Giáo dục

14 thg 1, 2024
6 phút đọc
12lượt xem
6 phút đọc

LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI THEO THỜI KỲ NHẠY CẢM MONTESSORI CỦA TRẺ

LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI THEO THỜI KỲ NHẠY CẢM MONTESSORI CỦA TRẺ

💯LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI TẠI NHÀ THEO THỜI KỲ NHẠY CẢM CỦA TRẺ💥

giao-duc-montessori-thoi-ky-nhay-cam-cua-tre.jpg

Việc sắm đồ chơi cho con, đối tượng sử dụng cuối cùng là con nên việc tìm hiểu đúng nhu cầu của con để có lựa chọn đồ chơi phù hợp rất quan trọng. Vì hôm qua có mẹ hỏi Linh về cách chọn đồ chơi cơ bản tại nhà cho bé nên Linh có tổng hợp lại sơ bộ cách cha mẹ có thể chọn đồ chơi đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của trẻ giai đoạn 0-6 theo triết lý Phương pháp giáo dục Montessori.

“Cái gọi là thời kì nhạy cảm là chỉ trong quá trình từ 0-6 tuổi, trẻ chịu sự chi phối của sức sống, trong một giai đoạn nào đó sẽ chuyên tâm tiếp thu những đặc trưng của sự vật ở trong một môi trường nào đó, đồng thời liên tục lặp lại trong quá trình thực tiễn. Sau khi vượt qua thời kì nhạy cảm này, tâm lí và trí tuệ của trẻ sẽ phát triển lên một tầm cao mới.” - Maria Montessori.

thời kỳ nhạy cảm của trẻ.png

Trong khuôn khổ bài viết này và mục đích đưa thông tin giúp cha mẹ phân loại nhu cầu của con để chuẩn bị đồ chơi phù hợp trong gia đình, mình tóm tắt sơ bộ về đồ chơi tại nhà trong các thời kỳ nhạy cảm con như sau:

✅ 0-6 tuổi: Thời kì nhạy cảm về ngôn ngữ. Đây là thời kỳ rất quan trọng để xây dựng cho con thư viện ngôn ngữ dùng giao tiếp với nội tâm và thế giới bên ngoài. Thậm chí với kinh nghiệm làm mẹ 4 năm, cá nhân mình cho rằng đây có thể là nhu cầu cha mẹ cần lưu tâm nhất và nên tập trung phát triển nhất trong giai đoạn 0-6 tuổi. Trong khuôn khổ gia đình, giai đoạn 0-6 tuổi trẻ cần được phát triển ngôn ngữ thông qua nói chuyện thường xuyên, tạo điều kiện cho con được nói lên ý nghĩ, cảm xúc, quan điểm, thắc mắc,… Đồng thời trẻ cũng có thể hấp thu ngôn ngữ khi nghe những cuộc nói chuyện của cha mẹ với nhau.Vì vậy đồ chơi quan trọng nhất chính là việc tương tác nói chuyện với cha mẹ. Ngoài ra cha mẹ nên duy trì việc đọc sách, cho con nghe nhạc, nghe truyện,… bằng loa tắm ngôn ngữ thay. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, tivi,… vì thiếu tính tương tác 2 chiều với trẻ.

✅ 2-6 tuổi: Thời kì nhạy cảm về cảm quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác). Với nhu cầu này, bé rất thích khám phá để làm quen với sự kỳ diệu của cơ thể và khao khát nhận biết thế giới xung quanh. Vì vậy đồ chơi với bé không cần quá phức tạp hay đắt tiền, miễn là giúp con phát triển được các giác quan như: có màu sắc, âm thanh đa dạng,… Thậm chí để kích thích khứu giác, vị giác, xúc giác mẹ cần tập trung chủ yếu vào việc trải nghiệm các thực phẩm, thức ăn phù hợp trong gia đình, các món đồ trong nhà hoặc ra thiên nhiên để khám phá. Ngoài ra các hoạt động tại nhà như vẽ tranh, làm đồ thủ công, chơi đất nặn, đập khảo cổ, chơi cát động lực, gõ vào các đồ vật,… cũng là những trò chơi bố mẹ có thể nghiên cứu để giúp con đa dạng những trải nghiệm về giác quan.

.✅ 2,5-6 tuổi: Thời kì nhạy cảm về tính logic, toán họcKhởi đầu của giai đoạn này là việc trẻ em muốn đồ vật nào để ở vị trí ấy, đồ của ai là của người ấy, con đi đến nơi lạ lẫm sẽ khóc to… Đó là tính trình tự mà con đang dần học để thiết lập nên tư duy logic sau này. Các trò chơi có thể giúp con xây dựng tư duy logic và toán học là ghép hình (ghép hình phẳng hoặc ghép hình khối), lego, rubik, cờ vua,…

✅ 2,5-6 tuổi: Thời kì nhạy cảm về phát triển xã hội hóaCó thể hiểu là thời gian này con bắt đầu biết về các mối quan hệ xung quanh ngoài bản thân và gia đình. Đặc biệt giai đoạn 4-6 tuổi con thích bắt chước và đóng vai. Vì vậy những đồ chơi về nghề nghiệp như bác sĩ, người bán hàng, người nấu ăn, chú công an, anh hùng, công chúa,… là điều các bạn nhỏ rất thích. Tuy nhiên những đồ chơi này nên mua với số lượng có hạn vì có nhiều chi tiết và có sẵn ở nhiều khu vui chơi cho trẻ nhỏ.

✅ 0-6 tuổi: Thời kỳ nhạy cảm về vận động Cùng với sự phát triển về ngôn ngữ và tư duy, sự phát triển về vận động rất quan trọng đối với trẻ. Vì vậy mình thấy việc cho trẻ ra ngoài chơi, tăng cường hoạt động rất cần thiết thay vì chỉ ngồi trong nhà chơi. Hạn chế số lượng đồ chơi trong nhà và cho con ra ngoài vận động nhiều hơn không chỉ giúp con khỏe mạnh mà có thể kết hợp rất nhiều yếu tố phát triển khác như các giác quan, tính logic, thông qua những trải nghiệm ngoài trời. Tùy vào sự phát triển của trẻ, xu hướng tính cách và sở thích thì bố mẹ có thể chuẩn bị đồ chơi có tỷ trọng lớn hơn ở những sở thích, thế mạnh của con. Tuy nhiên mình nghĩ bố mẹ cần hiểu bản chất sự phát triển của trẻ để có lựa chọn mua đồ chơi cho con phù hợp. Ví dụ như ở nhà mình sẽ có rất nhiều sách và giấy vẽ, bút màu vì đây là 2 hoạt động Khủng Long ưa thích nhất. Có nhà bạn khác thì lại rất nhiều rubik và lego vì bạn ấy rất thích các hoạt động liên quan đến tư duy. Dù sao thì nhà cũng không phải là lớp học và càng không phải là khu vui chơi. Hãy tận dụng tất cả những gì có sẵn với chi phí tối thiểu để mang lại hiệu quả tối đa trong việc giáo dục trẻ, theo mình đó mới là con đường giáo dục con bền vững trong gia đình.

Nguồn tham khảo: Sách "Phương pháp giáo dục Montessri - Thời kỳ nhạy cảm của trẻ" - NXB Đại học Sư phạm


Để lại bình luận

Guest 1744080774720
0/2000