẩm chất đáng quý theo tiêu chuẩn Nho giáo. Qua hình tượng cây tùng, Nguyễn Trãi còn nói về chính mình. Qua đó, ta thấy được cuộc đời nhiều thăng trầm và sự tự ý thức của tác giả về tài năng và lý tưởng của mình. Về nghệ thuật, bài thơ có hình thức đối thoại nhưng thực chất là độc thoại, khá giống với văn học hiện đại, chủ thể trữ tình phân thân để tự đối thoại:
- Đống lương tài có mấy bằng mày
- Dành còn để trợ dân này.
c. Hình tượng nghệ thuật có sự phá vỡ tính ước lệ
- Với những hình tượng nghệ thuật này, tác giả có cách nhìn riêng dẫn đến có sự sáng tạo riêng và thể hiện được cá tính của mình.
- Những hình tượng nghệ thuật phá vỡ tính ước lệ còn là những hình tượng giản dị, gần gũi, mộc mạc, phản ánh trực tiếp hiện thực đời sống:
+ Ao quan thả gửi đôi bè muống
Đất bụt ươm nhờ một lảnh mùng
+ Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…
* Tóm lại: Hình tượng nghệ thuật trong văn học trung đại thiên về tính tượng trưng, ước lệ. Tuy nhiên, ở một số tác giả tài năng, cá tính họ đã có sự sáng tạo hình tượng nghệ thuật trong tính ước lệ, thậm chí phá vỡ ước lệ để tạo nên dấu ấn độc đáo trong sáng tác của mình, tạo sự phong phú cũng như sự phát triển cho văn học trung đại.
3. Thi pháp nhân vật
a. Nhân vật phân theo loại
- Hệ thống nhân vật được phân loại thành hai tuyến khá rõ ràng (thiện - ác, tốt - xấu) tạo nên tính đơn nhất, một chiều trong xây dựng nhân vật, giống kiểu nhân vật trong truyện cổ tích. Hay nói cách khác, ở điểm này, văn học trung đại mang dấu vết của truyện cổ tích.
Ví dụ: Truyện Lục Vân Tiên, nhân vật đại diện cho cái thiện: Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, ông ngư, ông tiều, mục đồng, Hớn Minh, Tử Trực... Nhân vật đại diện cho cái ác: Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, cha con Võ Thể Loan…
- Tuy nhiên, những tác giả tài năng đã có ý thức xây dựng nhân vật có tính cách đa diện (càng về sau nhân vật càng có tính cách đa diện)
Ví dụ : Truyện Kiều (Nguyễn Du)
+ Kiểu nhân vật theo loại: tốt (Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải…) >< xấu (Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư…).
+ Kiểu nhân vật đa diện: Thuý Kiều, ngoài những phẩm chất tốt đẹp như hiếu thảo, thuỷ chung, giàu đức hi sinh… thì vẫn có những tật xấu như lấy chuông vàng khánh bạc nhà Hoạn thư bỏ trốn (Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân / Bên mình giắt để hộ thân), tham tiền mắc mưu Hồ Tôn Hiến dẫn đến cái chết của Từ Hải (Nàng thời thật dạ tin người / Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu); Hoạn Thư ngoài những cái xấu như ghen tuông, đánh đập, hành hạ Kiều nhưng khi biết Kiều bỏ trốn đã không cho người đuổi theo nàng (Nghĩ cho khi gác viết Kinh / Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo); Thúc Sinh lúc đầu cũng yêu Kiều say đắm (Trước còn giăng gió sau ra đá vàng) nhưng khi bị Hoạn Thư phát hiện thì tỏ ra nhu nhược (Liệu mà cao chạy xa bay / Ái ân ta có chừng này mà thôi).
b. Hướng về con người chung hơn là con người cá thể, ít thể hiện cái Tôi cá nhân
- Văn học trung đại chú ý xây dựng mối quan hệ giữa con người với cộng đồng. Con người trong thời trung đại đề cao tinh thần hi sinh vì cộng đồng, trách nhiệm chung với cả cộng đồng. Thần thoại chú trọng mối quan hệ con người với tự nhiên, sử thi chú trọng mối quan hệ con người với lịch sử còn văn học trung đại chú trọng xây dựng con người trong quan hệ với cộng đồng.
+ Đó là quan niệm vua – tôi, cha – con:
Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời, áo cha
(Nguyễn Trãi)
+ Hay đó là ý thức về việc lập công danh của người nam tử: “Nam nhi vị liễu công danh trái / Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” (Phạm Ngũ Lão)…
- Tuy nhiên, ở các tác giả tài năng và cá tính có xuất hiện con người cá nhân:
+ Sáng tác của Nguyễn Trãi có con người cá nhân: có sở thích cá nhân (Ông này đã có thú ông này), có bản lĩnh cá nhân (Sự thế dữ lành ai hỏi đến/ bảo rằng ông đã điếc hai tai), ý thức về tài năng cá nhân (Tùng); những từ ngữ, hình ảnh thể hiện con người cá nhân (ông này, các đại từ “cô, độc, nhất”…)
+ Ở Hồ Xuân Hương cũng có ý thức về cá nhân: bi kịch cá nhân (Tự tình), khát vọng cá nhân (Mời trầu, Tự tình), ý thức tài năng cá nhân (Đề đền Sầm Nghi Đống, Mắng học trò dốt…)
+ Nguyễn Công Trứ cũng ý thức sâu sắc về tài năng cá nhân thể hiện qua lối sống ngất ngưởng, “ngông” là biểu hiện của sự khác người, khác đời, đồng thời cũng là hơn người, hơn đời.
+ Con người cá nhân của Nguyễn Du thể hiện qua Độc Tiểu Thanh kí, Truyện Kiều, Tú Xương qua Thương vợ, các bài thơ viết về chủ đề thi cử…
c. Thể hiện con người hành động hơn là con người cảm nghĩ
- Con người được khắc hoạ chủ yếu qua ngôn ngữ đối thoại, hành động, cử chỉ mà ít đi sâu miêu tả tâm trạng (so sánh với kiểu nhân vật trong Truyện cổ tích: chỉ có con người hành động, không có con người cá tính). Ví dụ các nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực, Vũ Nương…
- Nhân vật ít có sự phát triển tính cách. Các sự kiện chỉ góp phần làm nổi bật nét tính cách đã được định hình từ trước. Ví dụ tính cách Vũ Nương, Kiều Nguyệt Nga đều được ổn định với tấm lòng thuỷ chung son sắc, Lục Vân Tiên với tính cách nghĩa hiệp…
- Tuy nhiên, ở một số tác giả tài năng và càng về cuối của văn hcoj trung đại càng xuất hiện nhân vật với cả con người hành động và con người cảm nghĩ, con người tính cách. Ví dụ sự thể hiện tâm lí của Thuý Kiều trong đoạn trích Trao duyên, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nỗi thương mình…
d. Hướng về con người nhân cách hơn là con người tài năng
- Xuất phát từ quan niệm người xưa trọng đức hơn trọng tài dẫn đến việc văn học trung đại hướng nhiều về con người nhân cách. Trong sáng tác văn học thời này người ta ít nói đến tài năng (quan niệm của Khổng Tử: người quân tử “khiêm nhi bất kiêu”) mà đề cao khía cạnh phẩm chất, nhân cách, đề cao cái tâm của con người. Chẳng hạn như:
+ Con người sống theo nguyên tắc tỏ lòng: nhân vật trữ tình trong Thuật hoài, Cảm hoài…
+ Con người nêu gương sáng: thơ văn Nguyễn Trãi,…
- Ở các tác giả tài năng có sự thể hiện con người tài năng, đặc biệt là từ thế kỉ XVIII. Chẳng hạn nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương.
4. Thi pháp ngôn ngữ
a. Tính chất song ngữ với những yếu tố ngôn ngữ Hán và yếu tố ngôn ngữ Nôm
Ngôn ngữ của văn học trung đại có tính chất song ngữ với sự kết hợp hài hoà của yếu tố Hán và yếu tố Nôm.
* Yếu tố ngôn ngữ Hán được thể hiện thông qua cách dùng những điển tích, điển cố và thi liệu Hán học. Yếu tố ngôn ngữ Hán được sử dụng trong văn học trung đại với những trường hợp sau:
- Thể hiện những gì nghiêng về cái cao cả, tao nhã. Chẳng hạn trong lời của Thuý Kiều khi nói với Thúc Sinh, tác giả sử dụng nhiều yếu tố ngôn ngữ Hán vì Thúc Sinh là một chàng thư sinh cũng có học thức, đồng thời tạo tính trang nhã:
Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai lại chẳng phụ lòng cố nhân
Nhưng khi nói về Hoạn Thư - một người đàn bà khôn ngoan thì lời Kiều lại xuất hiện nhiều yếu tố Nôm mà không dùng thi liệu Hán:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Kiến bò miệng chén chưa lâu.
Mưu sâu cùng trả nghĩa sâu cho vừa.
- Thể hiện sắc thái cổ kính, cổ xưa, vĩnh hằng
Ví dụ: Trong bài “Chiều hôm nhớ nhà”, Bà Huyện Thanh Quan có viết:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Từ những hình ảnh, sự vật cụ thể mà tác giả lại sử dụng những từ Hán Việt khiến cho những con người, sự vật ấy như đã có từ xưa cũ, thiên cổ, thành vĩnh hằng. Từ đó, một nỗi nhớ cụ thể trước mắt được đẩy thành nỗi nhớ muôn đời và vĩnh hằng. Và ngược lại nỗi nhớ từ vĩnh hằng, muôn thuở đã dồn vào nỗi nhớ cụ thể của tác giả hôm nay.
- Khi cần thể hiện tính chất hàm súc, cô đọng người ta cũng hay dùng những điển cố, thi liệu Hán học. Chẳng hạn, kết thúc bài Thu vịnh, Nguyễn Khuyến hạ bút với một điển cố:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Sử dụng điển cố “ông Đào” (tức Đào Tiềm) thể hiện nỗi thẹn về nhân cách, về tài năng của Nguyễn Khuyến so với Đào Tiềm - cái thẹn này làm cho con người trở nên lớn lao, cao cả hơn.
* Yếu tố ngôn ngữ Nôm được thể hiện thông qua cách sử dụng ngôn ngữ đời sống, thi liệu văn học dân gian. Yếu tố ngôn ngữ Nôm được sử dụng trong văn học trung đại với những trường hợp sau:
- Thể hiện những gì nghiêng về sự bình dị, mộc mạc. Chẳng hạn tái hiện cuộc sống của một lão nông tri điền, Nguyễn Trãi viết:
Ao cạn, vớt bèo cấy muống
Đìa thanh, phát cỏ ương sen..
- Thể hiện những gì nghiêng về sắc thái cụ thể, sinh động. Điều này được bộc lộ rõ khi tác giả sử dụng các từ láy (láy âm, láy vần, láy toàn phần). Ví dụ:
Hương cách, gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh.
Trong hai câu thơ trên, những yếu tố ngôn ngữ Hán như: hương, vân, tuyết, thu, nguyệt rất dễ khiến câu thơ rơi vào công thức, ước lệ. Hai yếu tố ngôn ngữ Nôm là hai từ láy “lạnh lạnh, chênh chênh” khiến cảnh hiện lên chân thực, cụ thể, sinh động chứ không còn ước lệ, công thức nữa.
- Yếu tố ngôn ngữ Nôm còn được sử dụng trong những trường hợp thể hiện sự gần gũi, thân mật, đậm đà chất dân tộc.
+ Chẳng hạn trong thơ Nguyễn Trãi, trong tập “Quốc âm thi tập”, những từ chỉ quan hệ họ hàng, thân tộc hầu như Nguyễn Trãi không sử dụng từ Hán Việt mà chỉ sử dụng từ thuần Việt, tạo sự gần gũi, chân thành, ruột thịt:
- Nuôi con mới biết lòng cha mẹ
Thấy loạn thì hay đời Thuấn, Nghiêu.
- Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời, áo cha.
+ Thơ Nguyễn Khuyến sử dụng nhiều ngôn ngữ đời sống.
Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm lăm ông cũng lão đây mà.
* Đôi khi, sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố ngôn ngữ Hán với yếu tố ngôn ngữ Nôm tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao.
- Chẳng hạn khi các tác giả tạo nên sự kết hợp giữa cái thanh cao, tao nhã với cái bình dị, mộc mạc:
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
- Hoặc khi tạo sự kết hợp giữa cái hàm súc, cô đọng, biểu tượng với cái cụ thể, sinh động.
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Sự kết hợp giữa yếu tố ngôn ngữ Hán với các yếu tố ngôn ngữ Nôm, giữa bút pháp ước lệ với nét bút cụ thể đã tạo ra bức tranh cảnh chiều hôm vừa như thuộc về dĩ vãng vừa như đang diễn ra trong thực tại, sinh động ở trước mắt.
b. Tính chất cô đọng, hàm súc với việc ưa “đúc chữ” và tính trang nhã với việc hay dùng uyển ngữ
* Ngôn ngữ trong văn học trung đại ưa sự “đúc chữ”, thể hiện rõ nhất trong thơ Đường luật.
- Thơ Đường luật sử dụng nhiều thực từ hơn hư từ. Đặc biệt hay sử dụng những chữ có vai trò nhãn tự, nhãn cú, thần cú, thần tự
- Ví dụ:
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
(Quốc tộ - Đỗ Pháp Thuận)
Từ “vô vi” là nhãn tự của bài thơ, thể hiện quan điểm trị quốc: dùng đức để cảm hoá thì đất nước, cuộc sống của nhân dân sẽ ấm no, hạnh phúc, chiến tranh tự nó sẽ chấm dứt.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Ở đây cùng nghĩa là “khóc” nhưng tác giả lại sử dụng từ “khấp” chứ không dùng từ “khốc”, Bởi “khốc” là khóc to thành tiếng và có nước mắt, còn “khấp” là khóc thầm, khóc không thành tiếng, nước mắt không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào trong. “Khấp” là tiếng khóc tri âm giữa những người tri kỉ chứ không phải khóc xót thương thông thường như “khốc”. Vì vậy có thể nói “khấp” là nhãn tự của bài thơ thể hiện niềm khát khao tìm kiếm người tri âm tri kỉ của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng cho thấy được nỗi cô đơn, cô độc, không người thấu hiểu của nhà thơ trong thực tại.
* Ngôn ngữ văn học trung đại cũng hay dùng uyển ngữ. Biểu hiện cụ thể như sau:
- Dùng cách nói giảm, nói tránh thay cho lối nói trực diện có thể bị coi là thô lỗ, sỗ sàng. Bởi thời trung đại quan niệm “văn phải lệ” (tức văn phải trau chuốt, mài giũa), “từ phải mĩ” (tức từ phải hay, phải đẹp).
Ví dụ trong đoạn trích “Trao duyên”, Thuý Kiều hay dùng các uyển ngữ:
+ Giữa đường đứt gánh tương tư
+ Bây giờ trâm gãy gương tan
+ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Hay trong “Truyện Lục Vân Tiên” có câu:
Lá vàng còn ở trên cây
Lá xanh đã rụng trời hay chăng trời.
- Làm cho lời đẹp một cách trau chuốt, mượt mà: Chẳng hạn trong “Truyện Kiều”, Từ Hải khen tài thơ của Thuý Kiều, Nguyễn Du viết
+ Khen tài nhả ngọc, phun châu
+ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.
*****
Văn học trung đại Việt Nam suốt một nghìn năm lịch sử trải qua các triều đại phong kiến với bao truyền thống hiển hách dựng nước và giữ nước… Hơi thở của dân tộc đọng lại trong từng câu chữ với bao vẻ đẹp hào sảng kết tinh ở nhiều thể loại. Việc tìm hiểu đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam có ý nghĩa nhất định đối với quá trình tìm hiểu, khám phá, thưởng thức mảng văn học này để thêm yêu quý, trân trọng văn hiến dân tộc.
Để lại bình luận