Dec 5, 2023
12 mins read
49views
12 mins read

Dịch AIDS ở Trung Quốc đáng sợ hơn những gì được công bố

Trước thềm “Ngày Thế giới Phòng chống AIDS” (1/12), nhiều dữ liệu và báo cáo liên quan do Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức công bố cho thấy tỷ lệ mắc bệnh AIDS tiếp tục gia tăng, đặc biệt là những người trên 60 tuổi và thanh niên từ 15 đến 24 tuổi là nhóm có tỷ lệ lây nhiễm AIDS cao. Các chuyên gia cho rằng sự lây lan thực sự của bệnh AIDS ở Trung Quốc thậm chí còn đáng sợ hơn những gì đã được công bố.

Xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Trung tâm quận Từ Hối Thượng Hải. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Tỷ lệ chẩn đoán HIV mới ở người cao tuổi Trung Quốc cao hơn ở Mỹ và Châu Âu

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục) và AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc báo cáo rằng dịch AIDS ở người cao tuổi đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Trong số 221.600 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo ở những người từ 60 tuổi trở lên từ năm 2015 đến năm 2022, số trường hợp mới được báo cáo mỗi năm tăng từ 17.451 lên 27.004. Tỷ lệ chẩn đoán mới tăng từ 9,0/100.000 dân lên 10,2/100.000 dân. Con số này cao hơn khoảng 2 lần so với ở Mỹ và cao hơn khoảng 3 lần so với ở Châu Âu.

Gần một nửa số bệnh nhân cao tuổi nhiễm HIV mới được báo cáo trong 8 năm qua đến từ Tứ Xuyên, Quảng Tây và Trùng Khánh. Tứ Xuyên có nhiều nhất, chiếm 28,5%.

Trong số người nhiễm, số nam nhiễm HIV cao gấp khoảng 3 lần số nữ; số người nhiễm có trình độ học vấn thấp, trong đó nông dân chiếm 70,4%.

Phân tích đặc điểm dịch bệnh của nông dân nhiễm HIV từ 60 tuổi trở lên từ năm 2018 đến năm 2022 cho thấy nông dân cao tuổi chiếm 71,8% số ca được báo cáo trên toàn quốc (Trung Quốc) và hơn 70% phân bố ở khu vực miền Tây. Tỷ lệ nông dân nhiễm HIV ở các huyện và khu vực của 6 tỉnh Quảng Tây, Trùng Khánh, Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam và Tây Tân Cương là 93,4%.

Các nghiên cứu trên cũng có những hạn chế. Các nhà nghiên cứu tin rằng phân tích dựa nhiều vào dữ liệu báo cáo trường hợp, chứ không phải là dữ liệu trường hợp thực tế. Chưa đến 1/5 số người cao tuổi cho biết đã chủ động tư vấn và xét nghiệm, và còn nhiều hơn được phát hiện trong quá trình xét nghiệm của các cơ sở y tế.

Tốc độ tăng HIV/AIDS ở thanh thiếu niên vượt quá 10% so với “khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng” được quốc tế nhận định

Tỷ lệ nhiễm HIV ở thanh thiếu niên ở Trung Quốc ngày càng tăng qua từng năm.

Theo một quan chức phòng chống AIDS của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, có 10.700 trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới được báo cáo ở thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi vào năm 2022. Con số này cao hơn 3 lần so với số trường hợp mắc mới trung bình hàng năm là khoảng 3.000 trường hợp trong những năm trước. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 82,5% và quan hệ tình dục khác giới bừa bãi chiếm 15,6%.

Từ năm 2010 đến 2019, đã có hơn 23.000 trường hợp mắc bệnh AIDS trong số học sinh trẻ từ 15 đến 24 tuổi ở Trung Quốc. Trong đó, đa số là nam giới, tỷ lệ lây nhiễm ở nam quan hệ tình dục đồng giới là trên 80%.

Vào tháng 11/2018, CDC tỉnh Thiểm Tây đã công bố danh sách 25 trường đại học có nhiều ca nhiễm AIDS nhất ở Thiểm Tây, đứng đầu là Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Bắc, với 19 trường hợp, trong đó có 93,7% trường hợp nhiễm bệnh là những người đồng tính nam.

Ông Ngô Tôn Hựu (Wu Zunyou), cựu quan chức CDC Trung Quốc, từng nói rằng từ năm 2011 đến năm 2015, tốc độ tăng nhiễm HIV trung bình hàng năm ở học sinh trẻ là 35%.

Giá trị này vượt xa giới hạn đỏ 10% đối với “khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất” bởi AIDS được quốc tế xác định.

Một số thanh thiếu niên nhiễm HIV vì kết bạn bất cẩn và bị cưỡng hiếp, đến quán bar hoặc nơi riêng tư với người cùng giới.

Sự lây lan của bệnh AIDS do hành vi tình dục không đúng đắn đang gia tăng nhanh chóng

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc đã gia tăng trong 20 năm qua. Điều này có nghĩa là HIV vẫn đang lây lan.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS được báo cáo đã tăng từ 1,09/100.000 người năm 2002 lên 60,21/100.000 vào năm 2018 và tiếp tục tăng lên 79,62/100.000 vào năm 2021; tỷ lệ nhiễm chuẩn hóa cũng tăng từ 62,02/100.000 người  vào năm 2018 tăng lên 85,36/100.000 người vào năm 2021.

Theo số liệu mới nhất của CDC Trung Quốc, năm 2022 Trung Quốc có 107.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới được báo cáo, trong đó tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục lên đến 97,6%, (trong đó 72,0% là lây truyền qua đường tình dục khác giới và 25,6% là lây truyền qua đường tình dục đồng tính nam giới).

Từ tháng 1 đến tháng 10/2023, trong số 3.568 trường hợp nhiễm HIV mới được báo cáo ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, lây truyền qua đường tình dục chiếm 99,55%, trong đó lây truyền qua đường tình dục đồng giới chiếm 52,76%. Thượng Hải báo cáo 1.457 trường hợp nhiễm bệnh từ tháng 1 đến tháng 11, trong đó lây truyền qua đường tình dục chiếm 97,0%, trong đó lây truyền qua đường tình dục đồng giới nam chiếm 55,8%.

AIDS không thể chữa khỏi

AIDS là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, virus HIV có thể tấn công hệ thống miễn dịch của con người và phá hủy một số lượng lớn tế bào lympho T CD4 quan trọng nhất trong hệ thống miễn dịch của con người, dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch, suy nhược cơ thể và thường xuyên sốt, cảm lạnh, tiêu chảy, v.v. Triệu chứng để lâu không thuyên giảm, dễ lây nhiễm các bệnh khác, dẫn đến bệnh ác tính.

AIDS là một trong những căn bệnh nan y có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu kiểm soát bằng thuốc hiệu quả thì có thể trì hoãn sự tiến triển của bệnh nhưng dùng thuốc lâu dài dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

HIV chủ yếu tồn tại trong máu, dịch cơ thể như tinh dịch, dịch âm đạo, sữa v.v, của bệnh nhân AIDS và không thể lây truyền qua không khí, thực phẩm, v.v.

Theo nghiên cứu, có bốn cách lây truyền HIV chính: lây truyền qua đường tình dục, truyền máu hoặc các sản phẩm máu bị nhiễm, phụ nữ nhiễm HIV truyền bệnh sang con khi cho con bú và người sử dụng ma túy làm lây nhiễm qua ống tiêm tĩnh mạch.

Báo cáo Tình trạng AIDS Toàn cầu năm 2021 của Chương trình Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS trích dẫn nghiên cứu được thực hiện ở Vương quốc Anh và Nam Phi cho biết, nguy cơ tử vong ở những người nhiễm HIV sau khi nhiễm loại vi rút corona mới cao gấp đôi so với dân số bình thường.

Nhìn chung, để phòng ngừa và điều trị bệnh AIDS, các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là phòng bệnh trước, tránh xa ma túy, quan hệ tình dục một cách đúng đắn và thiết lập lối sống sống tốt đẹp, lành mạnh.

Sự lây lan thực sự của bệnh AIDS ở Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn

Số liệu thống kê chính thức của ĐCSTQ về sự lây lan của bệnh AIDS ở người già và người trẻ cho thấy bệnh AIDS ở Trung Quốc đã lan rộng đến nhiều người dân hơn. Tại sao tình hình AIDS ở Trung Quốc lại nghiêm trọng đến vậy?

Ông Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), một chuyên gia về virus học tại Mỹ, nói với tờ Epoch Times hôm 2/12 rằng đây là hậu quả của việc quan hệ tình dục bừa bãi. Sự cai trị của ĐCSTQ đã hủy hoại niềm tin của người dân, những giá trị truyền thống nguyên thủy của xã hội Trung Quốc bị vứt bỏ, lòng người thay đổi mạnh mẽ, dễ dàng theo đuổi sự phấn khích ngay lập tức. Hơn nữa, các quan chức của ĐCSTQ chưa bao giờ quan tâm đến mạng sống của người dân, họ đã che giấu sự thật về bệnh AIDS ở Trung Quốc trong một thời gian dài, không để người dân hiểu đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh AIDS, một số người đã thành nạn nhân hoặc giết chết người khác vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Ông nhấn mạnh rằng nhiễm trùng máu là rất nghiêm trọng. Các trạm máu và những người buôn bán máu trên khắp Trung Quốc đã thông đồng vì lợi ích của họ và việc thu thập máu không theo quy định luôn tồn tại. Trước đó, nền kinh tế bán máu ở tỉnh Hà Nam đã gây ra bệnh AIDS trên diện rộng, cơ quan chức năng của ĐCSTQ đã hủy bỏ trạm máu nhưng không công bố lý do hủy bỏ. Máu thu thập được đã di chuyển đi các nơi khác. Nhiều người được truyền máu nhiễm AIDS nhưng không biết vào thời điểm đó và đã lây nhiễm cho người khác. Sự lây nhiễm và lây truyền từ việc bán máu để truyền máu đã lây lan một cách âm thầm, ảnh hưởng đến cho đến ngày nay.

Chính quyền ĐCSTQ tuyên bố rằng nhà nước thu thập và sử dụng máu thông qua các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Nếu bệnh viện sử dụng sản phẩm máu hoặc máu bị ô nhiễm, bệnh nhân có thể truy cứu trách nhiệm không?

Ông Lâm Hiểu Húc cho biết, nếu người bị nhiễm bệnh trong bệnh viện thì về cơ bản không thể truy cứu trách trách nhiệm. Bệnh AIDS không hẳn là có phản ứng ngay thời điểm đó. Một số bệnh viện yêu cầu phải ký vào bản tuyên bố từ chối trách nhiệm trước khi truyền máu. Có bao nhiêu người ở Trung Quốc hiện đang sống chung với HIV cũng là bí mật quốc gia của ĐCSTQ. Nhưng máu bị ô nhiễm đến mức các bác sĩ Trung Quốc (mà ông quen biết biết) sẽ không dùng máu đó cho người thân và bạn bè của họ.

Theo báo cáo công khai, vào năm 1995, tỉnh Hà Nam bị nhiễm AIDS rộng rãi do tham gia vào nền kinh tế bán máu, và hàng chục ngôi làng AIDS đã xuất hiện. Quốc vụ viện Trung Quốc cuối cùng đã đóng cửa các trạm huyết tương. Nhưng phải đến năm 2000, khi bệnh AIDS lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc, các quan chức ĐCSTQ mới phải thừa nhận dịch bệnh. Cho đến ngày nay, ĐCSTQ đang che đậy sự thật về vụ thảm họa máu nhiễm HIV này, và đàn áp những bác sĩ nói sự thật.

Bác sĩ Vương Thúc Bình (Wang Shuping) của tỉnh Hà Nam tính toán vào năm 1995 rằng số người nhiễm AIDS do bán máu là hơn 5 triệu, chưa kể những người được truyền máu. Thông tin chi tiết được công bố trên tạp chí Open Magazine (Tạp chí Khai phóng) số đầu tiên năm 2010.

Tiến sĩ Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie), sống lưu vong ở Mỹ và hiện cư trú ở New York, từng nói với thế giới bên ngoài lý do ông ra nước ngoài vào năm 2013, nhiều người trong và ngoài nước chỉ biết rằng bệnh AIDS tồn tại ở Hà Nam. Kỳ thực không phải vậy, trên toàn Trung Quốc còn rất nhiều người nhiễm HIV mà danh tính chưa được tiết lộ, thậm chí nạn nhân còn không biết mình bị nhiễm AIDS, họ ẩn mình trong đám đông rộng lớn và đã trở thành nguồn lây nhiễm AIDS ít được biết đến. Ngày nay, hơn 10 triệu người đã chết vì nhiễm HIV. Đã mười mấy năm trôi qua, số bệnh nhân AIDS do truyền máu xuất hiện rất đông, rải rác khắp cả nước, đông gấp 10 lần số người nhiễm do người bán máu. Bà nói rằng những con số đó không phải là cường điệu.

Số người nhiễm HIV được ĐCSTQ tiết lộ chính thức không cao: 850.000 người vào năm 2002, khoảng 1,25 triệu người vào cuối năm 2018, khoảng 1,05 triệu người vào năm 2021 và khoảng 1,045 triệu người vào tháng 1/2023. Chính quyền ĐCSTQ luôn khẳng định dịch bệnh AIDS ở Trung Quốc thấp hơn mức trung bình toàn cầu, tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong đều ở mức thấp so với thế giới.

Xin mời Quý vị xem bài viết tại đây: https://trithucvn.co/trung-quoc/dich-aids-o-trung-quoc-dang-so-hon-nhung-gi-duoc-cong-bo.html