Mar 12, 2025
16 mins read
13views
16 mins read

Quan hệ anh chị em giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn

Quan hệ anh chị em giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn

Những mối quan hệ tích cực với anh chị em vẫn bền vững, cung cấp cơ hội cho sự kích thích tinh thần và cảm xúc. (Ảnh: Pexels)

Mối quan hệ giữa anh chị em có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh, từ tình trạng béo phì và chế độ ăn uống thời thơ ấu đến sự thành công trong hôn nhân và sức khỏe tinh thần khi trưởng thành.

Đối với cô Sarah Van Horn, một y tá phẫu thuật ở Minnesota, lớn lên trong gia đình có sáu anh chị em, trong đó cô là một trong hai chị em sinh đôi, đã trải qua những cuộc cạnh tranh cũng như những khoảng thời gian vui vẻ đáng nhớ.

Cô Van Horn nói: “Có những ngày chúng tôi hòa thuận, và những ngày khác lại cãi vãAnh trai giữa và tôi thường xuyên cãi nhau vì những điều ngớ ngẩn như nhìn nhau hoặc tạo ra âm thanh gây khó chịu cho nhau. Còn với anh trai sinh đôi của tôi, chúng tôi là những người bạn thân thiết nhất khi lớn lên”.

Tuổi thơ của cô được đánh dấu bởi cả những trò đùa vui vẻ và những trận cãi vã không thể tránh khỏi, phản ánh một thực tế lớn hơn về sự phức tạp của mối quan hệ anh chị em. Trong khi cha mẹ sẽ đến trước chúng ta và bạn đời đến sau, nhưng anh chị em thì đồng hành suốt chặng đường cuộc đời, cùng chia sẻ mọi thành công, khó khăn và những dấu mốc quan trọng. Họ ảnh hưởng đến cả sự phát triển thể chất và tâm lý của chúng ta từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Chế độ ăn uống lành mạnh hơn trong thời thơ ấu, giảm béo phì

Từ khi còn nhỏ, sự hiện diện của anh chị em không chỉ ảnh hưởng đến tính cách và sự phát triển nhân cách của trẻ mà còn đến thói quen sinh hoạt. Một phân tích cắt ngang, được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Journal of Nutrition Education and Behavior, đã khảo sát sự khác biệt trong chế độ ăn uống và thói quen ăn uống của trẻ thông qua bảng câu hỏi và nhật ký ăn uống của 68 cặp mẹ-con. Trong phân tích này, 41 trẻ tham gia có anh chị em và 27 trẻ không có.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm trẻ có anh chị em có các hành vi ăn uống lành mạnh hơn so với nhóm trẻ một mình, bao gồm việc ăn nhiều bữa cơm gia đình hơn và uống ít đồ uống có đường cũng như các loại calo rỗng khác.

Chế độ ăn uống lành mạnh hơn trong thời thơ ấu, giảm béo phì. (Ảnh: Pexels)

Có anh chị em sẽ giúp bảo vệ chống lại béo phì ở trẻ em. Một nghiên cứu tại Đức năm 2022 trên 1,932 trẻ em, được công bố trên tạp chí PLOS-ONE, đã phát hiện rằng trẻ em có anh chị em thường có chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh hơn so với trẻ em không có anh chị em, đặc biệt là sau chín tuổi. Ngoài ra, trẻ em có anh chị em cũng có xu hướng tham gia nhiều hoạt động thể chất hơn so với các bạn đồng trang lứa chỉ có một mình (bởi vì bạn không thể chơi trò đuổi bắt hay vật lộn một mình được).

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng trẻ đơn thân thường được nuôi bằng sữa mẹ trong thời gian ngắn hơn so với các bạn có anh chị em, và họ cho rằng điều này cũng góp phần làm tăng chỉ số khối cơ thể khi trẻ lớn lên và trong tuổi trưởng thành. Trẻ em có anh chị em cũng có xu hướng xem tivi ít hơn.

Có khả năng duy trì hôn nhân cao hơn

Anh chị em trong gia đình có thể vô tình giúp bạn duy trì cuộc hôn nhân của mình. Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Journal of Family Issues đã xem xét mối quan hệ giữa số lượng anh chị em trong thời thơ ấu và các kết quả xã hội ở tuổi trưởng thành. Nghiên cứu đã phát hiện rằng với mỗi anh chị em có thêm, khả năng ly hôn giảm 3%.

Tại sao lại như vậy? Những cuộc cãi vã thời thơ ấu với anh trai, những món quà được chia sẻ, và sự đồng cảm khi chị gái bị gãy tay đã tạo ra một nền tảng rèn luyện vững chắc, giúp bạn xây dựng các mối quan hệ trưởng thành hơn.

Các tác giả của nghiên cứu đã ghi nhận rằng cơ hội để anh chị em ‘hiểu cảm xúc và quan điểm của người kháchọc cách kiểm soát cơn giận và giải quyết xung đột, cũng như tự mình cung cấp sự chăm sóc” đều là những kỹ năng quan trọng cho mối quan hệ hôn nhân.

Có thể ngăn ngừa sự cô đơn và trầm cảm

Sự cô đơn và cách ly xã hội thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người sống một mình, không làm việc, hoặc có sức khỏe thể chất hay tinh thần kém. 

Mặc dù sự liên lạc giữa anh chị em thường giảm trong giai đoạn đầu đời trưởng thành khi họ trải qua những chuyển đổi lớn như đi học đại học, bắt đầu sự nghiệp, hay kết hôn, nhưng nó thường ổn định lại ở giai đoạn trung niên và thậm chí tăng lên sau tuổi 70.

Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Journal of Family Psychology đã xem xét mối quan hệ giữa anh chị em ở người lớn tuổi và sự cô đơn. Nghiên cứu phát hiện rằng sự ấm áp của anh chị em làm giảm bớt sự cô đơn.

Nghiên cứu phát hiện rằng sự ấm áp của anh chị em làm giảm bớt sự cô đơn. (Ảnh: pexels)

Các tác giải viết rằng: "Trong giai đoạn về sau của cuộc đời, mối quan hệ anh chị em có thể trở nên ngày càng quan trọng như một nguồn hỗ trợ và có thể giảm thiểu cảm giác cô đơn, đồng thời đóng góp vào sự an lành”. Những mối quan hệ ấm áp giữa anh chị em ở tuổi già cũng đã được chứng minh là giúp ngăn chặn các triệu chứng trầm cảm, có thể là do giảm bớt sự cô đơn, vốn có liên quan mạnh mẽ với chứng trầm cảm ở người lớn trên 50 tuổi.

Mặt khác, một nghiên cứu năm 2024 được công bố bởi Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã phát hiện rằng mối quan hệ ấm áp giữa anh chị em trước tuổi 23 dự báo mức độ lo âu và trầm cảm thấp hơn ở tuổi 41, trong khi đó sự thù địch giữa anh chị em ở tuổi 23 dự báo “mức độ lo âu, triệu chứng trầm cảm và thù địch”. Như các tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Journal of Family Psychology đã lưu ý, “xung đột giữa anh chị em và sự thiên vị của cha mẹ có mối tương quan tích cực với mức độ cô đơn và triệu chứng trầm cảm, lo âu và thù địch” ở tuổi trưởng thành.

Hỗ trợ sức khỏe tinh thần

Nếu bạn thường xuyên thắng trò chơi Scrabble, hoàn thành các vấn đề nhiều bước một cách dễ dàng, và nhớ rõ chỗ để chìa khóa xe, có lẽ bạn nên cảm ơn anh chị em của mình. Những tương tác giữa bạn và họ có thể giúp bạn duy trì sự minh mẫn khi tuổi tác tăng dần.

Những tương tác giữa bạn và anh chị em có thể giúp bạn duy trì sự minh mẫn khi tuổi tác tăng dần. (Ảnh: Pexels)

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Wisconsin–Madison và Boston College gần đây đã nghiên cứu mối liên hệ giữa anh chị em trong suốt cuộc đời và chức năng nhận thức ở tuổi già. Họ phát hiện rằng, dù các hoạt động xã hội và mối quan hệ khác thường giảm dần theo tuổi tác, những mối quan hệ tích cực với anh chị em vẫn bền vững, cung cấp cơ hội cho sự kích thích tinh thần và cảm xúc. Những mối quan hệ tích cực giữa anh chị em trong thời thơ ấu có liên quan đến việc liên lạc thường xuyên hơn giữa anh chị em từ 50 đến 70 tuổi, và đạt điểm số nhận thức cao hơn sau 80 tuổi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, điều thú vị là trong khi "sự hiện diện đơn thuần" của anh chị em đã có lợi cho sự phát triển nhận thức trong những năm tháng tuổi trẻ, thì tần suất liên lạc dù là trực tiếp qua điện thoại hay các phương tiện điện tử, đều là yếu tố then chốt giúp hỗ trợ sức khỏe nhận thức ở tuổi già.

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng "anh chị em đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp sự đồng hành cho người lớn tuổi thông qua những cuộc tiếp xúc và tương tác thường xuyên, có thể bù đắp cho sự giảm sút trong tương tác xã hội nói chung" và do đó mang lại những lợi ích tiềm năng về nhận thức.

Quản lý xung đột

Tất cả những lợi ích này đi kèm với một điểm cần lưu ý quan trọng, chúng chỉ áp dụng cho những mối quan hệ anh chị em được xây dựng trên nền tảng của những tương tác ấm áp và tích cực.

Các anh chị em đôi khi - hoặc thường xuyên cãi nhau. Theo Laurie Kramer - giáo sư tâm lý ứng dụng và giám đốc Chương trình Danh dự của Đại học Northeastern, và Megan Gilligan - phó giáo sư phát triển con người và khoa học gia đình, và là thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Lão khoa Hoa Kỳ - trẻ nhỏ trung bình có 7,3 cuộc tranh cãi với anh chị em của mình mỗi giờ. Hai người đã thảo luận về điều này trong một tập podcast năm 2022 “Nói về tâm lý học” được tài trợ bởi Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. (Chú thích của người dịch: Lão khoa là nghiên cứu về các khía cạnh xã hội, văn hóa, tâm lý, nhận thức và sinh học của lão hóa.)

Trẻ em học hỏi rất nhiều khi cãi nhau với anh chị em của mình. (Ảnh: Pexels)

Đây không nhất thiết là một điều xấu. Cô Gilligan nói rằng: “Trẻ em học hỏi rất nhiều khi cãi nhau với anh chị em của mình, và đó là một mối quan hệ rất an toàn để chúng tìm hiểu cách làm điều này, đúng không?” 

Chúng ta phải giúp trẻ phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết… để chúng có thể có những tranh cãi hợp lý với anh chị em, giữ vững quan điểm, nói lên quan điểm của mình, không nhất thiết phải nhượng bộ một người anh chị mạnh hơn, và làm được điều đó trong khi vẫn có những tương tác rất tích cực với anh chị em của mình.”

Vì trẻ nhỏ thường không có kỹ năng để tự quản lý xung đột, cô Gilligan khuyến nghị các bậc cha mẹ nên can thiệp và giúp họ giải quyết vấn đề thay vì để chúng "tự chiến đấu". Cô đã tạo ra một chương trình mang tên “Vui hơn với anh chị em” để giúp các bậc cha mẹ và con cái của họ hòa thuận và thúc đẩy các mối quan hệ tích cực.

Tác hại của việc thiên vị

Như mọi bậc cha mẹ đều biết, trẻ em rất nhạy cảm với "công bằng" hay không và những nhận thức liên tục về sự ưu ái không công bằng giữa các anh chị em có thể dẫn đến xung đột kéo dài đến khi trưởng thành.

Cô Gilligan chia sẻ: “Nghiên cứu về sự thiên vị của cha mẹ trong giai đoạn trung niên, thậm chí vào độ tuổi 60, cho thấy kết quả rất nhất quán. Trong trường hợp này là những đứa trẻ đã trưởng thành, thường cảm nhận được sự thiên vị. ... Nếu họ cảm thấy rằng điều đó công bằng hoặc hợp lý, thì dường như không gây ra hậu quả tiêu cực nào.”

"Nhưng nếu họ không cảm nhận được sự công bằng hoặc hợp lý, nó sẽ có những hậu quả lớn đối với mối quan hệ với anh chị em và cả sức khỏe tâm lý của họ.” Cô nói rằng những ký ức và cảm xúc tiêu cực này có khả năng sẽ theo họ trong nhiều thập kỷ.

Cha mẹ nên làm gì?

Việc giữ cho trẻ không cãi vã với anh chị em có thể khó khăn như việc nhìn thấy tuyết rơi vào tháng Tám, nhưng có một số công cụ mà cha mẹ có thể sử dụng để giúp con cái giải quyết xung đột một cách thành công. Không đứng về phía nào khi anh chị em tranh cãi, khuyến khích giao tiếp cởi mở, chia sẻ chi tiết về cuộc sống của nhau, và cẩn thận tạo ra những trải nghiệm gia đình tích cực chung (như đêm chơi game hoặc chuyến đi gia đình) có thể giúp tạo ra một môi trường ấm áp và tích cực, nơi mà mối quan hệ giữa anh chị em có thể phát triển.

Cha mẹ tạo ra một môi trường ấm áp và tích cực. (Ảnh: Pexels)

Cô Van Horn cho biết: “Một điều chúng tôi thường làm khi còn nhỏ là chơi board games, và rất ít xem TV. Mặc dù các board games gây ra nhiều trận cãi vã, nhưng chúng tôi cũng đã có nhiều khoảnh khắc vui vẻ cùng nhau. Ngày nay, khi tụ họp, chúng tôi vẫn chơi nhiều board games hoặc bài - nhưng lúc này đây, chúng tôi đã ít cãi vã hơn!”

Không bao giờ là quá muộn

Những nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng mối quan hệ giữa anh chị em thường có mức độ 'bền vững' cao, nghĩa là các mẫu hình và mối quan hệ được thiết lập trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên - dù tích cực hay tiêu cực - có khả năng sẽ tiếp tục đến tuổi trưởng thành, trừ khi có một số sự kiện can thiệp đáng kể xảy ra. Điều này càng làm cho việc nuôi dưỡng và khuyến khích mối quan hệ ấm áp giữa anh chị em từ sớm - và suốt cả cuộc đời - trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Khi nói đến việc nuôi dưỡng mối quan hệ anh chị em thì, 'muộn còn hơn không' là câu châm ngôn hợp lý - nỗ lực để củng cố những mối quan hệ này bất cứ lúc nào, ngay cả khi đã trưởng thành, đều có khả năng mang lại lợi ích trong cuộc sống sau này. Cô Gilligan nói trên podcast: "Chúng ta mang theo những mối quan hệ ban đầu đó tác động đến hạnh phúc của chúng ta. Đây là những mối quan hệ mà chúng ta mang theo khi trưởng thành, và chúng ta mang theo cả những hậu quả của chúng."

Cô Van Horn chia sẻ rằng khi đã trưởng thành, cô càng trân trọng mối quan hệ với anh chị em mình hơn. Cô nói: "Khi tất cả chúng tôi đều rời nhà đi học đại học, chúng tôi trở về nhà với sự trân trọng lớn hơn dành cho anh chị em và trở thành những người bạn thân thiết hơn. Ngày nay, khi chúng tôi tụ họp, chúng tôi thường có rất nhiều tiếng cười và những trò đùa với nhau. Chúng tôi thực sự trân trọng những khoảnh khắc bên nhau và luôn mong chờ những kỳ nghỉ lễ hoặc các buổi tụ họp khác."

Theo Zrinka Peters - The Epoch Time

Bà Zrinka Peters là một nhà văn tự do chuyên viết về sức khỏe, y tế, và giáo dục. Bà có bằng cử nhân Văn học Anh tại Đại học Simon Fraser ở British Columbia, Canada và đã xuất bản nhiều bài viết trên các ấn phẩm in và trực tuyến bao gồm Health Digest, Parent.com, Today's Catholic Teacher, và Education.com.

Thiên Hòa biên dịch