Feb 20, 2024
7 mins read
153 views
7 mins read

Lễ hội tung còn - nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc

Lễ hội tung còn - nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc

Lễ hội tung còn là một lễ hội nổi tiếng ở vùng cao Tây Bắc mỗi khi Tết đến xuân về; là trò chơi quen thuộc của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng…Lễ hội dân gian này xuất phát từ trò chơi “giao duyên” có từ lâu đời, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các khu vực miền núi phía Bắc của tổ quốc.

Bản thân tôi cũng là người dân tộc Tày nhưng không biết trò chơi tung còn xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng vào các lễ hội, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền, mọi người thường chuẩn bị sân và dụng cụ để chơi trò chơi này.

Gần đến Tết, tôi thường thấy các anh chị, cô chú chuẩn bị tre (vầu) làm cột tung còn.

Ngày hội tung Còn diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt từ sáng mồng Một tết. Con trai, con gái trong những bộ quần áo sặc sỡ như rừng xuân đơm hoa khoe sắc.

                     

          Ảnh sưu tầm trên Internet 

Sân tung còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn cột còn, ngọn cột buộc một “vòng còn” hình tròn (khung Cong) đường kính 40cm, các cô gái trang trí khung còn, một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng).

Các quả còn với nhiều múi vải màu xanh, đỏ hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.

                                    

Quả còn - Ảnh sưu tầm Internet 

Trò chơi này cũng cần có trọng tài, thường là 1 cụ già cao niên, có uy tín ở địa phương. Trước khi thi đấu, trọng tài đặt hai quả còn to nhất lên mâm và tiến hành làm lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu ngay tại bãi còn.

Trò chơi tung còn có nhiều cách chơi, nhưng hiện nay chỉ còn có hai cách chơi phổ biến nhất.

Cách thứ nhất: Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng thì chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần, đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội tung còn, các chàng trai, cô gái nên duyên vợ chồng.

Cách thứ hai: gọi là tung còn vòng, người chơi đứng ở hai bên cây tre cách tầm từ 15 đến 20m, thay nhau ném quả còn đi qua vòng tròn trên đỉnh cây tre, người đối diện sẽ bắt lấy quả còn và ném lại. Cứ như vậy trò chơi sẽ kết thúc khi có người ném qua vòng tròn đó nhiều nhất thì sẽ giành chiến thắng.

Cách chơi này dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tưởng đơn giản nhưng trò tung còn cũng đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật, phải cầm gần cuối đoạn dây vải, quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên, hướng vào vòng tròn trên đỉnh cột tre, quả còn bay trúng vào trong vòng tròn  thì lúc ấy mới được công nhận là thắng cuộc.

Ngày nay, tung còn không chỉ đơn thuần là một trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Tày, Mường,Thái mà còn đang được hướng đến là một bộ môn thể thao thi đấu mỗi dịp lễ hội, tết đến xuân về.            

Trò chơi tung còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi. Người chơi được giao lưu, kết duyên, gắn bó và  đoàn kết cộng đồng.

Người dân đang chơi tung còn - Ảnh sưu tầm trên Internet 

Giải thưởng của trò chơi đôi khi chỉ là những lời chúc, chén rượu, chiếc khăn Piêu hay đơn giản là tấm bánh, gói quà nhưng lại giúp tăng thêm tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc, góp phần làm đa dạng thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Với người Việt cổ xưa, trò chơi này thường dành cho giới nữ, con nhà quý phái, xưa kia là các Mỵ nương, con gái Lạc hầu, Lạc tướng. Đối với các dân tộc Mường, Tày, H’mông, Thái... tung còn là trò chơi hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân.

Với người Thái, trò chơi tung còn đưa tới thông điệp mong muốn âm - dương hòa hợp, cầu mong con cái trong nhà đông đúc. 

Với người Tày, trò chơi ném còn lại mang ý nghĩa cầu mùa. Trước khi khép hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam, nữ.

Còn đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau, tìm hiểu, là "bà mối” se duyên. Bên nào thua sẽ phải để lại một vật làm tin, thường người thua sẽ là các chàng trai. Sau lễ hội, chàng trai quay lại nhà cô gái để xin lại vật đã gửi làm tin, là cái cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu.

                                                           

                                                    Ảnh sưu tầm Internet 

Ngày nay với tốc độ phát triển của Internet, các trò chơi điện tử và mạng xã hội đang thu hút giới trẻ, những trò chơi dân gian dần mai một, khoảng cách giữa con người với nhau cũng lớn dần hơn.

Nếu có dịp lên miền Tây Bắc vào dịp Tết, nhất là Tết Nguyên đán, mong rằng  bạn sẽ không bỏ qua cơ hội cùng chơi tung còn với bà con các dân tộc… Qua đó, bạn sẽ cảm nhận được một trò chơi dân gian giải trí  mang màu sắc tâm linh và chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp - một nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam.

 

Minh Tâm