Oct 20, 2023
5 mins read
14views
5 mins read

Thần tích triển hiện: 500 quan tiền của Úy Trì Kính Đức

Vào cuối thời nhà Tùy, có một người thư sinh nghèo khó làm nghề dạy học. Cuộc sống của anh vô cùng khó khăn. Ngôi nhà lụp xụp của anh nằm sát cạnh kho bạc của quan phủ. Một lần nọ, trong lúc túng quẫn quá, chàng thư sinh đánh liều lẻn vào kho bạc. Thấy cả vạn quan tiền bày trước mắt, anh suy tính lấy trộm một ít. Nào hay đúng lúc đó, từ trong không trung xuất hiện một vị quan binh khoác bộ giáp vàng, nói: “Tiền này là của ngài Úy Trì Kính Đức. Nếu anh cần tiền, thì đến gặp ngài ấy trình bày gia cảnh rồi xin một tờ chi phiếu mang lại đây, ta sẽ để cho anh lấy tiền”.

Người thư sinh nghe vậy bèn đi khắp nơi tìm Úy Trì Kính Đức. Anh thăm hỏi khắp nơi mà vẫn không ai biết Úy Trì Kính Đức là ai.

Một ngày kia, người thư sinh đi tới một tiệm rèn. Sau khi hỏi thăm, anh biết được rằng ở đây có một người thợ tên là Úy Trì Kính Đức. Thư sinh vui mừng khôn xiết, vội vàng xin gặp. Úy Trì Kính Đức lúc ấy đang cởi trần nện búa, đầu tóc rối bù, trông không hề giống vẻ một người có tiền. Thư sinh kiên nhẫn đợi đến lúc Úy Trì Kính Đức nghỉ tay rồi mới chạy tới chào hỏi.

Úy Trì rất ngạc nhiên, hỏi anh thư sinh tại sao lại đến tìm mình. Thư sinh đáp: “Nghe danh quan nhân rất giàu có, nhà tôi túng quẫn đã lâu, muốn xin ngài 500 quan tiền cho qua cơn khốn khó, chẳng biết có được ngài đoái thương không?”. Úy Trì tưởng thư sinh hạ nhục mình nên rất tức giận nói: “Tôi là một người thợ rèn, sao lại giàu sang được chứ? Anh đang sỷ nhục tôi đó à!”. Người thư sinh vẫn khẩn khoản: “Kính lạy quan nhân, mong ngài mở lòng thương xót. Ngài chỉ cần viết cho tôi một tờ chi phiếu giao 500 quan tiền. Chuyện về sau đầu đuôi thế nào, ngài sẽ biết”.

Úy Trì chẳng biết làm sao, nhưng thấy người thư sinh van xin mà động lòng. Uý Trì bèn viết một mảnh giấy, trên đó có ghi rằng Uý Trì vào ngày này tháng này đã cho người thư sinh 500 quan tiền. Thư sinh có được mảnh giấy thì vui mừng khôn xiết. Anh hết lòng cảm ơn Úy Trì và rời đi. Úy Trì và mấy người thợ cho rằng vị thư sinh còn trẻ mà đã lú lẫn, họ không khỏi bàn tán cười nói với nhau mãi về chàng thư sinh.

Thư sinh mang mảnh giấy trở về kho bạc và giao cho quan binh áo giáp vàng. Xem xong, vị này chỉ cười rồi nói một tiếng: “Được”. Sau đó ông ta bảo người thư sinh treo tấm chi phiếu lên xà nhà, rồi ông cho phép thư sinh lấy tiền, tuy nhiên thư sinh chỉ được phép cầm 500 quan tiền đúng như mảnh giấy giao ước.

Mấy năm sau, Úy Trì Kính Đức phò tá Đường Thái Tông Lý Thế Dân lập được công lớn. Khi Uý Trì xin về quê hưởng tuổi già, hoàng đế ban thưởng cho Úy Trì một kho bạc còn nguyên niêm phong, tức là chưa từng có ai sử dụng bạc trong kho này. Thuộc hạ của Úy Trì mở kho và kiểm kê số lượng theo sổ sách ghi chép. Sau đó họ phát hiện trong kho bạc thiếu 500 quan tiền.

Khi quan binh chuẩn bị xử phạt người coi kho, đột nhiên họ phát hiện một mảnh giấy treo trên xà nhà. Úy Trì mở ra xem, hóa ra lại đúng là tờ chi phiếu mình cho tiền người thư sinh năm xưa.

Úy Trì mở mảnh giấy ra xem, hóa ra lại đúng là tờ chi phiếu năm xưa. (Ảnh minh họa: Tài sản công)

Ông vừa ngạc nhiên, vừa tán thưởng người thư sinh khi ấy dự liệu như thần. Ông liền phái người đi tìm vị thư sinh kia.

Gặp được Úy Trì, người thư sinh kể hết đầu đuôi sự việc. Úy Trì trọng thưởng người thư sinh, rồi ông đem tài vật trong kho chia tặng cho bạn bè của ông ngày trước.

Các con thấy đó, Úy Trì hoàn toàn không biết số tiền trong kho là của mình, nhưng từ lâu đã có thần linh giúp ông canh gác của cải. Nên cũng nói, cuộc đời con người giàu sang thế nào, đều đã được Trời định sẵn.

Theo Con Đường Viên Dung

Có thể bạn quan tâm:

Điều gì có thể giúp chúng ta chống lại cám dỗ của lòng tham?

Hai thanh kiếm gắn liền với hai số phận nghiệt ngã

Thế nào là Nam tử hán?