Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Vậy là một năm cũ sắp đi qua, năm mới đang đến gần. Những ngày Tháng Chạp này, khắp nơi đều đang rộn ràng không khí đón Tết. Các cửa hàng trang trí cành đào, mai vàng, đôi câu đối dán cửa, ngoài chợ nhộn nhịp người người đi sắm Tết, trên tivi cũng phát nhiều chương trình đón xuân. Trong không gian yên bình của ngôi nhà nhỏ nằm dưới bóng cây xanh, năm nay, không khí Tết trở nên đặc biệt với gia đình ông An.
Năm nay là năm đầu tiên ông và vợ đón Tết ở quê, trong căn nhà mới khang trang do các con xây để ông bà an dưỡng tuổi già, thờ cúng tổ tiên. Vậy là ước nguyện tuổi già được hoàn thành, ông bà vui lắm!
Hàng ngày, ông ra mảnh vườn nhỏ chăm sóc cây cảnh, luống rau sạch: chỗ này trồng cà, chỗ kia trồng đậu, rồi rau thơm, luống cải, v.v. Các con ông sống trên thành phố, giờ cũng thích về quê nhiều hơn. Người lớn tụ tập ăn uống cuối tuần, mấy đứa cháu, chắt khoái chí chạy nhảy, bày trò chơi đùa quanh sân suốt ngày không biết chán…
Niềm vui kéo dài chưa bao lâu thì tin xấu ập đến: Con trai thứ 3 của ông không may mắc bệnh hiểm nghèo. Cả nhà nghe tin ai cũng bàng hoàng và không tin vào số phận. Nhưng định mệnh trớ trêu, nó vừa qua đời tháng trước, để lại vợ và ba đứa con thơ dại. Thương con không nói nên lời, những ngày này tuy ông vẫn cùng vợ sắm sửa, lau dọn nhà cửa, nhưng nỗi buồn trong lòng ông không dễ nguôi ngoai.
Đang miên man trong dòng suy nghĩ, chợt có tiếng gọi “Ông ơi!”, làm ông sực tỉnh lại. Thì ra gia đình thằng con thứ vừa về, trên tay chúng là rất nhiều hoa quả, quà bánh, đồ dùng trang trí Tết, v.v.
“Bố à!”, Minh - con trai ông lên tiếng, “nhà mình chưa bao giờ gói bánh chưng mà toàn đi mua hay được họ hàng cho, nên trẻ con nó cũng không hiểu hết ý nghĩa của việc gói bánh chưng là như thế nào. Năm nay nhà mình có nhiều chuyện xảy ra, chúng con trộm nghĩ, hay là mấy anh em chúng con tổ chức gói bánh, cho trẻ con về chơi, cả nhà quây quần cho ông bà được vui. Sẵn dịp con cũng vừa mới từ quê ngoại lên, có mang lên yến gạo luôn đây rồi.”
Ông An vốn nổi tiếng với tay nghề gói bánh chưng, nghe con nói vậy cũng phấn chấn lên và cùng gia đình con trai chuẩn bị mọi thứ. Trên cao, ông mặt trời lúc này đang ban phát những tia nắng vàng dịu ấm áp xuống vạn vật, xua tan đi cái giá buốt mùa đông.
Tới ngày ấn định, các con các cháu ông tề tựu về đông đủ. Mỗi người đảm nhận một công đoạn: phụ nữ đi chợ mua gạo nếp, đỗ, thịt lợn và lá dong, còn đàn ông sẽ chuẩn bị nồi, bếp, củi để luộc bánh, trẻ con thì sơ chế nguyên liệu, phụ dọn dẹp.
Rồi mọi người cùng nhau bắt tay vào gói bánh. Niềm vui và những tiếng cười lại vang lên trong ngôi nhà nhỏ. Người lớn kể cho con cháu những kỉ niệm về Tết xưa, trẻ nhỏ nô đùa ríu rít…
Trong lúc làm việc, cả nhà cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm niềm vui, nỗi buồn, một không gian ấm áp và thân mật mà đã lâu rồi ông bà không cảm nhận được. Dù có thể có những “xích mích” nhỏ - ví như hai đứa cháu cãi nhau xem nên dùng củi lớn hay củi bé, nhưng tất cả đều bỏ qua vì mục tiêu lớn - nồi bánh chưng.

“Bánh chưng là biểu tượng của tình thân và sự đoàn kết trong gia đình, cũng như là cách để chúng ta gửi đi những lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè và những người mà chúng ta yêu quý.
“Bên ngoài xanh lá dong xanh
Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu
Gói nghĩa tình, gói yêu thương
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ”
Ông An vừa gói bánh vừa trả lời thắc mắc của tụi nhỏ về ý nghĩa tục gói bánh chưng ngày Tết, về câu chuyện vua Hùng truyền ngôi cho Lang Liêu qua mâm cỗ bánh chưng bánh dày.
“Các cháu biết không, bánh chưng là biểu tượng cho đất Mẹ bao la, biểu tượng cho đức hạnh của người Mẹ, sự hy sinh cao cả và hiền dịu của người phụ nữ, mà tiêu biểu là Mẹ Âu Cơ. Bánh chưng được gói với nhiều lớp lá, cẩn thận, nhẹ nhàng bao bọc lấy lớp nhân bên trong một cách gọn gàng, như lòng mẹ luôn bao bọc và chở che cho các con khỏi giông bão cuộc đời."
“Nếu như bánh chưng là hiện thân của Mẹ, thì bánh dày chính là sức mạnh của Rồng, sự hy sinh lớn lao của Cha. Bánh dày đại diện cho những người đàn ông trụ cột trong gia đình, là lễ vật khát vọng cho những mong muốn thăng quan tiến chức, học hành đỗ đạt thành tài.”
Bọn trẻ lắng nghe ông kể chuyện một cách chăm chú, với đôi mắt tròn xoe, long lanh đầy háo hức.
"Vậy ông ơi, tại sao chúng ta lại gói bánh chưng vào dịp Tết mà không phải là dịp khác ạ?", bé Nhiên, năm nay học lớp 1, tò mò hỏi.
“Đúng rồi cháu à, vì bánh chưng bánh dày là thức ăn trang trọng nhất, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết vừa là tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của người Việt Nam ta.
Bánh chưng có hình dáng vuông tròn thể hiện sự đồng thuận và thống nhất trong gia đình, còn màu xanh của lá bánh chưng lại tượng trưng cho sự phồn thịnh và may mắn đó cháu!”
Nghe xong bé Nhiên vỗ tay reo lên: “Wow, cháu hiểu rồi, cháu cảm ơn ông ạ!”
Thằng Nam con chú Út nãy giờ ngồi nghe mọi người trò chuyện, bẽn lẽn quay sang hỏi mẹ: “Mẹ ơi mẹ, vì sao bánh chưng khi mình gói thì xanh, mà luộc xong lại màu vàng, như thế thì mình có còn may mắn nữa không hở mẹ?”
“Thì bánh luộc xong có màu vàng giống màu của thỏi vàng nên càng may mắn chứ sao bé!”. Mẹ nó cười xòa, đáp lại vui vẻ.
Và thế là, cả nhà chia sẻ những phút giây quý báu, kỷ niệm đáng nhớ khi tất cả cùng ngồi lại bên nhau, chia sẻ công việc, kỷ niệm và niềm vui khi gói bánh hay lúc cùng nhau canh nồi luộc bánh chưng.
Vang vọng trong không gian là tiếng nhạc xuân rộn rã. Cây đào ngoài sân đang hé nở những bông hoa nhỏ xinh trên cành lá. Những khóm hoa trước hiên nhà cùng đua nhau khoe sắc thắm. Thảm cỏ cũng tràn ngập một màu xanh mơn mởn đầy sức sống. Ai cũng vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc, hân hoan chờ đón một năm mới bình an.

Để lại bình luận