Mùa hè đến, khi những tia nắng vàng nhạt trải dài khắp ngõ xóm, trong căn bếp nhỏ của gia đình Hà Linh, một mùi thơm dịu nhẹ từ hồng bì lan tỏa khắp không gian. Đó là lúc cô bé 6 tuổi Hà Linh háo hức ngồi bên mẹ, chăm chú theo dõi từng động tác điêu luyện của mẹ khi làm món mứt hồng bì - món gia truyền từ ba thế hệ.
Chiều Chủ nhật tháng Bảy hôm ấy, bầu trời trong xanh dần chuyển sang màu cam rực rỡ. Nắng cuối ngày len lỏi qua cửa sổ, chiếu rọi vào căn bếp nhỏ, Hà Linh đang giúp mẹ tách hạt, nhưng đôi tay bé xinh đã bắt đầu mỏi.
"Mẹ ơi, con mỏi tay quá, con có thể nghỉ một lát không mẹ?" - cô bé hỏi mẹ, giọng lẫn chút ngượng nghịu.
Mẹ mỉm cười dịu dàng, đôi tay vẫn khéo léo nhào nặn: "Được rồi, con yêu. Con giúp mẹ vậy là tốt lắm rồi, con có thể nghỉ ngơi, để mẹ làm tiếp cho. Mẹ cảm ơn con gái yêu nhé!"
Hà Linh ngồi xuống, đôi mắt to tròn chăm chú dõi theo từng động tác của mẹ. Cô bé nhận thấy mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo mẹ: "Mẹ ơi, sao mình lại phải làm món mứt hồng bì này? Con thấy làm lâu và mệt quá mẹ à!"
Mẹ ngừng tay, khẽ mỉm cười nhìn con gái: "Ừ, làm món này hơi mất thời gian, nhưng để mẹ kể cho con nghe lý do vì sao mẹ luôn kiên nhẫn làm món mứt này nhé!"
Hà Linh ngồi im lặng, đôi mắt sáng lên khi nghe mẹ bắt đầu kể câu chuyện từ thời thơ ấu của mình.
"Khi mẹ còn nhỏ, bằng tuổi con bây giờ, mẹ cũng thường giúp bà ngoại làm những lọ mứt hồng bì như thế này. Mứt hồng bì không chỉ là một món ăn, vị thuốc quý, mà còn là cả một trời kí ức tuổi thơ của mẹ con à!
Ngày bé, mẹ sống ở thành phố cùng bố mẹ (ông bà ngoại Hà Linh). Cứ mỗi dịp hè mẹ lại được về quê, sống với ông bà ngoại (bé Hà Linh gọi bằng cụ cố) cho ông bà khuây khỏa. Đó là một ngôi làng cổ kính ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, với những ngôi nhà năm gian ba chái, mái ngói gạch đỏ cong cong, những bức tường gạch đầy rêu phong, với sân đình rộng với gốc đa sum suê tỏa bóng mát cho cả làng. Trong vườn nhà ông bà cố có rất nhiều cây, nhưng nổi bật nhất là những cây hồng bì xòe tán rộng.
Ảnh: Huy Nguyễn
Mỗi khi mẹ và các bác về chơi, ông cố lại treo dây thừng lên cành cây, dưới bắc tấm ván gỗ để làm xích đu cho mẹ và các bác chơi. Ngày ấy, nhà nào có cây hồng bì là “oai” lắm con ạ! Vì cây và quả hồng bì có rất nhiều công dụng, như: giải cảm, hạ sốt, chữa nấc cụt, ho gà, v.v, có thể bán kiếm đồng ra đồng vào.
Khi quả hồng bì chín, ông cố sẽ trèo lên cây hái xuống, đưa cho bà cố mang ra chợ bán. Nhưng bà sẽ luôn giữ lại một ít để làm mứt hồng bì, ngâm với đường phèn và mật ong, để bán và dành tặng mỗi nhà một lọ con ạ. Bà bảo rằng, mứt hồng bì không chỉ là món ăn vặt mà còn là vị thuốc quý, tốt cho phế quản và trị ho trong mùa đông lạnh giá. Bà cố đã dạy bà ngoại, bà ngoại dạy lại cho mẹ.
Khi bà ngoại làm mứt, mẹ cũng thường chăm chú ngồi bên cạnh, quan sát từng cử chỉ của bà giống như con bây giờ vậy. Bà cẩn thận ngâm bột và muối để làm sạch quả hồng bì, tỉ mỉ cắt bỏ cuống, rồi hấp cách thủy. Sau khi loại bỏ hạt, bà sẽ cho quả hồng bì vào nồi, thêm đường phèn, chút chanh và mật ong, đem sên trên bếp. Quá trình sên sẽ phải canh sao cho lửa thật nhỏ, đảo đều tay để đường và mật ong từ từ thấm vào từng quả hồng bì, tạo ra hương vị chua ngọt hài hòa, sánh lại, hòa quyện vào nhau mà không bị ướt. Quá trình này cũng giống như những khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống mà mỗi người chúng ta đều phải trải qua. Nếu ta biết kiên trì và nhẫn nại, kiên quyết giữ vững mục tiêu, biết điều chỉnh cảm xúc và hành động, biết gia giảm đúng lúc, thì ta sẽ đạt được thành quả.
Mẹ ngừng lại, đôi mắt mơ màng như chìm vào ký ức xa xưa. Cô bé Hà Linh vẫn chăm chú lắng nghe, cảm nhận được tình yêu thương và sự hy sinh nhẫn nại từ lời kể của mẹ.
“Sau khi làm xong, bà ngoại sẽ luôn cho mẹ nếm thử những miếng mứt hồng bì đầu tiên. Vị ấm nóng, chua dịu của hồng bì quyện với vị ngọt thanh của đường phèn, mật ong tạo nên một dư vị thơm ngon, bổ dưỡng. Vị ngọt của mứt hồng bì tượng trưng cho những ngọt ngào mà chúng ta nhận được sau khi vượt qua khó khăn. Vị chua nhẹ lại nhắc nhở chúng ta về những thử thách đã trải qua.
Cuộc sống cũng giống như một lọ mứt hồng bì, được tạo nên từ nhiều "gia vị" khác nhau con ạ: vị ngọt ngào của những niềm vui, thành công; vị cay nồng của những thử thách, thất bại; vị ấm áp của tình yêu thương; và vị mặn mà của những trải nghiệm.
Bà ngoại dạy mẹ rằng: “Sự hòa quyện giữa những gia vị ấy chính là bài học cuộc đời, rằng mọi thứ đều có giá trị nếu ta biết trân trọng, biết cách dung hòa, là người phụ nữ, chúng ta sẽ giữ gìn và vun đắp được sự êm ấm trong gia đình con gái à!.”
Mẹ kể đến đây cũng là lúc làm xong mẻ mứt của ngày hôm nay. Hà Linh háo hức chờ đợi từng thìa hồng bì ấm nóng. Vị ngọt thanh ấy len lỏi trong từng tế bào, xua tan đi cơn ho khan, mang lại cảm giác dễ chịu cho cơ thể. Hơn cả một thức uống, lọ mứt hồng bì còn là biểu tượng cho tình yêu thương và sự quan tâm của bà cố với bà ngoại, của bà ngoại dành cho mẹ, của mẹ dành cho Hà Linh.
… Năm nay, mẹ Hà Linh đã không còn.
Cô cũng đã trưởng thành, lấy chồng và sinh con. Nhìn đứa con thơ của mình, Hà Linh lại nhớ về những ngày thơ bé bên mẹ. Cô quyết định tiếp nối truyền thống của gia đình, tự tay làm lọ mứt hồng bì cho chồng con. Khi rửa từng quả hồng bì, Hà Linh lại nhớ về bàn tay gầy guộc của mẹ. Khi sên mứt, Hà Linh lại nhớ về nụ cười hiền hậu, vóc người nhỏ nhắn và chiếc lưng áo đẫm mồ hôi của mẹ.
Lọ mứt hồng bì giờ đây không chỉ là một thức uống, mà còn là nơi lưu giữ tình yêu thương của mẹ và bà, là sợi dây kết nối giữa Hà Linh và quá khứ./
Little Daisy