“Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối đó là lòng tốt” (Victor Hugo)
Bầu trời đã gọi thu về, cái mùa với cơn gió se lạnh, thổi nhẹ vào lòng người những phút suy tư, trầm mặc, lắng mình. Ngồi ngắm từng chiếc lá vàng rơi, tôi bất giác nghĩ về sự chảy trôi của dòng đời, liệu một ngày kia mình cũng sẽ tan vào gió bụi. Đương nhiên sẽ là vậy vì quy luật sinh-lão-bệnh-tử có bao giờ phá cách vì một ai? Nhưng thay vì ám ảnh nỗi sợ thời gian, sao ta không một lần sống hết mình, trau dồi và hướng tới những giá trị cao đẹp, ghi tạc lại dấu ấn riêng vào trang sách chung mang tên “cuộc đời”. Lật giở từng trang sách ấy, tôi bắt gặp và dành thời gian chiêm nghiệm về câu nói đầy triết lý của Victor Hugo:“Trên đời này, chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối đó là lòng tốt”.
Như vũ trụ bao la phải có mặt Trăng và mặt Trời, như thiên nhiên tươi đẹp cũng cần sự hùng vĩ của núi non và những đại dương bao la, xanh thẳm; con người hoàn mỹ là sự kết hợp của trí và tâm, của tài năng và lòng tốt như Victor Hugo đã đề cập. Tài năng và lòng tốt ấy được định nghĩa như thế nào mà lại có ý nghĩa quan trọng như vậy? Tài năng là khả năng sáng tạo, hoàn thành tốt một công việc, một nhiệm vụ, một lĩnh vực nào đó đạt tới độ xuất chúng, đáng ngưỡng mộ, có thể phát minh, phát kiến... Nó là một khái niệm được hiểu theo nghĩa rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tài năng toán học, tài năng vật lí, hóa học, khoa học công nghệ hay các tài năng nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc.....Còn lòng tốt là yếu tố xuất phát từ tâm, là trái tim biết yêu thương, bao dung không chỉ với bản thân mà còn với cuộc đời, với thiên nhiên vũ trụ bao la, nâng niu cỏ hoa quanh mình...Hành động “cúi đầu thán phục” và “quỳ gối” trước “tài năng” và “lòng tốt” là thái độ đề cao, ngợi ca giá trị tài năng và phẩm chất của con người. Hay nói một cách cụ thể hơn V.Hugo đề cập đến một thái độ sống, một tiêu chí đánh giá đó là tôn vinh những gì đẹp đẽ, ưu tú thuộc về trí tuệ và tâm hồn. Nhưng hãy chậm lại một nhịp để cùng đặt dấu hỏi rằng vì sao trước một tài năng V.Hugo chọn cách “cúi đầu thán phục” tức tán đồng, ngợi ca và ngưỡng mộ nhưng trước lòng tốt ông lại "quỳ gối" ? Phải chăng tài năng, sự thông minh là trời cho nhưng lòng tốt là sự lựa chọn, giữ được thiên lương ban đầu, sau bao "dâu bể cuộc đời" đâu có dễ? Bản thân V.Hugo, cả đời cặm cụi sáng tác để khơi dậy và nâng niu giá trị của tình thương "trên đời chỉ có một điều ấy thôi ấy là thương yêu nhau". Từ câu nói đó, ta thấy được rằng, ông dành nhiều sự ưu ái, nâng niu, trân trọng, cảm mến, đề cao đến mức quỳ gối tôn thờ trước lòng tốt, sự thiện lương, tâm tính lành vững, thuần thiện…của một con người.
Trong câu chuyện cổ tích bà kể thuở bé thơ, cái tốt cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái xấu xa, tàn ác. Một Thạch Sanh dũng cảm hơn người luôn chiến thắng một Lý Thông xảo quyệt, một phù thủy gian ác sao có thể sánh cùng được với nàng công chúa yêu kiều, nết na. Và đến tận cuộc sống hôm nay vẫn luôn là như thế, những đóng góp của tài năng và cống hiến của một lòng tốt luôn được xã hội ghi nhận. Người ta chỉ “cúi đầu thán phục” trước “tài năng” và chỉ “quỳ gối” trước một “lòng tốt”.
Khi cúi đầu thán phục trước tài năng nghĩa là con người ấy đã có ý thức về thái độ trân trọng cái tài trong đời. Cái tài đóng góp cho xã hội những phát minh vượt thời gian, rời xa thời kỳ đồ đá nguyên thủy để hướng tới văn minh, hội nhập cùng nhân loại. Ngưỡng mộ ngợi ca cái tài là sự biết ơn mà con người dành cho họ, dù thời gian có chảy trôi không ngừng. Có sai đâu khi nói biết ngưỡng mộ người tài là minh chứng cho sự cầu tiến, ham học hỏi của mỗi cá nhân. Vì chỉ khi đứng trước một tài năng đã nở rộ, ta mới biết bản thân cần học hỏi thêm thật nhiều điều, nhìn họ tựa như tấm gương sáng mà không ngừng phấn đấu, noi theo. Không có thái độ trân trọng cái tài thì đâu thể sinh ra những người thầy có tâm và những người đệ tử ham học. Không trân trọng cái tài thì ai sẽ chỉ ra những sai lầm, thiếu sót của ta, ai sẽ là người tiếp tục đưa nhân loại phát triển nếu một mai những tài năng ấy phải nghỉ ngơi và nói lời tạm biệt…! Học cách tôn vinh giá trị của người khác sẽ giúp ta trưởng thành hơn, là tiền đề để ta tự nhận thức và hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày. Ta cảm phục đặc biệt trước tài năng hội họa, điêu khắc, y học, toán học, triết học….để tạo ra bức tranh bí ẩn hơn cả tính cách người phụ nữ mang tên Mona Lisa và rất nhiều phát minh đi trước thời đại, góp cho thời kỳ Phục Hưng thêm phần rực rỡ của Leonardo da Vinci. Hay một Stephen Hawking, nhà vật lý học, nhà thiên văn học người Anh đã tìm ra hố đen của vũ trụ và đưa ra những cảnh báo với nhân loại rằng sự phát triển của AI có thể sẽ thay thế con người trong tương lai… Họ là những viên ngọc sáng, những đỉnh cao trí tuệ góp phần thúc đẩy sự phát triển nền văn minh của nhân loại để đến ngày hôm nay ta vẫn nhắc đến họ với đầy sự thán phục, ngợi ca.

Người xưa gọi người vừa có tài vừa có tâm là "hiền tài", tức là chữ "hiền" đứng trước, chữ "tài" đứng sau. Phải chăng ngụ ý rằng có hiền thì mới có tài? Hay là hiền quan trọng hơn tài? Hay người đủ hiền (với nghĩa rộng nhất của nó) thì có nhiều cơ hội để trở thành người tài? Tôi đã băn khoăn tự hỏi như vậy? Kỳ thực, tôi muốn nói rằng, hiền có phần quan trọng hơn tài. Bởi vậy nó xứng đáng nhận được sự đối đãi như V.Hugo đề cập. Vì muốn dạy con trai sự tập trung cao độ, sự bền bỉ nhẫn nại, tâm tĩnh trí sáng, vua Nghiêu mới phát minh ra cờ vây. Ở Việt Nam ta, vì đau đáu trước cảnh quân thù đi lại nghênh ngang, Hưng Đạo Đại Vương nhọc lòng dốc sức, "nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa"… rồi trăm phương ngàn kế, dụng công tìm người tài, dụng sức tìm hiểu địa hình mới cho quân đóng cọc xuống dòng nước Bạch Đằng để nhấn chìm quân xâm lược. Hay bạn có nhớ Nguyễn Du mười năm ròng sống cực khổ trong lòng nhân dân, đau đáu trước kiếp người ấm lạnh, con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ cho nghìn đời, lăn lộn trong trường đời cơ cực như thế mới có thể khóc thương cho thập loại chúng sinh "Văn tế thập loại chúng sinh" hay viết lên cuốn sách của một nghìn tâm trạng "Truyện Kiều"- tập đại thành của thơ ca Tiếng Việt mà người đời sau ca ngợi.
"Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời"
(Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)
Đọc “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, ta bắt gặp triết lý về cái tài cái tâm; thiện căn là gốc, là bản chất con người "Thiện căn là bởi lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Soi chiếu lại câu nói của V.Hugo ta lại có phần ngỡ ngàng vì sự gặp gỡ giữa hai quan niệm, dù mang hai dòng máu khác nhau nhưng cả hai tài năng ấy đều đề cao cái tâm, cái thiện hay còn gọi là “lòng tốt” ở trong mỗi người. Do đó dễ thấy “lòng tốt” có ý nghĩa lớn lao đủ cho ta phải chân thành “quỳ gối”.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhất là văn học thì điều trên là cần thiết, bất cứ một nhà văn lớn nào, trước hết phải "nhân đạo từ trong cốt tủy" (Sê-Khốp). Ngay cả Nguyễn Tuân tưởng là một người ngông ngạo nương ngòi bút theo chủ nghĩa duy mỹ… Nhưng chính ông là người có tấm lòng nâng niu, biết ơn, tự hào, ngợi ca, thắp nén tâm nhang trước văn hóa cổ truyền của dân tộc. Bởi vậy ông mới tạo ra "viên trân châu" cho văn học nước nhà và dâng cho đời những "Tờ hoa" thơm thảo. Tôi tin rằng, bất cứ ai đủ tốt, đủ thiện, đủ tấm lòng quảng đại, bao dung tựa biển lớn thì người đó sẽ ắt có được tài năng xứng đáng với lòng tốt đó. Bởi vậy, tôi thật sự "quỳ gối" trước những bậc tinh anh của dân tộc tôi và của nhân loại. Tôi có sự đồng cảm sâu sắc với cách Hugo ứng xử với người có tài năng và phẩm chất.
Lòng tốt đem đến cho đời ánh sáng của tình yêu thương, lòng bao dung và sự nhân ái, khi đạt đến độ tròn đầy nó có thể xóa tan đi mọi hờn ghen, đau khổ, giữ lại cho con người những gì trong sáng và thuần khiết nhất. Yêu thương mạnh hơn tất cả nên biết quỳ gối trước điều đó nghĩa là trong tâm ta cũng đã khởi phát nên lòng từ bi, hỷ xả, sống vì đời, vì người. Thế gian đẹp vì “Xuân có hoa, thu có trăng, hạ có gió, đông có tuyết”. Bất kể mùa nào, dù nóng hay lạnh, nắng hay mưa đều mang những vẻ đẹp đến xao xuyến cõi lòng. Nhưng trải qua những thăng trầm, những biến chuyển không ngừng của thế thái nhân gian, ta còn nhận ra vẻ đẹp không chỉ làm nên bởi thiên nhiên mà còn được thắp sáng lên bởi lòng tốt con người. Sự thiện lương ấy mang lại cho con người trí tuệ, tình yêu, lòng khoan dung, độ lượng,...để dù hàng ngàn năm, qua cơn giông vội vã hay cơn mưa rào nặng hạt, cuối cùng ánh mặt trời vẫn mang đến cho thế gian sự ấm áp. Nếu một tâm hồn chỉ nghĩ đến điều xấu xa, tàn ác, chỉ cổ xúy cho những lệch lạc xã hội thì đó chỉ là tâm hồn đã nhơ bẩn, hoen ố. Muốn trở thành một người tốt thực sự thì ngay trong tư tưởng ta cũng cần hướng thiện, đề cao cái thiện, lấy cái thiện làm gốc mà nương mình theo.
Câu nói của V.Hugo giúp ta sống có ích hơn, chạm tay đến được sự thanh thản và tự tại trong tâm hồn. Dù là “tài năng” hay “lòng tốt”, muốn đạt được thì đều là cả một quá trình học hỏi, hoàn thiện bản thân, tìm về bản ngã chân chính. Dành cho người có tài năng và lòng tốt sự ngưỡng mộ, tôn vinh là cách bày tỏ tấm lòng trong sáng của ta, chính giá trị ấy sẽ làm cho đời thêm phần tươi đẹp. Có thể thấy, cái tâm là cơ sở để nảy sinh cái tài, giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Dẫu vậy trong cuộc sống vẫn còn đâu đó một số bộ phận chưa nhận thức được điều ấy, họ đề cao chữ “tiền” và lợi danh trước mắt mà bỏ quên đi giá trị của một thiên lương. Chứng kiến những “cuộc đời” ấy mà lòng ta thoáng buồn, nảy sinh một khát khao giúp họ gạt bỏ đi những vệt tối trong tâm mà hướng đến giá trị cao đẹp; khát khao giúp họ nhận thức được rằng nếu có tài mà thiếu đi cái tâm, cái đức thì chữ “tài” lại hóa chữ “tai”, con người ấy sẽ thành bất lương, chỉ vì lợi ích riêng mình.
Suy cho cùng, cái tài nhờ cái tâm mà cháy lên, cái tâm nhờ cái tài mà tỏa sáng. Muốn hướng đến một chân trời cao đẹp, bản thân chúng ta cần nhận thức rõ và không ngừng phát huy những điều đáng quý, đáng trân trọng như thế. Chỉ khi “ta tròn ngay tự trong tâm”, sở hữu nguồn tri thức vững vàng thì mới có thể thành người ưu tú như ta hằng mong ước. Một lần nữa câu nói của V.Hugo “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối đó là lòng tốt” giúp tôi biết ơn những đấng hiền tài khắp quê hương, xứ sở!!!
Open mind xin giới thiệu một số bài làm xuất sắc của học sinh. Trên đây là bài viết của học sinh giỏi văn mang tên Nguyễn Thiên Hà.
Để lại bình luận