14 thg 7, 2024
11 phút đọc
11 phút đọc

Từ Hải đời thật qua sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến

Từ Hải đời thật qua sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến

Người yêu Truyện Kiều muốn biết sự khác biệt giữa người thực, việc thực cùng người và việc được tiểu thuyết hóa trong truyện. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã dịch lại phần Liệt Truyện của Hồ Tôn Hiến trong Minh Sử; nay tình cờ được đọc cuốn sách do Hồ Tôn Hiến biên soạn, nhan đề là Trù Hải đồ Biên [đồ hình và biên chép về việc trù hoạch bình định ngoài biển], nên lại được dịp nghiên cứu tiếp. Sách Trù Hải Ðồ Biên gồm 13 quyển, được biên soạn rất công phu, trong đó có 2 phần: ghi chép và đồ hình. Phần ghi chép đề cập đến chiến lược, chiến thuật, kể lại các trận đánh giặc biển xẩy ra dưới thời Gia Tĩnh triều Minh, cùng thuyết minh các đồ hình. Phần đồ hình vẽ lại bản đồ các phủ, huyện, thành quách vùng duyên hải Trung Quốc; cùng hình vẽ các loại thuyền, vũ khí, quân cụ. Riêng phần ghi chép tại quyển 9, nhan đề Ðại Tiệp Khảo [khảo về các trận thắng lớn], trong đó có bài Ký tiễu Từ Hải Bản Mạt [chép đầu đuôi việc tiễu trừ Từ Hải]. Bài này do Tổng đốc Hồ Tôn Hiến sai thuộc cấp là Phó sứ Mao Khôn soạn; vì tác giả là người trong cuộc, nên nội dung cung cấp nhiều tư liệu, tình tiết sống động hơn chính sử, trong đó nói về 3 nhân vật truyện Kiều là Vương Thúy Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến. Ðây là nguồn tư liệu quý báu, nên xin dịch nguyên văn, lại đính kèm bản đồ do chính Hồ Tôn Hiến soạn; trường hợp địa danh có trong văn bản và bản đồ thì đánh số cả hai, phía dưới bản đồ có thêm phần phiên âm, để bạn đọc dễ dàng tham khảo. Ngoài ra nhắm giúp kiểm chứng với thực tại, chúng tôi sao lại bản đồ Google, trích những địa danh liên quan rồi phiên âm Hán Việt; giúp độc giả thấy sự liên hệ giửa bản đồ cũ và bản đồ hiện đại.

Ký Tiễu Từ Hải Bản Mạt
[Chép đầu đuôi việc tiễu trừ Từ Hải]

Bản đồ vùng duyên hải tỉnh Chiết Giang

Phiên âm và chú thích các địa danh:

-1- Sạ Phố: nơi Từ Hải đổ bộ.
-2- Bình Hồ huyện: nơi Từ Hải ra hàng.
-3- Gia Hưng phủ: nơi quân Hà Sóc xuất phát
-4- Hải Ninh huyện
-5- Hàng Châu phủ: bản doanh của Hồ Tôn Hiến, mục tiêu đánh chiếm của Từ Hải
-6- Tiền Ðường giang: nơi Ðề đốc Nguyễn Ngạc rút lui.
-7- Gia Thiện huyện: chỗ quân Nụy tiến đến.
-8- Sùng Ðức huyện: nơi xuất phát hành quân của Ðề đốc Nguyễn Ngạc
-9- Ðồng Hương huyện: nơi Ðề đốc Nguyễn Ngạc bị vây.
-10- Tô Châu phủ: mục tiêu đánh chiếm của Từ Hải.
-11- Hồ Châu phủ: mục tiêu đánh chiếm của Từ Hải.
-12- Hải Diêm huyện: chỗ Hồ Tôn Hiến xuất phát
-13- Thượng Hải: nơi quân thuộc phe Từ Hải đánh phá.
-14- Thai Châu phủ: nơi Ðề đốc Nguyễn Ngạc rút lui

(Ghi chú: Bài gốc trên bản đồ không điền đầy đủ các địa danh trên, chỉ có 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12, 14)

Bản đồ Google dùng để phối kiểm

Phiên âm:

Haiyan: huyện Hải Diêm
Haining: Hải Ninh thị
Hangzhou: Hàng Châu thị
Huzhou: Hồ Châu thị
Jiashan: huyện Gia Thiện
Jiaxing: Gia Hưng thị
Pinghu: Bình Hồ thị
Shanghai: Thượng Hải thị
Suzhou: Tô Châu thị
Tongxiang: Ðồng Hương thị

Vào năm Bính Thìn [1556] thời Gia Tĩnh, Từ Hải mang quân Nụy vào cướp phá. Một cánh từ cửa biển vào cướp Duy Dương, phía đông khống chế Kinh Khẩu; một cánh từ Tùng Giang vào cướp phá Thượng Hải [xem bản đồ -13-], một cánh từ cửa quan Ðịnh Hải vào cướp phá các huyện như Từ Khê, mỗi cánh khoảng vài ngàn tên. Riêng Hải cầm hơn 1 vạn quân áp vào Sạ Phố [-1-], sau khi đổ bộ cho hủy đốt thuyền, lệnh mọi người phải tử chiến, rồi hướng đến căn cứ cũ là Thạch Lâm. Bộ hạ của Trần Ðông gồm vài ngàn tên, hợp binh với Hải đánh thành Sạ Phố [-1-], sự việc xẩy ra vào ngày 19 tháng tư.

Lúc bấy giờ triều đình mới cách chức Tổng đốc cũ, và giao cho tân Tổng đốc họ Hồ [Tôn Hiến], nguyên giữ chức Ðề đốc thay thế. Ngay vào ngày mồng 8, Hồ công sai tham mưu dưới quyền chiêu mộ được 3000 quân, nhưng đều thuộc loại bạc nhược không thể sử dụng được; mà số quân thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Sơn Ðông, Hà Nam do Tổng đốc cũ trưng điều thì đã cho về; việc hoãn cấp nay chỉ dựa vào 1000 Thổ binh Dung Mỹ và 800 quân Hà Sóc dưới quyền Tham tướng Tôn Lễ.

Riêng quân Nụy [Nhật] tại nam, bắc Chiết Giang không dưới số vạn. Ðiệp báo cho biết các tù trưởng sẽ chia đường cướp phá các châu quận Giang, Hoài, Ngô, Việt để chặn quân tiếp viện; còn bọn Từ Hải từ sào huyệt Sạ Phố xuống Hàng Châu [-5-], càn quét các vùng Tô Châu [-10-], Hồ Châu [-11-] để uy hiếp Kim Lăng, khí thế rất hung dữ. Tổng đốc Hồ Tôn Hiến mới triệu tập các ty để bàn kế hoạch, thì chẳng bao lâu quan Ðề học họ Nguyễn [Nguyễn Ngạc] được lệnh thay Tổng đốc Hồ, giữ chức Ðề đốc. Hịch ban lệnh chưa đến nơi, thì nửa đêm hôm đó được tin thành Sạ Phố [-1-] bị vây; Tổng đốc Hồ cho quân đến Cảm Phố, Hải Diêm [-12-] làm thế thanh viện, riêng tự dẫn binh đến Ðường Thê làm thế ỷ dốc (1).

Thời gian ngắn sau đó, Từ Hải nghe tin Tổng đốc mới họ Hồ chính là viên Ngự sử đã từng cầm quân chiến thắng tại Oanh Hồ Vương Kinh trước kia, khiến trong lòng hơi sợ, nên cho bãi bao vây tại Sạ Phố [-1-]. Nghe tin hai tướng công Hồ [Tôn Hiến], Nguyễn [Ngạc] mang quân đến gần, nên không dám dòm ngó Hàng Châu [-5-], bèn băng qua Hiệp Thạch, vượt Tạo Lâm, ra Ô Trấn; vùng phía bắc Ô Trấn là con đường cũ trước kia Hải đã từng xâm phạm Tô Châu [-10-] và Hồ Châu [-11-].

Lúc bấy giờ Tổng đốc Hồ bắt được gián điệp khai rằng giặc định xâm nhiễu vùng Tô Châu [-10-] và Hồ Châu [-11-], riêng tại Oanh Hồ thì đánh 4 mặt, bèn sai quân Hà Sóc từ phủ Gia Hưng [-3-] đến dàn trận tại Thắng Ðôn để đợi, lại dùng thủy binh tại Ngô Giang ngăn phía trước, thủy binh Hồ Châu [-11-] chặn phía đuôi; riêng Tổng đốc Hồ đích thân mang quân mới mộ dưới quyền cùng Thổ binh đánh tạt ngang, từ huyện Sùng Ðức [-8-]

Ðề đốc Nguyễn được tin giặc xuất hiện tại Ô Trấn, bèn trên đường hợp với quân kỵ Hà Sóc tiến đến, đụng giặc tại Tạo Lâm, lệnh thiện xạ vừa đuổi vừa bắn, một vài trăm giặc nếm thất bại muốn rút. Nhưng đại quân giặc tức giận la hét mà tiến, Ðề đốc họ Nguyễn trong lúc cấp bách dùng thuyền nhẹ rút vào giữ huyện lỵ Ðồng Hương [-9-]. Riêng Tham tướng Tôn Lễ cùng bọn Tỳ tướng Hoắc Quán Ðạo, bày trận 2 cánh trái phải, đánh mấy hiệp giết mấy chục tên, thì trời về chiều giặc rút. Giặc có vẻ quẫn, nhưng bọn Tôn Lễ mất hướng đạo nên không chọn được chỗ tốt để an nghỉ, sáng hôm sau phải ôm bụng đói đánh tiếp.

Giặc dùng trinh sát leo lên cây, dòm vào thành chỉ thấy luỹ và hào bao quanh, không có gì khác yểm trợ, bèn vui mừng dùng một nửa chặn mặt trước, một nửa vòng sau lưng thành. Hoắc Quán Ðạo thuộc quân Hà Sóc vốn là kiêu tướng, hô hét ra sức đánh, tên đá như mưa ai cũng một chống mười, giặc chết mấy trăm tên, Quán Ðạo tự cầm đao, giết hàng chục tên, nên giặc rất sợ, Từ Hải cũng trúng pháo. Muốn xua ngựa tiến lên thì đạn thuốc súng hết, Hoắc Quán Ðạo nhìn Tôn Lễ rồi ngưỡng lên trời nói rằng:

“Hai chúng ta nếu có thuốc đạn vài hộc, thì có thể kết liễu bọn giặc này!”

Chẳng bao lâu Quán và Tôn đều tử trận, binh lính thua bại, giặc thừa thắng vây Ðồng Hương [-9-]. Lúc bấy giờ Tổng đốc họ Hồ mang quân tới huyện Sùng Ðức [-8-], nghe tin chảy nước mắt than rằng:

“Quân Hà Sóc đã thua bại, phía đông nam không thể chi trì được, giặc đã vây khốn Ðồng Hương [-9-], lại chia quân đến Sùng Ðức [-8-] gây khốn ta; hai đứa chúng ta [Tổng đốc Hồ và Ðề đốc Nguyễn] chẳng khác gì ôm đá tự trầm mình, việc quốc gia biết làm sao đây.”

Rồi trở về tỉnh thành truyền hịch các lộ trù hoạch cách đánh giữ. Trước đây, khi Tổng đốc họ Hồ giữ chức Ðề đốc, thường cùng Giám đốc họ Triệu bàn mưu rằng quốc gia mấy năm nay bị khốn vì giặc trên biển, bọn Nụy thừa thủy triều ra vào cướp phá, tướng sĩ không có cách diệt trừ. Do thám cho biết bọn giặc nói rằng trên biển có Vương Trực (2) uy tín lớn, tên này ngoài việc hùng cứ ngoài biển không có tội nào khác, nếu dùng mà sai khiến được thì có thể lũng đoạn bè đảng; xét cho cùng thì Bộ Ðề trước kia đã từng sử dụng kế sách phản gián. Rồi ngay lúc đó sai viên Biện sĩ đất Tưởng Châu là Trần Khả Nguyện, cùng một vài người từng là bạn của Vương Trực vượt biển đến dụ Trực; Trực bị lay động, nguyện theo lời giao ước, sai con nuôi là Mao Hải Phong đến xin quy thuận, ổn định cửa biển để tạ sai lầm, và đi dụ dỗ Từ Hải. Hải vốn cấu kết với người tại các đảo như Long Ma để vào cướp phá; nay Hải Phong đến thuyết những điều mà trước kia y chưa từng nghe.

Tổng đốc Hồ trù tính rằng Trực và Hải tuy kẻ thuận người nghịch khác nhau, nhưng liên hệ như răng và môi; Trực đã hối ngộ, há lại không lấy đại nghĩa để dụ Hải ư! Tuy nhiên nếu không được như vậy, nhưng y vốn tham thì dụ bằng lợi sẽ chuyển lòng. Thành Ðồng Hương [-9-] tuy nhỏ nhưng chắc, nếu trì hoãn được vài ngày, quân Vĩnh Bảo tới có thể phá giặc được. Cho nên ngay lúc đó sai người đến dụ Hải Phong gấp, cùng ngầm sai điệp viên mang quà rất hậu, đến dụ Từ Hải rằng Vương Trực đã sai con đến hàng, xin ổn định cửa biển, nhân đó triều đình đã xá tội cho y, chỉ riêng ngươi chưa để ý đến. Tân Tổng đốc uy danh lớn hơn trước, ngưỡng theo đức ý của triều đình, lấy bụng mình cảm hóa kẻ khác, nếu không thừa lúc này cởi giáp đến từ tạ, thì sau này sẽ bị bắt. Hải chấp nhận, ngay lúc đó sai Tù trưởng đến cảm tạ, hứa bãi vây; Hải yêu sách Trung Quốc mang hóa vật để ban cho các Tù trưởng, cùng tha tội cho họ. Hồ công ngoài mặt hứa, dùng tiền, ngân bài, lụa ban cho Tù trưởng đến cảm tạ rất hậu; lại ngầm sai trong quân biểu dương sức mạnh, rồi bảo gián điệp tạo cơ hội cho Tù trưởng xem; Tù trưởng vừa cảm ơn được Hồ công cho, lại sợ binh uy nên khi trở về báo cho Từ Hải. Ngày hôm sau lại sai Tù trưởng khác đến tạ, Hồ công lại cho quà hậu như cũ; phàm mấy lần đi về khiến cuối cùng Hải quy thuận, nguyện vì Hồ công liều chết.

Nhưng riêng Trần Ðông vẫn nghi hoặc, Hải đưa những đồ vật Hồ công cho, nhưng vẫn ương ngạnh không theo. Hải riêng sai Tù trưởng đến dưới thành Ðồng Hương [-9-] nói với quân trên thành rằng chúng tôi đã ước hẹn với Tổng đốc Hồ giải binh, cửa đông thành là do bọn giặc Trần Ðông từ Thạch Lâm, chúng hung hãn không theo, vậy nên cẩn thận. Chiều hôm đó Hải đến phía tây huyện Sùng Ðức [-8-] xin Hồ công thêm quân để hợp đánh Trần Ðông, nhưng Hồ công còn nghi ngờ nên không hứa. Riêng bọn Trần Ðông từ trên lầu dùng cột buồm húc vào thành, nhưng viên huyện lệnh Kim Yến tại Ðồng Hương [-9-] cứng rắn, trong thành các binh trượng súng đạn đều sẵn sàng, Ðề đốc họ Nguyễn đích thân mạo hiểm trước tên đạn, khuyến khích lính trên thành, hứa thưởng hàng ngàn lượng cho kẻ cảm tử, cùng hăng hái đốc chiến, sát thương vài chục tên. Riêng bọn dùng cột buồm nhảy lên để húc vào thành khiến thành gần hư; một kẻ trai trẻ dùng giây buộc móc câu kéo tên húc vào thành lên chém, kẻ khác nấu kim loại đổ xuống, khiến bọn dưới thành không dám gây áp lực. Ðông không biết làm gì hơn, nghe tin Hải đã bỏ đi, vì đường xa thế cô, cũng đi luôn. Thành được giải vây, Ðề đốc Nguyễn công thoát khỏi, bấy giờ là ngày 23 tháng năm.

Kính mời Quý vị xem chi tiết tại đây: https://trithucvn.co/van-hoa/tu-hai-doi-that-qua-sach-tru-hai-do-bien-cua-ho-ton-hien.html

Để lại bình luận

0/2000