8 thg 2, 2024
19 phút đọc
19 phút đọc

ebook HỌC CÁCH TIÊU TIỀN - Larry Winget Phần 2 - Bạn đã biết mình cần gì để làm việc tốt hơn

ebook HỌC CÁCH TIÊU TIỀN - Larry Winget Phần 2 - Bạn đã biết mình cần gì để làm việc tốt hơn

“Tôi không biết làm cách nào để có thể trở nên khấm khá hơn. Chưa có ai từng nói với tôi về điều này.”

Một người phụ nữ kể với tôi rằng cha cô ấy từng nói, chỉ cần con mặc một bộ đầm thật đẹp, đeo đồng hồ hiệu Rolex và lái một chiếc xe Mercedes thì không có gì phải lo lắng cả. Tôi nói với cô ấy rằng cha cô ấy thật ngốc nghếch khi nói như vậy. Theo tôi, dạy bảo con cái một điều gì đó mà lại hoàn toàn không hiểu biết về điều đó thì đúng là một tội lỗi. Tôi cảm thấy tiếc cho người phụ nữ này – trong vài phút. Cô ấy chừng 30 tuổi rồi. Đến một thời điểm nào đó, bạn nên biết rằng điều gì là đúng, điều gì là sai, bất chấp cha mẹ bạn đã làm điều đó hay từng nói với bạn về điều đó hay chưa.

Tôi đã từng giúp một cặp vợ chồng khác – họ nói với tôi rằng cả hai bên cha mẹ họ đều không giàu có, vì vậy họ cũng sẽ không thể giàu có được. Vâng, lý do nghe cũng có vẻ hợp lý. Nhưng đó chỉ là kết cục của những kẻ ngu dốt, họ bị phá sản với hàng đống những lý do khác nhau. Tôi hiểu tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của môi trường sinh sống ở một mức độ nào đó. Điều này đúng cho tới khi bạn khoảng 30 tuổi; bạn nên nhìn xung quanh và tìm ra điều gì đó cho bản thân bạn. Khi bạn 35 tuổi mà vẫn đổ lỗi cho cha mẹ mình thì bạn cần nghiêm túc xem xét lại bản thân.

“Tôi không giỏi tính toán.”

Một anh chàng nói với tôi lý do anh ta không thể thanh toán các hóa đơn của mình là vì anh ta không giỏi tính toán. Đây quả là một lý do không thể chấp nhận được. Đặc biệt là khi chàng trai này chỉ làm việc có 9 giờ một tuần! Tính toán không phải là vấn đề của anh ta. Công việc mới chính là vấn đề của anh ta. Tính toán hóa đơn không phải là môn đại số cao cấp, chỉ đơn giản là viết ra con số bạn kiếm được, rồi viết xuống phía dưới con số bạn đã chi tiêu. Nếu con số ở phía trên nhỏ hơn con số ở phía dưới thì đúng là bạn đang có vấn đề về chi tiêu rồi đấy.

“Đó là lỗi của các công ty thẻ tín dụng.”

Bạn có tin không, đây là một trong những lý do phổ biến nhất mà tôi thường nghe thấy. Một người phụ nữ đã nói với tôi rằng, lý do cô ấy chìm ngập trong nợ nần và đang trên bờ vực phá sản là vì các công ty thẻ tín dụng liên tục gửi cho cô ấy những mẫu đơn làm thẻ tín dụng đã được phê duyệt trước. Cô ấy nói rằng giá mà họ không gửi những lá thư đó cho cô, thì cô ấy đã không cảm thấy như bị bắt buộc phải cầm những tấm thẻ đó lên và mua sắm mọi thứ. Bởi vậy, cô ấy có tới 57 thẻ tín dụng cùng với khoản nợ lên tới 100 nghìn đô-la.

Các công ty thẻ tín dụng không phải chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh của bạn, mà chính là bạn. Khi những mẫu đơn được gửi tới hòm thư của bạn, bạn đừng mở ra đọc. Đừng điền thông tin vào đó mà hãy xé chúng đi. 

“Đồ đạc lên tiếng.”

Đúng, chúng sẽ lên tiếng. Nhưng nếu bạn không thể kiểm soát được cuộc sống và đang đổ lỗi cho hoàn cảnh túng thiếu của bạn, thì bạn đang lừa dối chính bản thân mình đấy. Tôi biết điều gì đang xảy ra. Khi tôi đang hoàn toàn cháy túi, thì chú chó của tôi bị thương ở chân và để chữa lành vết thương đó, tôi phải mất 1200 đô-la – số tiền quá lớn mà lúc đó tôi không thể có được. Vậy đó là lỗi của chú chó khiến tôi cháy túi? Liệu có phải thế giới này đang quay lưng lại với tôi vì tôi không có tiền? Hay đó là lỗi của bác sỹ thú y vì đã đòi mức giá quá cao để chữa lành vết thương cho con chó của tôi? Không, đó là lỗi của tôi vì tôi cháy túi. Bạn nợ nần quá nhiều do bạn không kiểm soát được chi tiêu của mình. Khi một việc khẩn cấp đột ngột xảy ra, bạn nên có một khoản tiết kiệm trong tay để có thể xử lý tình huống.

“Nhưng, nhưng, nhưng…”

Đừng nói “nhưng” mà hãy thừa nhận rằng lý do bạn không có tiền tiết kiệm để đối phó với những tình huống khẩn cấp là vì bạn đã tiêu khoản tiền đó vào những thứ khác rồi. Bạn đã không tiết kiệm một chút nào, đó là một khoản cần thiết mà đáng lẽ bạn nên có. Đó không phải là lỗi của tình huống khẩn cấp mà chính là sai lầm tồi tệ của bạn.

“Giá cả mọi thứ đều rất đắt.”

Tôi biết giá cả thị trường chứ. Tôi cũng biết giá của một bình gas và một bình sữa như thế nào. Tôi không phải là người không bao giờ đi chợ và không chú ý đến giá cả. Tôi cũng đi chợ, đến cửa hàng rau quả và cũng đổ xăng xe hàng ngày giống như bạn thôi. Nhưng tôi cam đoan với bạn rằng giá cả mọi thứ đều không quá cao đâu. Mọi thứ luôn có giá đúng với giá trị thực của nó mà thôi. Hơn nữa, bạn không thể kiểm soát được giá cả thị trường. Thay vì kêu ca, than vãn, hãy chuyển sang đối phó với nó. Vấn đề của bạn không phải là giá cả thị trường; vấn đề ở chỗ bạn không kiếm đủ tiền để mua những thứ bạn muốn. Bạn không thể điều chỉnh được giá cả, bạn chỉ có thể điều chỉnh được tiền của bạn mà thôi.

“Tôi không có công việc với mức lương hấp dẫn.”

Tôi rất ghét khi nghe thấy ai đó nói những điều ngu ngốc kiểu như: “Tất nhiên là anh ta giàu có rồi vì anh ta là một bác sỹ mà.”; hay “Cô ấy có công ty riêng, vì vậy đừng thắc mắc tại sao cô ấy lại đi xe Mercedes.”; “Anh ấy là một cầu thủ bóng chày nên anh ấy đi xe Lamborghini là điều đương nhiên mà.” Công việc của bạn không giúp cho bạn giàu có. Có những bác sỹ, nha sỹ, luật sư và rất nhiều giám đốc công ty cũng bị khánh kiệt đấy chứ. Và cũng có những tài xế xe tải, quản gia và công nhân nhà máy giàu có đấy chứ. Tôi đã từng giúp đỡ một luật sư và một người môi giới thế chấp đang trên bờ vực phá sản. Tôi cũng từng làm việc cùng với những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm thế chấp, họ cũng bị khánh kiệt và thẻ tín dụng của họ thì rỗng không. Thậm chí tôi còn từng giúp một kiểm toán viên chưa hề có một tập séc cá nhân nào cả. Bạn có nhận thấy sự trớ trêu trong các trường hợp này không? Công việc và tiền bạc không liên quan nhiều với nhau. Đừng đổ lỗi cho công việc về tình hình tài chính nghèo nàn của bạn. Đó không phải là lỗi của công việc bạn đang làm mà chính là lỗi của bạn.

“Nhưng tôi không có bất kỳ kỹ năng nào.”

Đây là lỗi của ai? Hãy trang bị cho mình một vài kỹ năng đi chứ. Hãy đọc một cuốn sách, tham gia lớp học buổi tối hay theo học một lớp hàm thụ… Có rất nhiều cách để trang bị cho mình các kỹ năng làm việc. Thậm chí còn có vài phương pháp được dạy miễn phí nữa. Ngoài ra, bạn đã có một số kỹ năng để làm việc tốt hơn rồi. Bạn có thể kiếm được một công việc làm thêm với những kỹ năng bạn có. Nếu bạn cho rằng sự bảo đảm về tài chính là điều quan trọng đối với bạn, bạn nên sẵn sàng làm bất cứ việc gì.

Bạn đã biết mình cần gì để làm việc tốt hơn

Chỉ có ba lý do khiến mọi người không làm việc hiệu quả. Đó là sự ngu ngốc, lười biếng và không chú tâm vào công việc. Vậy lý do của bạn là gì?

Đầu tiên, bạn không ngu ngốc. Bạn có thể làm những điều ngu ngốc nhưng bạn không ngu ngốc. Ai cũng biết có ít nhất một việc họ có thể làm tốt hơn, làm nhiều hơn và có được nhiều hơn. Hãy để tôi chứng minh điều này cho bạn thấy. Tôi muốn bạn quan sát một vài lĩnh vực trong cuộc sống của bạn và viết ra một việc mà bạn biết mình có thể làm tốt hơn. Tôi sẽ giúp bạn bằng cách đưa ra một ví dụ. Tôi muốn bạn đưa trường hợp của bạn vào sau ví dụ của tôi. Hãy lấy một trường hợp thật đặc biệt nhé bởi vì bạn biết rõ về bản thân mình hơn bất cứ ai mà.

VIỆC LÀM CẢI THIỆN KẾT QUẢ CỦA TÔI:

TRONG CÔNG VIỆC. 

Larry: Tôi có thể làm việc bất kỳ lúc nào miễn là họ trả công xứng đáng cho tôi. 

Tôi: … … … 

VỚI GIA ĐÌNH

Larry: Tôi có thể không xem ti vi nữa, thay vào đó là chăm sóc gia đình tôi. 

Tôi: … … … 

VỚI MỘT NGƯỜI QUAN TRỌNG. 

Larry: Tôi có thể khen ngợi cô ấy về một việc gì đó hàng ngày. 

Tôi: … … … 

ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CHA/ NGƯỜI MẸ TỐT HƠN. 

Larry: Một ngày tôi có thể dành ít nhất hai mươi phút để trò chuyện với các con tôi về những điều chúng quan tâm. 

Tôi: … … … 

VỚI SỨC KHỎE CỦA BẢN THÂN

Larry: Tôi có thể ăn ít đi và tập luyện nhiều hơn một chút mỗi ngày. 

Tôi: … … … 

ĐỂ TRỞ NÊN SÁNG SUỐT HƠN. 

Larry: Tôi có thể đọc một cuốn sách hướng dẫn cách để thành công. (Tin vui đây, cuốn sách này cũng đáng quan tâm đấy!)

Tôi: … … … 

VỚI VỐN LIẾNG CỦA MÌNH. 

Larry: Tôi có thể ngừng mua sắm những thứ không thực sự cần thiết. 

Tôi: … … … 

Bạn vẫn đang theo dõi chứ? Bạn biết có thể làm tốt hơn ít nhất một việc trong mỗi lĩnh vực tôi vừa liệt kê. Bạn thậm chí còn biết bạn có thể làm những việc gì để cải thiện tình trạng tài chính của mình. Vấn đề không phải là bạn không biết nên làm gì, bạn đang lười biếng, rất lười biếng mà thôi! Và bạn không chú tâm. Tôi không thể hiểu nổi tại sao một người biết cách làm việc tốt hơn nhưng lại không làm điều đó vì chính bản thân mình hay gia đình mình.

Lý do của bạn là gì?

Liệu tôi có bỏ sót trường hợp của bạn trong bảng liệt kê các lý do của tôi không? Có thể lắm chứ. Có lẽ tôi phải viết đến một trăm trang sách thì mới có thể liệt kê hết lý do mọi người đưa ra để biện minh cho hoàn cảnh túng thiếu của mình ấy chứ. Ngoài các lĩnh vực mà tôi đã liệt kê, bạn cũng có thể thêm vào:

Vậy đâu là trường hợp của bạn? Những lý do bạn biện minh cho cảnh túng thiếu của bạn là gì? Hãy viết chúng ra ở bảng sau:

BẢNG LIỆT KÊ NHỮNG LÝ DO VÌ SAO TÔI CHÁY TÚI:

… 

… 

… 

Không cần nhìn vào những gì bạn vừa viết tôi cũng có thể khẳng định có một vấn đề trong bảng liệt kê của bạn. Bạn không chú tâm vào nó. Điều này là sự thật. Bảng liệt kê những lý do biện minh cho tình cảnh túng thiếu của bạn thực tế chỉ cần là một bảng liệt kê rút gọn. Nó chỉ nên có mỗi tên của bạn trong đó mà thôi. Tại sao bạn không quay lại và thêm tên của bạn vào nhỉ?

“Con người thường không muốn chịu trách nhiệm về những khó khăn trong cuộc sống của mình. Họ dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những người xung quanh, những sự kiện khác hay thậm chí là đổ lỗi cho Chúa về những thất bại của họ.” — Tiến sỹ Wayne W. Dyer.

rong chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm ra biện pháp để chấm dứt việc đưa ra các lý do biện hộ cho bản thân và bắt tay vào giải quyết những vấn đề đang thực sự cản trở bạn tiến lên.

PHẦN 2 - Vấn đề thực sự của bạn

Điều gây sốc lớn

Bạn không có vấn đề về tiền bạc. 

“Tôi không có tiền, với tôi đó là cả một vấn đề.” 

Việc không có tiền là hệ quả của tất cả những vấn đề khác của bạn. Bạn đang có vấn đề về tư tưởng. Những vấn đề về thái độ, về lòng tự trọng. Bạn thật lười biếng. Bạn không có nguyên tắc. Bạn không có mục tiêu. Bạn không chú tâm vào những việc ưu tiên của mình. Vấn đề lớn nhất của bạn không phải là trong ví hay trong tài khoản ngân hàng của bạn có bao nhiêu tiền. 

Vấn đề lớn nhất là ở chính suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ giải quyết được vấn đề tiền bạc khi bạn giải quyết được những vấn đề khác. Đó là những điều chúng ta sẽ bàn đến ngay sau đây.

Hãy quản lý cách chi tiêu của mình để làm giàu

“Larry, điều này nghe chẳng khôn ngoan chút nào. Anh không thể quản lý cách chi tiêu của mình để làm giàu được. Chi tiêu không phải là nguyên nhân khiến tôi khánh kiệt!” 

Không phải đâu. Chính chi tiêu đã khiến bạn bị khánh kiệt đấy. Chi tiêu vào những thứ không cần thiết đã khiến bạn lâm vào cảnh túng thiếu. Khi bạn học cách chi tiêu hợp lý thì bạn sẽ giàu có. 

“Hầu hết mọi người đều biết cách kiếm tiền nhưng không phải ai cũng biết cách tiêu tiền!” — Henry David Thoreau 

Tôi từng nói chuyện với một cặp vợ chồng trong chương trình Big Spender, người vợ có tủ quần áo trị giá 600 nghìn đô-la. Đó không phải là do lỗi in sách đâu bạn ạ. Cô ấy có tủ quần áo, dày dép và túi xách trị giá 600 nghìn đô-la. Cô ấy có tới hơn 400 đôi giày hàng hiệu và ba ngăn tủ đầy quần áo được chia theo các nhãn hiệu thời trang khác nhau! Cặp vợ chồng này không có nhà ở của riêng mình. Họ tiêu tốn nhiều tiền hơn khoản họ kiếm được. Tình hình tài chính của họ rất thảm hại. Vì tiết kiệm tiền để mua nhà, họ phải sống nhờ nhà mẹ cô ấy, trong khi mẹ cô ấy sống cùng với bà ngoại. Nhưng họ lại tiêu tất cả số tiền mà họ dành dụm được để mua nhà vào những đôi giày và những bộ quần áo hàng hiệu, không một thứ nào có ý nghĩa lâu dài cho cuộc sống cả. Đáng lẽ họ phải trả 200 nghìn đô-la tiền thuê nhà mỗi năm nhưng họ lại không mất khoản tiền đó. Vậy mà họ chẳng để dành được chút nào để mua một ngôi nhà cho riêng mình. Việc tiêu pha không “giết chết” túi tiền của bạn nhưng tiêu tiền vào những thứ vô bổ thì hoàn toàn có thể. 

“Hãy giữ chiếc ví trong tầm kiểm soát của bạn, hoặc bạn sẽ bị ngập đầu trong những món đồ vô bổ.” 

Tôi biết, chi tiêu là một phần tất yếu trong cuộc sống. Đối với tôi cũng vậy, tôi không bao giờ ngừng chi tiêu ngay cả khi tôi hoàn toàn khánh kiệt và phá sản. Thế nhưng, tôi không tiêu tiền vào những thứ không có giá trị cho tương lai. Ăn nhà hàng? Chúng tôi không đi lâu rồi. Mua sắm quần áo mới? Chúng tôi không làm việc đó. Truyền hình cáp? Chúng tôi không sử dụng từ lâu. Hai vợ chồng tôi thống nhất rằng, chúng tôi sẽ chỉ tiêu tiền vào một việc duy nhất, đó là: để trở nên khôn ngoan, sáng suốt hơn. Tôi đã mua rất nhiều sách. Tôi có thể bỏ qua một bữa ăn, không xem tivi, nhưng tôi không thể bỏ qua một vụ đầu tư phát triển trí tuệ của mình. Tôi biết rằng đầu tư cho thành công sẽ cho kết quả tốt đẹp. Và đúng như vậy. Sau 20 năm và với gần bốn nghìn cuốn sách, tôi đã học hỏi được nhiều điều! Học tập không phải là một khoản chi tiêu, đó là một khoản đầu tư dài hạn.

Nhà triệu phú “ba mươi nghìn đô-la"

Khi còn là một cậu bé, tôi đã dành dụm từng đồng xu một để mua mấy chú cá cảnh nước mặn từ một mẩu quảng cáo trên bìa sau một quyển truyện tranh. Trông chúng rất đáng yêu – những sinh vật nhỏ bé hạnh phúc, vui vẻ và bơi tung tăng dưới làn nước. Tôi (và hàng triệu cậu bé khác) đều khám phá ra rằng những sinh vật bé nhỏ tuyệt vời nơi biển khơi mà chúng tôi đang mong mỏi có được chỉ là một con tôm nước mặn bẩn thỉu bơi lung tung trong một bình nước bẩn không hơn không kém. Tôi đã rất thất vọng nhưng tôi cũng học được một bài học quý giá. Mọi thứ không giống như những gì được quảng cáo.

Còn đây là câu chuyện của một nhà triệu phú “Ba mươi nghìn đô-la”. Chắc bạn biết kiểu triệu phú này: một gã kiếm được 30 nghìn đô-la mỗi năm. Anh ta luôn cố gắng để có vẻ bề ngoài và có cuộc sống giống như một nhà triệu phú. Anh ta có một công ty làm ăn tốt, một cặp kính râm giá 300 đô-la và đỗ chiếc xe AMC Gremlin của mình trên phố trước một quán bar sang trọng dành cho giới sành điệu, và giá cả cao nhất trong thành phố, rồi đi vào như thể anh ta sở hữu quán bar đó. Khi thanh toán, anh ta rút chiếc thẻ MasterCard ra để gây ấn tượng với những người xung quanh. Đúng như câu nói: “Trăm voi không được bát nước xáo.”

Nhà triệu phú “Ba mươi nghìn đô-la” luôn cố gắng thể hiện mình là một người giàu có hơn là làm việc để trở thành triệu phú thực sự. Chỉ khi anh ta nỗ lực kiếm tiền như cố gắng tỏ ra là người giàu có thì mong muốn là triệu phú của anh ta mới trở thành hiện thực.

Truy theo dòng tiền

Giống như trong một bộ phim về tội phạm, hoạt động chính trị hay một âm mưu giết người, mục đích chính trong những trường hợp này thường là “tiền bạc”. Tiền cho chúng ta thấy điều gì thực sự có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của bất cứ ai. Bạn có biết cách chi tiêu của bạn và những vật dụng bạn mua nói lên điều gì về bạn không?

Một lần, khi làm việc với một gia đình, tôi đã hỏi người cha rằng anh có yêu quý con trai của mình không? Anh ta khẳng định điều đó là đương nhiên. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nói với anh ta rằng tình yêu anh ta dành cho những điếu thuốc lá còn lớn hơn tình yêu anh ta dành cho con trai, vì anh ta tiêu tốn cho thuốc lá nhiều hơn khoản anh ta đầu tư cho tương lai khỏe mạnh của con trai anh ta. Sau đó tôi cầm lấy bao thuốc lá của anh ta, ném xuống sàn nhà và giẫm nát chúng dưới đôi giày cao bồi của mình. Anh ta đã sốc khi nghe thấy những điều tôi nói! Tôi thích điều đó. Và tôi đã đúng. Những gì bạn cho là quan trọng đối với bạn đều không quan trọng, hành động của bạn luôn cho tôi thấy một sự thật ngược lại. Khi truy theo dòng tiền, bạn sẽ biết một người thực sự yêu thích cái gì.

Nếu bạn tiêu hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn đô-la vào việc mua sắm để khẳng định rằng bạn trông thật đẹp và thời trang thì chứng tỏ vẻ bề ngoài rất quan trọng đối với bạn. Điều đó tốt thôi, nếu bạn có điều kiện. Nhưng nếu bạn làm việc đó thay vì mua sắm những vật dụng có ích hay tiết kiệm tiền cho tương lai, hay đầu tư cho việc học hành của con cái, tức là bạn đã đảo lộn thứ tự những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Tôi đã hỏi một anh chàng đang nợ nần chồng chất rằng điều gì quan trọng đối với anh ta. Anh ta trả lời: “Vui vẻ, gia đình và vợ.” Tôi băn khoăn tại sao anh ta lại có vấn đề khó khăn? Anh ta ưu tiên sự vui vẻ hơn tất cả mọi thứ trong cuộc đời mình. Và đó chính là nơi anh ta đã đổ tiền vào. Anh ta nợ tiền cho vay hỗ trợ sinh viên, nợ tiền người thân trong gia đình và nợ tiền rất nhiều người khác nữa; vậy mà anh ta vẫn không ngừng tiêu tiền vào đồ đạc, vào những chiếc tivi màn hình plasma và những buổi tiệc tùng với những người bạn thân của mình, thậm chí anh ta chưa bao giờ lo lắng về cái túi đựng đầy hóa đơn thanh toán của mình.

Tôi biết một cặp đôi khác đã tiêu tốn 70 nghìn đô-la cho đám cưới của mình. Sau đó, họ phải dùng đến số tiền dành dụm mua nhà trong ba năm để thanh toán cho bữa tiệc đám cưới đó cùng những hóa đơn thẻ tín dụng khác nữa. Tôi nói với họ rằng trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới của họ, họ có thể bật sâm-panh và uống mừng về việc cuối cùng họ cũng đã thanh toán hết các khoản mà họ đã chi cho việc tổ chức đám cưới.

Bạn nghĩ rằng tôi phản đối những đám cưới đắt đỏ và ấn tượng ư? Không hề, nhưng đối với cặp đôi đó, số tiền họ tiêu tốn cho đám cưới vượt quá khả năng tài chính của họ. Một ngày hạnh phúc cùng với vài bức ảnh đẹp và rồi sau đó là 30 năm trả nợ thật không đáng chút nào.

Bạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên của mình trước khi lập kế hoạch chi tiêu. Bạn cần viết ra danh mục liệt kê chính xác những điều quan trọng nhất đối với bạn. Bạn đã có danh mục này chưa?

“Tôi không có.”

Bạn đang có vấn đề rồi đấy! Bạn không có danh mục liệt kê. Chúng ta chuẩn bị sắp xếp lại nó bây giờ đây. Bạn hãy lập một danh sách những điều quan trọng với bạn. Hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ là thực sự quan trọng trong cuộc sống của bạn nhé.

  1. … 

Rất tốt, đó là những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn. Giờ đây, bạn hãy xem lại những hóa đơn mua hàng và viết những thứ bạn đã bỏ tiền ra mua. Sau đó, bạn sẽ biết điều gì thực sự quan trọng đối với mình.

  • … 
  • … 
  • … 
  • … 
  • … 
  • … 

Bạn thấy có sự khác biệt nào giữa hai danh mục liệt kê trên không? Giờ bạn đã sẵn sàng để sắp xếp lại các hành động của mình theo thứ tự ưu tiên chưa?

Để lại bình luận

0/2000