Tòa nhà Steeple ở Christiansted, St. Croix được xây dựng vào năm 1753, vài năm trước khi Alexander Hamilton chào đời. (Ảnh: Deena Bouknight via The Epoch Times)
Hòn đảo St. Croix, nơi Ngài Alexander Hamilton trải qua tuổi thơ, là vùng đất của thử thách, khát khao tri thức và đầy ắp cơ hội.
Trong khi phần lớn các vị cha lập quốc nổi bật của nước Mỹ đến từ Virginia — nhờ sự giàu có và ảnh hưởng của thuộc địa này vào thế kỷ 17 và 18 — thì một nhân vật quan trọng lại trải qua thời thơ ấu trên một hòn đảo nhỏ cách đó hơn 2400 km. Ngài Alexander Hamilton chào đời tại đảo Nevis, thuộc quần đảo dưới quyền của Anh, vào khoảng giữa năm 1755 và 1757.
Năm 1765, Hamilton cùng cha mẹ chuyển đến St. Croix — hòn đảo rộng 218 km2 ở vùng Caribe, nằm cách Nevis 247 km về phía Tây Bắc. Chính tại nơi này, Ngài đã tiếp thu những kỹ năng thiết yếu về tài chính và kinh doanh, đặt nền móng cho con đường trở thành một nhân vật kiệt xuất trong tiến trình hình thành của Mỹ quốc.

Ngài Alexander Hamilton, một trong những vị Cha lập quốc của Hoa Kỳ. (Nguồn: Cơ quan lưu trữ quốc gia và quản lý hồ sơ Hoa Kỳ via The Epoch Times)
Ngôi làng lịch sử trên đảo
Nhờ có Hamilton, bất kỳ ai yêu thích lịch sử khi đặt chân đến St. Croix đều không thể bỏ qua di tích lịch sử quốc gia Christiansted. Nằm ở vùng quanh co phía Bắc trung tâm của hòn đảo có hình dáng như chiếc giày, Christiansted là thị trấn lớn nhất St. Croix, được người Hà Lan đặt tên với nghĩa là “Chốn của Christian”. Trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ từ năm 1917, St. Croix từng trải qua thời kỳ hưng thịnh trong nhiều năm — đặc biệt là vào thế kỷ 18 — với vai trò là vùng trồng trọt và xuất khẩu mía đường cùng bông vải quan trọng. Ngày nay, du khách đến Christiansted có thể tham gia các tour đi bộ khám phá nơi mà Ngài Alexander Hamilton từng sinh sống tại thị trấn cảng này — dưới hình thức tour có hướng dẫn viên (có thu phí) hoặc tự do tham quan (miễn phí). Bản đồ hướng dẫn được cung cấp tại Pháo đài Christiansvaern hoặc tại Scale House — nơi từng dùng để cân đo hàng hóa xuất nhập khẩu.

Pháo đài Christiansvaern hoặc tại Scale House — nơi từng dùng để cân đo hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh: Public domain)
Nhiều tòa nhà có tường trát vữa và sơn màu phấn từ thế kỷ 18 và 19 vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tại đây. Thật dễ hình dung cảnh tượng hàng ngày mà Ngài Alexander Hamilton từng chứng kiến khi ra vào ngôi nhà kiêm cửa hàng của mẹ Ngài trên phố Company. Dù căn nhà đó không còn tồn tại, Tòa nhà Steeple trên cùng con phố vẫn đứng vững. Được xây dựng từ năm 1753, công trình này ban đầu là một nhà thờ Lutheran. Ngài Hamilton hẳn đã nhiều lần đi ngang qua nơi đây trước khi phần tháp chuông được xây thêm vào cuối thế kỷ 18.

Nhìn từ Tòa nhà Steeple. (Ảnh: Public domain)

Phần tháp chuông của Tòa nhà Steeple được xây dựng thêm vào cuối thế kỷ 18. (Ảnh: Deena Bouknight via The Epoch Times)
Ngài Hamilton và gia đình từng dự lễ tại nhà thờ Anh giáo St. John trên đường Strand. Ngày nay, trên chính nền đất đó là nhà thờ St. John mang phong cách Gothic, được xây dựng vào năm 1868, thay thế cho nhà thờ gỗ từng tồn tại vào thời Hamilton.
Khi cha Ngài, James, rời hai mẹ con Ngài vào năm 1766 để trở về đảo Nevis, Hamilton bắt đầu làm thư ký cho một công ty thương mại xuất nhập khẩu mang tên Beekman and Cruger. Tại đây, cậu thiếu niên này đã tiếp thu những đặc thù của thương mại quốc tế — một trải nghiệm mà người sáng lập hệ thống kinh tế Mỹ sau này từng gọi là “phần hữu ích nhất trong nền giáo dục của mình”.
Tòa nhà kho nơi Ngài Hamilton từng làm việc nay không còn trên phố King, nhưng Ngài hẳn đã thường xuyên giao dịch trong tòa nhà vào thời điểm lịch sử đó, như bến cảng và nhà cân hàng hóa – hiện thuộc khu di tích lịch sử quốc gia Christiansted.
Một công trình được bảo tồn mà ông Hamilton chắc chắn từng biết – và có thể từng lui tới – là Nhà kho của Công ty Tây Ấn Đan Mạch và Guinea, xây dựng khoảng năm 1749, nằm ở góc phố Company và Church. Những bức tường trát vữa màu vàng nhạt cùng cửa chớp bằng gỗ của tòa nhà này thể hiện rõ phong cách kiến trúc thuộc địa Đan Mạch đặc trưng trên hòn đảo.

Nhà kho của Công ty Tây Ấn Đan Mạch hẳn là một hình ảnh quen thuộc đối với ‘cậu thiếu niên’ Alexander Hamilton. (Ảnh: Public domain)
Ngài Hamilton cũng từng bước trên những lối đi lát đá cuội vẫn còn tồn tại đến ngày nay, chạy dọc trước các ngôi nhà, cửa hàng và doanh nghiệp ở Christiansted.
Trong môi trường nhiệt đới này, Hamilton đọc mọi thứ mà ông có thể tìm được — theo cuốn sách Alexander Hamilton của Ron Chernow, tác phẩm đã truyền cảm hứng cho vở nhạc kịch Broadway nổi tiếng Hamilton. Giống như Benjamin Franklin, Hamilton là người tự học.
Sau khi mẹ Ngài, bà Rachel, qua đời vì bệnh sốt vàng vào năm 1768, cậu bé Hamilton khi ấy mới 13 tuổi tiếp tục làm việc cho công ty thương mại xuất nhập khẩu suốt những năm tuổi thiếu niên. Nhờ sự kỷ luật trong việc đọc và viết, Hamilton sớm trở thành một cây bút tài năng. Bài viết miêu tả cơn bão năm 1772 tàn phá hòn đảo của ông đã thu hút sự chú ý của một doanh nhân địa phương. Một quỹ đã được thành lập, tạo điều kiện cho Hamilton trẻ tuổi rời đảo vào năm 1773, bắt đầu một cuộc đời mới nơi 13 thuộc địa Mỹ đang phát triển. Chính bức thư giản dị ấy — hiện vẫn còn bản sao lưu giữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ — đã mở ra vô vàn cánh cửa cho chàng thanh niên đầy triển vọng.

Pháo đài Christiansvaern được xây dựng để bảo vệ đảo St. Croix khỏi những cướp biển cướp bóc. (Ảnh: Deena Bouknight via The Epoch Times)
Một trong những công trình cuối cùng mà Hamilton có lẽ đã nhìn thấy khi rời khỏi thị trấn đảo nơi ông trải qua thời niên thiếu là Pháo đài Christiansvaern — pháo đài màu vàng rực rỡ được xây dựng trong khoảng từ năm 1738 đến 1749. Công trình này từng được người Hà Lan sử dụng chủ yếu để bảo vệ Christiansted và đảo St. Croix khỏi các cuộc tấn công của cướp biển.
Ngày nay, du khách có thể tản bộ trên mái pháo đài Christiansvaern, phóng tầm mắt ra đường chân trời phía Đại Tây Dương. Nhưng họ cũng có thể nhìn về phía thị trấn Christiansted và nhận ra rằng, hơn 250 năm trước, ông Alexander Hamilton đã từng đặt chân trên chính những con đường này.

Một hành lang ở Pháo đài Christiansvaern, Christiansted, St. Croix. (Ảnh: Public domain)

Đường Queens Cross ở Christiansted. (Ảnh: Public domain)
Theo Deena Bouknight - The Epoch Times
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề viết và báo chí, bà Deena C. Bouknight làm việc từ căn nhà nhỏ giữa núi non Tây Bắc Carolina. Bà đã đóng góp nhiều bài viết về văn hóa ẩm thực, du lịch, con người và nhiều lĩnh vực khác cho các ấn phẩm địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Deena là tác giả của ba tiểu thuyết, trong đó có tác phẩm hư cấu lịch sử duy nhất viết về trận động đất tồi tệ nhất từng xảy ra trên bờ Đông nước Mỹ. Website của bà là: DeenaBouknightWriting.com.
Thiên Hòa biên dịch