Giáo dục

16 thg 3, 2025
10 phút đọc
21lượt xem
10 phút đọc

7 cách giúp trẻ nhỏ giải trí mà không cần dùng đến màn hình

MQC Academy

MQC Academy

144 Người theo dõi
7 cách giúp trẻ nhỏ giải trí mà không cần dùng đến màn hình

Chơi với nước có thể mang đến cho trẻ một trải nghiệm đầy năng lượng, là sự thay đổi mát mẻ và sảng khoái khi thời tiết bắt đầu nóng lên. (Ảnh: Thiên Hòa/ MQC)

Chỉ cần một chút sáng tạo từ cha mẹ cũng có thể mang lại những giờ chơi đầy trí tưởng tượng tuyệt vời cho trẻ.

Ad

Trong một chuyến đi gần đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy hầu như đứa trẻ nào ở sân bay hay trên máy bay cũng đều bị cuốn hút vào màn hình mê hoặc của chiếc iPad. Dù tôi hoàn toàn hiểu những khó khăn khi phải di chuyển cùng trẻ nhỏ và việc giữ cho các bé không chán chường trong những khoảng thời gian quá cảnh dài, tôi tự hỏi chúng ta có thể tạo ra những khó khăn lớn hơn và lâu dài nào cho con cái mình khi cho chúng quá nhiều thời gian sử dụng màn hình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể cản trở sự phát triển của trẻ nhỏ. Dưới đây là một số xu hướng đáng lo ngại liên quan đến việc lạm dụng màn hình như: Chậm phát triển ngôn ngữ, trì trệ trong phát triển xã hội và cảm xúc, kết quả học tập kém, nguy cơ béo phì cao hơn, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu. Những khả năng đó đủ để khiến chúng ta cân nhắc việc tạm dừng phim ảnh hay trò chơi điện tử lại.

Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ cũng cần được nghỉ ngơi—đặc biệt là vào buổi tối, khi “bình xăng” của cả gia đình đều đã cạn và sự kiên nhẫn cũng chẳng còn bao nhiêu. Dĩ nhiên, TV và các thiết bị điện tử có thể là một giải pháp giúp lấy lại sự yên tĩnh, nhưng theo tôi, chúng chỉ nên chiếm một phần rất nhỏ so với vai trò mà nhiều cha mẹ hiện nay đang trao cho chúng.

Vẫn có nhiều cách khác để giúp trẻ nhỏ giữ được sự bình tĩnh và niềm vui, mà không cần quá nhiều sự can thiệp từ cha mẹ.

Dưới đây là một vài gợi ý:

1. Để trẻ chơi với nước một chút

Sự kỳ diệu của trò chơi với nước có thể dễ dàng mê hoặc trẻ em, giữ cho chúng say mê trong khoảng thời gian dài. Con gái 2 tuổi của tôi rất thích “rửa bát”. Chúng tôi mở vòi nước chảy nhẹ ở bồn rửa bát và đưa cho bé vài chiếc cốc đo lường để đổ đầy, đổ ra rồi lại đổ đầy lần nữa. Tôi từng thấy bé chăm chú làm việc này suốt nửa tiếng, thậm chí lâu hơn. Bồn tắm cùng vài món đồ chơi cũng là một cách tuyệt vời để trẻ khám phá thế giới nước, nếu trong bồn có nhiều nước, tất nhiên cha mẹ vẫn cần giám sát cẩn thận.

2. Mở sách nói hoặc podcast cho trẻ nghe

Trẻ em không cần phải “nhìn thấy” một câu chuyện mới có thể thưởng thức nó. Việc nghe podcast thiếu nhi hoặc sách nói mang lại nhiều lợi ích tương tự như xem phim hay chương trình truyền hình—nhưng không kèm theo các tác hại. Trẻ có thể hoàn toàn bị cuốn vào một câu chuyện hay một chương trình thú vị mà không cần dán mắt vào màn hình. Điều này còn khuyến khích trẻ sử dụng trí tưởng tượng để làm sống động nội dung—điều mà khi xem tivi hay máy tính bảng, trẻ ít khi phải làm.

Một số công ty đã phát triển các thiết bị âm thanh thân thiện với trẻ em và không cần màn hình, như máy phát Yoto. Chỉ cần cắm những chiếc thẻ nhỏ vào thiết bị này, trẻ có thể truy cập vào sách nói, nhạc, đài phát thanh và các podcast được thiết kế riêng cho lứa tuổi nhỏ.

Những vùng đất tưởng tượng và các anh hùng dũng cảm sống động trong trí tưởng tượng của trẻ khi các em lắng nghe những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm. (Ảnh: Thiên Hòa/ MQC)

3. Mở tiệc khiêu vũ tại gia

Vợ tôi thường kể về những buổi “tiệc khiêu vũ” tưng bừng trong gia đình cô ấy khi còn nhỏ. Mỗi tối, khi cha cô ra ngoài vắt sữa bò, mẹ cô sẽ bật nhạc lên, và bà cùng bốn cô con gái nhỏ sẽ nhảy múa suốt buổi tối—với bạn nhảy là những cây chổi, thước kẻ, hay bất cứ thứ gì cầm được trong tay. Truyền thống đó giờ đã được tiếp nối trong gia đình chúng tôi, và con gái tôi thì vô cùng thích thú với nó.

Hầu hết trẻ nhỏ đều yêu thích nhảy múa một cách tự nhiên—và qua đó, các bé đang chạm đến một truyền thống lâu đời hàng ngàn năm của con người. Con người đã nhảy múa cùng nhau từ thời kỳ đồ đá. Nhảy múa mang lại rất nhiều lợi ích cho cả trẻ em lẫn người lớn, bao gồm cải thiện thăng bằng và sức mạnh cơ thể, giảm căng thẳng và nỗi buồn, cũng như tăng cường sức khỏe tim mạch.

Đây cũng là một hoạt động tuyệt vời cho một nhóm trẻ cùng tham gia. Các bé có thể cùng nhau giải phóng năng lượng theo cách sáng tạo mà không gây rối hay phá phách.

4. Dùng chiêu ‘dán hình’

Với sự kết hợp giữa hình ảnh bắt mắt và hoạt động mang tính vận động nhẹ, sách dán hình có thể khiến trẻ nhỏ say mê hàng giờ liền. Từ khủng long đến bánh cupcake, có đủ loại chủ đề để lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích của mỗi bé.

Giống như nhiều hoạt động khác trong danh sách này, hiệu quả của trò chơi dán hình phụ thuộc vào tần suất sử dụng. Nếu bạn biến việc chơi sticker thành một “món quà đặc biệt” chỉ được phép chơi vài ngày mỗi tuần, thì mỗi lần chơi sẽ trở nên hấp dẫn và kéo dài hơn rất nhiều đối với trẻ.

Với sự kết hợp giữa hình ảnh bắt mắt và hoạt động mang tính vận động nhẹ, sách dán hình có thể khiến trẻ nhỏ say mê hàng giờ liền. (Ảnh: pexels)

5. Lôi nồi chảo ra chơi

Nhiều khi, trẻ em sẽ tự khám phá ra trò này. Có vẻ như bên trong mỗi đứa trẻ đều có một “nam châm” thu hút chúng đến với nồi và chảo. Thậm chí có bé còn lục tủ bếp trước cả khi biết đi. Sự sáng bóng của nồi, âm thanh leng keng khi gõ vào, và khả năng xếp chồng thú vị khiến chúng trở nên không thể cưỡng lại.

Bạn có thể giúp đơn giản hóa quá trình này bằng cách chủ động lấy vài món đồ bếp ra cho bé—một cái chảo nhỏ, một chiếc nồi và một chiếc muỗng là đủ để bắt đầu một “buổi biểu diễn trống” tại gia. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một khoảng thời gian yên tĩnh, thì đây có thể không phải lựa chọn lý tưởng, vì tiếng gõ nồi có thể sớm vang lên khắp nhà!

6. Cho trẻ ‘giúp một tay’

Mong muốn hoàn thành công việc của cha mẹ không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhu cầu giải trí của trẻ. Nhiều em nhỏ—ngay cả những bé còn rất nhỏ—rất thích bắt chước người lớn và tham gia vào những “công việc thật sự”. Hãy thử giao cho trẻ một nhiệm vụ phù hợp với độ tuổi, chẳng hạn như nhặt đồ chơi, dọn bàn ăn, hoặc gấp quần áo.

Dù kết quả có thể chưa hoàn hảo, nhưng đây là một cơ hội tuyệt vời để trẻ vừa chơi vừa học. Cách tiếp cận này không chỉ giúp trẻ bận rộn một cách tích cực, mà còn bắt đầu dạy cho các em những bài học quan trọng về trách nhiệm và niềm vui khi được đóng góp có ý nghĩa vào cuộc sống gia đình.

Giúp đỡ việc nhà không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống, mà còn nuôi dưỡng trong các em sự tin tưởng và tự tin. (Ảnh: Thiên Hòa/ MQC)

7. Cho phép trẻ… chán một chút

Cuối cùng, cha mẹ không nhất thiết phải giải trí cho con suốt mọi giờ trong ngày. Việc để trẻ trải qua một vài khoảng thời gian buồn chán thực ra lại có lợi cho sự phát triển của các em. Với một chút định hướng, trẻ có thể học cách tự tìm niềm vui cho bản thân. Theo Viện Tâm lý Trẻ em (Child Mind Institute), cảm giác buồn chán giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng như: Đối mặt với sự thất vọng, xây dựng trí tưởng tượng và rèn luyện óc sáng tạo.

Các chuyên gia tại Viện chia sẻ: “Buồn chán cũng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, linh hoạt và tổ chức—những kỹ năng mà nhiều trẻ em sống trong môi trường quá nhiều khuôn khổ thường thiếu”. Họ cho rằng cha mẹ nên giúp trẻ học cách quản lý cảm giác buồn chán để biến nó thành cơ hội phát triển sự độc lập, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng tự tạo niềm vui.

Bảy hoạt động trên có thể sẽ không khiến trẻ ngồi yên trên ghế suốt hai tiếng như khi xem phim, nhưng rất có thể chúng sẽ giúp cha mẹ có được khoảng thời gian quý báu để làm việc, nghỉ ngơi hoặc trò chuyện cùng nhau—trong khi tránh được một số tác hại từ việc lạm dụng màn hình. Việc thay đổi các hoạt động đa dạng cũng sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú lâu dài, đồng thời tạo thêm không gian thư thả cho người lớn.

Theo Walker Larson - The Epoch Times

Trước khi trở thành một nhà báo tự do và cây bút viết về văn hóa, ông Walker Larson từng giảng dạy văn học và lịch sử tại một học viện tư thục ở Wisconsin, nơi hiện ông đang sinh sống cùng vợ và con gái. Ông có bằng thạc sĩ chuyên ngành Văn học và Ngôn ngữ Anh, và các bài viết của ông từng xuất hiện trên The Hemingway Review, Intellectual Takeout, cũng như chuyên trang Substack cá nhân mang tên The Hazelnut. Ông cũng là tác giả của hai tiểu thuyết: Hologram và Song of Spheres.

Thiên Hòa biên dịch

Thêm từ MQC Academy

Đề xuất