20 thg 3, 2025
14 phút đọc
48lượt xem
14 phút đọc

Nguồn Việt và tâm sự sâu kín của Kim Dung

Nguồn Việt và tâm sự sâu kín của Kim Dung

Cách đây khoảng chừng 5 năm, nhân một buổi trà dư tửu hậu tại nhà một người bạn, chủ khách chuyện trò lòng vòng rồi dẫn đến Kim Dung và các quyển tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh của ông. Một anh bạn (nếu không lầm, giáo sư Phạm ở New South Wales) chợt nhắc đến nhân vật Trần Hữu Lượng trong ‘Cô Gái Đồ Long’ và nói anh vừa đọc được ở đâu đó có viết Trần Hữu Lượng là một người Việt.

Người viết cố gắng moi óc với giúp đỡ của anh bạn đó mới nhớ rằng trong Cô Gái Đồ Long ấn bản đầu tiên của Kim Dung có một nhân vật tên Trần Hữu Lượng lớn tuổi hơn Trương Vô Kỵ một chút. Anh này xuất hiện lúc Trương Tam Phong dẫn Vô Kỵ lên Thiếu Lâm Tự để xin phép dùng Cửu Dương Chân Kinh chữa trị bệnh cho Vô Kỵ. Bệnh của Vô Kỵ có vẻ rất nan y vì Vô Kỵ đã bị một cú Huyền Minh thần chưởng từ một cao thủ Mông Cổ khi được thả lại tại chùa Võ Đang. Sau khi thử trị bệnh cho Vô Kỵ bằng nhiều cách theo kiến thức uyên bác của ông, Trương Tam Phong mới nghĩ rằng chỉ có Cửu Dương Chân Kinh mới có thể cứu Vô Kỵ khỏi cơn bệnh ngặt nghèo do thứ băng hàn chưởng kịch độc mang tên Huyền Minh thần chưởng gây nên. Khổ một nỗi Trương Tam Phong trong thuở thiếu thời chạy trốn khỏi chùa Thiếu Lâm với sư phụ Giác Viễn chỉ học được chừng phân nửa quyển Cửu Dương Chân Kinh do Giác Viễn trước khi viên tịch đã đọc lại. Phân nửa kia hiện có ở chùa Thiếu Lâm. Bởi vậy mấy mươi năm sau khi cần phải thấu triệt hết Cửu Dương Chân Kinh hầu chữa trị bệnh cho Vô Kỵ, Trương Tam Phong, một chưởng môn phái Võ Đang đang lên, đã không quản ngại nhục nhằn dẫn Vô Kỵ lên Thiếu Lâm Tự xin trao đổi kiến thức về Cửu Dương Chân Kinh của đôi bên để cả hai đều được trọn vẹn toàn bộ quyển kinh bí kiếp này. Nếu được vậy Trương Tam Phong sẽ dùng trọn bộ Cửu Dương Chân Kinh chữa trị cho cậu bé Trương Vô Kỵ.

Đến chùa Thiếu Lâm sau khi trình bày mục đích từ bi cứu khổ của mình Trương Tam Phong được đưa đến gặp một thiếu niên đang ở trong chùa tên Trần Hữu Lượng. Hai bên dàn xếp sao đó để Trương Tam Phong đọc ra phần Cửu Dương Chân Kinh của mình trước và sau đó phe Thiếu Lâm sẽ đưa ra phần Cửu Dương Chân Kinh của họ sau. Trương Tam Phong tình thật đọc hết nửa phần của quyển võ kinh bí kiếp ông còn nhớ cho Trần Hữu Lượng nghe. Sau khi đọc xong Trương lão nhân mới hỏi xin được lãnh giáo phần Cửu Dương của bên Thiếu Lâm. Trần Hữu Lượng thay mặt cho bên Thiếu Lâm đáp rằng tưởng gì lạ chứ những gì Trương Tam Phong vừa đọc Thiếu Lâm đã có sẵn rồi. Và gã thiếu niên họ Trần đọc lại cho Trương Tam Phong nghe vanh vách không sót một chữ những gì Trương Tam Phong vừa mới đọc ra. Như thế phe Thiếu Lâm đã lấy cớ rằng Trương không có gì để trao đổi nên không cho Trương phần Cửu Dương họ có và đuổi khéo Trương Tam Phong cùng Vô Kỵ ra khỏi chùa.

Đoạn Trần Hữu Lượng này của Cô Gái Đồ Long đã bị Kim Dung cắt xén bỏ hết trong bản nhuận sắc sau cùng hiện nay. Trần Hữu Lượng cũng như Trương Tam Phong, Chu Nguyên Chương, Quách Tỉnh, Khâu Xứ Cơ,… là những nhân vật có thật trong lịch sử của Trung Quốc. Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành (không có trong truyện của Kim Dung) là ba lãnh tụ ‘sáng chói’ nhất trong việc nổi dậy lật đổ nhà Nguyên (Mông Cổ). Lực lượng Chu Nguyên Chương cuối cùng đã đánh đổ được nhà Nguyên, lập nên nhà Minh, và Chu Nguyên Chương lên ngôi lấy hiệu Minh Thái Tổ, một ông vua độc tài vào bực nhất của Trung Quốc.

Đời nhà Nguyên bên Tàu (1277-1367) kéo dài gần như song song với triều đại nhà Trần (1225-1400) ở Việt Nam, lúc đó còn gọi là An-Nam, một quốc hiệu được đặt ra từ đời nhà Tống bên Tàu. Nhà Nguyên và nhà Trần trước sau đã 3 lần ‘Hoa Sơn luận kiếm’ với nhau và cả ba lần quân đội nhà Trần với quyển binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo đã đánh bại quân Mông Cổ và con cháu của Thiết Mộc Chân tức Thành Cát Tư Hãn – cha của Hoa Tranh công chúa, người đã có mối tình còn trẻ dại với Kim Đao phò mã (hụt) Quách Tỉnh trong Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. (Tiếc rằng Việt Nam không có một Kim Dung để kiếm hiệp hoá Trần Hưng Đạo như Kim Dung đã kiếm hiệp hoá tướng Nhạc Phi đời Tống trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu). Đọc sử Việt của Trần Trọng Kim hay của Phạm Văn Sơn, ta để ý trong chiều dài của cuộc luận kiếm giữa nhà Trần với Mông Cổ nhà Nguyên, nhà Trần hàng năm phải gửi chừng năm ba nhân tài xứ An Nam (gồm những nhà ‘khoa học’, y sĩ, khoa bảng hạng nhất) sang chầu chực Nguyên Chủ và ngược lại nhà Nguyên cũng ‘bốc’ một vài hoàng thân quốc thích xứ An Nam như Trần Di Ái và Trần Ích Tắc và một lô hầu cận sang bên đó được huấn luyện để sau này xử dụng họ vào những ‘lá bài’ áp đặt làm vua (bù nhìn) cho nước Nam. Trần Hữu Lượng nếu có dòng máu Việt rất có thể là con của một trong những người này.

Họ Trần rất phổ thông ở mìền Hoa Nam bên Tàu và họ Trần dường như chỉ di dân sang nước Nam một vài thế hệ trước khi Trần Thủ Độ chiếm ngôi nhà Lý và thiết lập nhà Trần. Ở Hongkong họ Trần gọi là Chan, ở Trung Hoa lục địa gọi Chen, ở Mã Lai gọi Tan, ở In-Đô Tanoko, v.v.. Việc họ Trần từ Tàu di cư sang nước An-Nam rồi về sau lãnh đạo nước Nam chống lại Tàu không có gì lạ trong lịch sử Việt. Trước đó có Lý Bôn (hay Lý Bí) cũng gốc Tàu ở nước Nam được bảy đời vào giữa thế kỷ thứ 6 đã nổi lên đánh đuổi quân Tàu giành lại độc lập và dựng nên nhà Tiền Lý ngắn ngủi. Về sau Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ gốc họ Hồ có tổ tiên di cư sang nước Nam vào thế kỷ thứ 10 từ tỉnh Chiết Giang (quê hương của Kim Dung) bên Tàu cũng đã đánh nhà Mãn Thanh ở Bắc Phương thua xiểng liểng.

Trở lại chuyện Trần Hữu Lượng, phản ứng thông thường của bất cứ ai nghe nói Trần Hữu Lượng có thể là một người ‘An-Nam’ theo cha sang Tàu rồi ở luôn bên đó, về sau mưu đồ đại sự lật đổ nhà Nguyên, chắc sẽ cho rằng Kim Dung đúng thật một tác giả có đầu óc thương mại rất bén, vì muốn chiếm cảm tình của độc giả Việt Nam đang theo dõi những truyện kiếm hiệp của ông được dịch đăng báo hằng ngày ở Sàigòn theo kiểu ‘phơi-yơ-tông’, ông đã nhét vào đó nhân vật Trần Hữu Lượng thay vì Trương Sĩ Thành bởi Trần Hữu Lượng có liên hệ tới Việt Nam! Chắc chỉ thế thôi.

Nhưng nếu đọc lại ‘Thiên Long Bát Bộ’ và ‘Lục Mạch Thần Kiếm’ ta lại một lần nữa cảm thấy một cái gì hơi là lạ khi Kim Dung giới thiệu một nhân vật nữ mang họ Nguyễn tức Nguyễn Tinh Châu – người tình vắn số của Tiêu Phong (hay Kiều Phong) bang chủ của Cái Bang. Trong hai bộ truyện đó, ông hoàng đa tình của nước Đại Lý tên Đoàn Chính Thuần, trên danh nghĩa là cha của thái tử Đoàn Dự, có rất nhiều người tình, mỗi bà ông tặng một hai đứa con, thường thường con gái. Một trong những người tình đó mang họ Nguyễn và có hai người con gái, người chị mang tên Nguyễn Tinh Châu, người em Nguyễn Tinh Tử tức A Tử. Nguyễn Tinh Châu và Tiêu Phong gặp nhau rồi yêu nhau. Trong khi đó Tiêu Phong điều tra ra thủ phạm giết cha mẹ mình năm xưa không ai khác hơn Đoàn Chính Thuần cha ruột của Tinh Châu. (Mãi về sau này Tiêu Phong mới biết rằng điều tra đó hoàn toàn sai). Để trả thù cho cái chết thảm khốc của cha mẹ Tiêu Phong hẹn Đoàn Chính Thuần đến đấu võ sống chết với nhau vào lúc giữa đêm. Nghe lén được, Nguyễn Tinh Châu vì mang nặng chữ hiếu với cha nên mặc áo giả dạng làm Đoàn Chính Thuần đến nơi hẹn. Tiêu Phong trong đêm tối nhìn thấy người tình muôn thuở Tinh Châu lại tưởng lầm là Đoàn Chính Thuần nên đánh cho một cú Hàng Long Thập Bát Chưởng, món võ bí truyền của các Bang Chủ Cái Bang (hội đoàn của những người khất thực ăn xin) làm cho Tinh Châu bị trọng thương và chết liền sau đó trong vòng tay thống khổ của Tiêu Phong. Trong suốt khoảng đời còn lại Tiêu Phong mang nặng nổi sầu bi không thế nào giải toả được, và cưu mang người em gái của Tinh Châu là A Tử. A Tử đem lòng yêu Tiêu Phong nhưng khổ nỗi Tiêu Phong chỉ thương A Tử như người em. A Tử lại có một anh chàng khác say mê cuồng nhiệt tên Du Thản Chi có lúc đã dâng đôi mắt người xưa của mình tặng cho A Tử ‘ghép mắt’ vì chợt bị mù không thấy đường. (Ở đây, Kim Dung có vẻ xạo hết chỗ nói chắc với ngụ ý đề cao y thuật Trung Quốc hồi xưa!!). Và mối tình éo le ba chiều đó đã được Kim Dung kết thúc bằng một giải đáp không có ‘hậu’, một ‘unhappy ending’ để lại cho người đọc bao ngậm ngùi thương tiếc.

Phải nhìn nhận trong hàng trăm pho truyện Tàu chỉ có bộ Thiên Long Bát Bộ nói riêng và một số tiểu thuyết của Kim Dung nói chung đã đề cập đến họ Nguyễn và nước Đại Lý mà thôi. Họ Nguyễn mặc dù cũng xuất xứ từ miền Hoa Nam bên Tàu nhưng ngày nay còn rất ít những người mang họ này ở bên Tàu. Ngược lại ở nước Việt họ Nguyễn được rầm rộ gia tăng sau khi Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý (1010-1225) và bắt ép những người mang họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn để thứ dân không còn nhớ đến triều đại nhà Lý xưa cũ nữa.

Họ Nguyễn lại gia tăng dữ dội hơn nữa khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá năm 1558 khởi đầu cho mầm mống nhà Nguyễn sau này. Họ Nguyễn giờ đây chiếm đến khoảng 40 phần trăm của các họ khác nhau của người Việt. Trong niên giám điện thoại ở các thành phố có đông người Việt định cư như ở Úc và Mỹ chẳng hạn – họ Nguyễn được sắp xếp theo thứ tự số đông có thể đứng từ hạng 5 đến hạng 10 rất dễ dàng. Thành ra nói tới họ Nguyễn trong thời đại hiện nay tức nói tới người Việt, Việt Nam. Kim Dung có ngụ ý gì chăng khi ông phải dùng đến họ Nguyễn cho nhân vật Nguyễn Tinh Châu mà không dùng các họ khác như họ Đào, họ Lý, họ Tô, họ Hoàng, họ Tiết, họ Nhâm, họ Địch và nhất là họ Phạm một họ có cả trong vùng Hoa Nam, nước An Nam và cả nước Lâm Ấp (hay Chiêm Thành) vào các thời xa xưa đó.

Thêm vào đó trong ba bốn bộ truyện liên tiếp, Kim Dung ưa đưa vào đó những nhân vật thuộc nước Đại Lý như Đoàn Nam Đế tức Nhất Đăng Đại Sư trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm và Thiên Long Bát Bộ, v.v. Nước Đại Lý đại khái nằm ở địa bàn của tỉnh Vân Nam (Yun-Nan) ngày nay. Tỉnh Vân Nam giáp giới với phía Tây Bắc ở mạn Lào Cai, Lai Châu của nước Việt Nam. Thời cổ đại khu Đại Lý có tên Điền Việt, có thể bao gồm hay giáp ranh với nước Tây Âu hay Âu Việt và nước Nam Cương của Thục Phán. Theo Trần Trọng Kim trong bộ Việt Nam Sử Lược, Thục Phán không thể xuất phát từ nước Tây Thục ở tận Tứ Xuyên xa xôi mà chỉ có thể từ một nước nhỏ nào đó trong khu vực Vân Nam ngày nay, hay vùng mang tên Đại Lý hồi cuối đời Nam Tống bên Tàu.

Gần đây Taylor dẫn cứ tài liệu các sử gia Vietnam cho rằng Thục Phán xuất quân từ nước Nam Cương nằm ở khu Cao Bằng. Thục Phán đánh dứt điểm Hùng Vương của nước Văn Lang (tức Lạc Việt) rồi sát nhập Âu Việt và Lạc Việt thành một nước mang tên Âu Lạc, xưng hiệu An Dương Vương. Sau mấy cái màn đấu võ, nhất là ngón Nhất Dương Chỉ của mấy hoàng thân quốc thích nước Đại Lý trong truyện của Kim Dung, nước Đại Lý bị quân Mông cổ thôn tính vào năm 1253 trước khi tiến đánh nhà Trần. Tiếp theo, nhà Nguyên đã cho di dân sang đó hơn 30000 quân lính và gia đình của họ cùng với một số người theo đạo Hồi ở vùng Tây Bắc. Chính sách đồng hoá này được tiếp diễn dưới triều đại nhà Minh vào năm 1381.

Thử xem lại giả thiết đơn sơ rằng Kim Dung muốn thu hút thêm độc giả Việt Nam vào thời tiểu thuyết của ông đăng báo hằng ngày ở Saigon theo lối ‘phơi-yơ-tông’ bằng cách cho vào đó một số nhân vật hay bối cảnh có dính líu sơ sơ đến Việt Nam. Kim Dung đã viết Ỷ Thiên Đồ Long Ký vào năm 1961, Thiên Long Bát Bộ vào năm 1963, và tiểu thuyết kiếm hiệp ngắn cuối cùng của ông mang tên… ‘Việt Nữ Kiếm’ vào năm 1976. Truyện Kim Dung bắt đầu đăng báo hằng ngày tại Sàigòn vào khoảng 1962 và chỉ nổi như cồn vào khoảng 1964. Trước đó Kim Dung đã nổi tiếng tại Singapore, Hongkong, Đài Loan, và cộng đồng người Hoa ở Mỹ rồi. Tức là trong lúc ông viết đầu óc ông rất khó hướng về Việt Nam trong ý đồ thương mại nhỏ nhen đó. Quyển truyện mang tựa ‘Việt Nữ Kiếm’ đã rõ ràng chứa chấp từ ‘Việt’ được viết vào năm 1976 sau khi giới độc giả Việt của ông đã không còn báo chí có ‘phơi-yơ-tông’ để đọc đã được 1 năm. Do đó yếu tố Việt hay yếu tố liên hệ đến Việt trong truyện Kim Dung trong lý do thương mại lấy lòng độc giả Việt phải được hoàn toàn gạt bỏ.

(Ảnh trong phim “Việt nữ kiếm” dựa theo nguyên tác của Kim Dung)


Truyện Việt Nữ Kiếm nói về thứ ‘Việt’ (hay ‘việc’) gì mà Kim Dung đã chọn làm quyển truyện ngắn kiếm hiệp cuối cùng để đóng sổ sự nghiệp viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình lừng danh của ông? Việt Nữ kiếm chưa được in thành sách ‘bản cứng’ tiếng Việt nhưng hiện có hai bản dịch, một tiếng Việt một tiếng Anh (hay tiếng Mỹ!), đăng trọn vẹn trên mạng internet võ hiệp ‘chùa’ ‘vietkiem dot com’ hay ‘come.to gạch chéo kimdung’. Truyện kể lại mối tình của tướng nước Việt tên Phạm Lãi và nàng mỹ nhân Tây Thi do vua Việt là Câu Tiễn đem dâng hiến cho vua nước Ngô tên Phù Sai để dùng mỹ nhân kế hầu làm suy yếu nội tình nước Ngô trước khi ‘tổng phản công’ đánh chiếm nước Ngô để trả thù xưa. Trong truyện có một cô gái chăn dê học được kiếm pháp thần sầu quỷ khốc từ một con vượn trắng (Nhắc lại màu trắng là màu của mạng Kim như trong tên Kim Dung của thuyết Ngũ Hành – xem phần 1). Việc xuất hiện của truyện ‘Việt’ Nữ Kiếm, tác phẩm kiếm hiệp cuối cùng của Kim Dung, đã tăng thêm phần tin tưởng cho giả thiết rằng các yếu tố Việt như họ Nguyễn, nước Đại Lý, Trần Hữu Lượng trong các truyện trước của Kim Dung không phải là một việc tình cờ nhưng lại là một sự sắp đặt có lớp lang bày tỏ ít nhiều ẩn ý hay ‘tâm sự riêng mang tính chất Việt’ của tác giả.

Sau đây ta thử cố gắng khảo sát và khai triển thêm để tìm hiểu về tâm sự mang ‘chất Việt’ của Kim Dung bằng cách lượt qua lịch sử Trung Quốc và sử Việt cổ. Tâm tư mang chất Việt này của Kim Dung chỉ là một sợi chỉ nhỏ – nhưng nếu dùng kính lúp của lịch sử để soi tỏ cho rõ sợi chỉ liên hệ đến ‘Việt tính’ này, có lẽ chúng ta sẽ có thể lĩnh hội được một hai điều ngồ ngộ hay hay về Kim Dung nói riêng và về giới trí thức người Hoa nói chung – đối với ‘Việt’ và Việt Nam.

……

Tác giả: Nguyên Nguyên
Theo loạt bài: “Thử đọc lại Kim Dung”
Đăng trên Nguyệt san văn hóa dân tộc Hồn Quê (Honque.net)

Xem bài viết biên tập lại của tác giả Nguyên Nguyên: Ngũ hành: Đạo lý ẩn chứa trong những kiệt tác của Kim Dung

Kính mời Quý vị xem chi tiết tại đây: https://trithucvn2.net/van-hoa/nguon-viet-va-tam-su-sau-kin-cua-kim-dung.html