
Chữ "Ngộ" (悟) gồm hai phần:
- 忄 (bộ tâm): Liên quan đến tâm trí, ý thức.
- 吾 (ngã - ta, chính mình): Nghĩa là bản thân con người.
👉 "Ngộ" (悟) nghĩa là tâm trí hiểu ra bản chất thật sự của chính mình, vượt qua mọi ảo tưởng.
Vào thế kỷ thứ 7 – thời Đường Cao Tông, Thiền tông ở Trung Quốc vào thời kỳ này đang trên đà phát triển nhưng chưa phổ biến rộng rãi.
Người đứng đầu thiền tông bấy giờ là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (弘忍, 601 – 674) là trụ trì của Đông Sơn Tự (东山寺).
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (弘忍) lúc đó đã lớn tuổi và muốn tìm người kế thừa y bát. Ông ra đề bài, yêu cầu các đệ tử làm một bài kệ để thể hiện sự giác ngộ của mình.
Thần Tú (神秀) – đại đệ tử xuất sắc nhất lúc bấy giờ, đã viết bài kệ của mình lên tường trong hành lang của chùa Đông Sơn (東山寺) để mọi người cùng xem.
(Thần Tú sinh vào năm 606 tại một gia đình trí thức ở vùng Hà Bắc hoặc Hồ Bắc, Trung Quốc.Thần Tú từ thuở nhỏ đã thông minh hơn người.Ông thông thạo kinh điển Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Nhờ nền tảng học vấn vững chắc, ông sớm nổi tiếng là một học giả uyên thâm.
Khoảng năm 30 tuổi, ông từ bỏ đời sống thế tục để xuất gia, quyết tâm tu hành và nghiên cứu giáo lý Phật giáo một cách sâu sắc. Ông trở thành đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tại Đông Sơn, nơi mà ông rèn luyện thiền định và học tập tinh hoa của Thiền tông.)
Ông viết :
身是菩提樹,
心如明鏡臺。
時時勤拂拭,
莫使惹塵埃。
Phiên âm Hán Việt:
Thân thị Bồ đề thụ,
Tâm như minh kính đài.
Thời thời cần phất thức,
Mạc sử nhạ trần ai.
Dịch nghĩa:
Thân như cây Bồ đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn lau chùi sạch,
Chớ để bụi trần vương.
Thần Tú ví tâm con người như một tấm gương sáng, muốn đạt được giác ngộ thì phải luôn luôn lau chùi, giữ cho tâm thanh tịnh.
Khi đọc bài kệ này, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói:
"Chưa thấy được chân lý cuối cùng, nhưng đã bước vào cửa đạo."
Khi đó trong chùa có một người giã gạo tên là Huệ Năng, đã nghe được bài kệ và cho rằng cách hiểu của Thần Tú vẫn còn chấp vào hình tướng, chưa đạt đến tuệ giác thực sự. Vì vậy, ông đã đọc lên bài kệ của mình rồi nhờ một người biết chữ viết bài kệ lên vách tường đối diện với bài kệ của Thần Tú.
( Huệ Năng (慧能)sinh vào năm 638, tên thật là Lư Huệ Năng, quê ở Tân Châu (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ ông đã phải làm nghề đốn củi để phụ giúp gia đình. Một ngày nọ, trong lúc đang giao củi ở quán chợ, ông nghe một người đọc kinh Kim Cang. Khi nghe đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Nên không chấp vào đâu mà sinh tâm ấy), ông chợt tỉnh ngộ. Câu kinh ấy như một ngọn đèn soi sáng tâm trí, khiến ông quyết định tìm đến chùa để học đạo.
Với tâm cầu đạo mạnh mẽ, Huệ Năng lặn lội đến Đông Sơn (nay là tỉnh Hồ Bắc) để bái kiến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Khi đến nơi, vì xuất thân nghèo khổ và không biết chữ, ông chỉ được giao việc giã gạo trong nhà bếp,chưa được nhận làm đệ tử chính thức. Tuy nhiên, Ngũ Tổ sớm nhận ra Huệ Năng có căn cơ đặc biệt )
Bài kệ của ông là :
菩提本無樹,
明鏡亦非臺。
本來無一物,
何處惹塵埃。
Phiên âm Hán Việt:
Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Dịch nghĩa:
Bồ đề vốn không phải cây,
Gương sáng cũng chẳng phải đài.
Vốn dĩ không có gì,
Chỗ nào dính bụi trần?
Bài kệ của Huệ Năng thể hiện một sự giác ngộ hoàn toàn khác biệt – không còn chấp vào hình tướng, không còn phân biệt "gương" và "bụi", "tu" và "chứng".
Sau khi đọc bài kệ của Huệ Năng, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lập tức nhận ra Huệ Năng đã đạt được chân lý, Ngũ Tổ bí mật truyền y bát cho ông và khuyên ông rời đi ngay trong đêm, vì sợ các môn đồ khác sẽ ganh ghét.
(Khi diễn ra sự kiện tuyển chọn y bát tại chùa Đông Sơn (khoảng năm 661-663),
Thần Tú khoảng 55-57 tuổi, còn Huệ Năng khoảng 24-26 tuổi.)
Từ đó thiền tông bước sang sự thay đổi lớn.
Sau khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (弘忍) bí mật truyền y bát cho Huệ Năng và khuyên ông rời đi ngay trong đêm, nhiều môn đồ không phục. Thần Tú lúc đó là đệ tử xuất sắc nhất và đã tu hành lâu năm, vì vậy đa số đệ tử vẫn xem ông là người xứng đáng kế thừa vị trí lãnh đạo Thiền tông. Tuy không nhận được y bát, nhưng Thần Tú không công khai phản đối Huệ Năng mà tiếp tục tu hành, giảng dạy Thiền theo con đường Tiệm Ngộ (渐悟 - giác ngộ từ từ).Ông trở thành trụ trì, lãnh đạo Thiền Bắc Tông (北宗禅) trong suốt nhiều năm.
Phương pháp tu hành Tiệm ngộ (渐悟) của ông là :
- Chủ trương rằng giác ngộ là một quá trình chậm rãi, cần rèn luyện dần dần qua thời gian dài.
- Phải nỗ lực tu tập, thanh lọc tâm trí, hành trì giới luật, thiền định và dần dần đạt được giác ngộ.
Thần Tú sau này được Hoàng đế Võ Tắc Thiên (武则天) và Đường Trung Tông (唐中宗) trọng dụng, phong làm Quốc sư.
Ông được mời vào cung để giảng pháp và có rất nhiều đồ đệ theo học.
Thiền Bắc Tông phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp miền Bắc Trung Quốc.
📖 Võ Tắc Thiên từng nói:
"Thầy Thần Tú là ánh sáng lớn của đất nước, là đại Thiền sư của thiên hạ."
Thần Tú qua đời vào năm 706.
Sau đó, Thiền Bắc Tông dần suy yếu, không còn ảnh hưởng mạnh như trước.
Còn về Huệ Năng sau khi nhận y bát, ông lánh đến miền Nam, ở ẩn trong rừng sâu suốt 15 năm để tránh những kẻ phản đối. Đến năm 676, ông mới chính thức xuất hiện ở chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, nơi ông thuyết pháp và làm sáng tỏ giáo lý Thiền tông.
Phương pháp tu hành của ông là "Đốn Ngộ" (顿悟) – Giác ngộ ngay lập tức :
Chủ trương rằng giác ngộ có thể đạt được ngay trong khoảnh khắc, không cần trải qua quá trình dài.
Không cần phải tu từ từ, mà chỉ cần buông bỏ hết chấp niệm, lập tức đạt được chân lý.
Phương pháp của ông dần được biết đến rộng rãi và thành lập Thiền Nam Tông (南宗禅).
Trái với Thiền Bắc Tông dần suy tàn Thiền Nam Tông ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành dòng Thiền chủ đạo ở Trung Quốc, Nhật Bản (Zen) và Việt Nam.
Tuy phương pháp tu hành khác nhau nhưng hai vị thiền sư Thần Tú và Huệ Năng đều là những bậc chân tu đáng kính trọng.Để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ tiếp theo.