Tôi là Ngọc Mai, giáo viên môn Toán Học. Thời gian gần đây, tôi thường xuyên nhận được tin nhắn của các vị phụ huynh học sinh về việc các con mất tập trung. Sau khi nói chuyện thì được biết, hầu hết các bé đều xem điện thoại, ti vi rất nhiều. Có nhiều bé chỉ tập trung tối đa được 15 phút. Có bé còn nặng nề hơn, sau đó sẽ ngồi im như tượng, thỉnh thoảng lại cười lên hoặc khua tay vài cái, dường như cả thế giới của con ở một nơi khác. Mọi người có thể đều hiểu nguyên nhân là do các con xem quá nhiều video trên điện thoại. Nhưng cơ chế nào đã khiến các con trở nên như vậy thì tôi chưa rõ lắm. Chính vì vậy, tôi đã tự mình dấn thân thử nghiệm xem video liên tục trong 3 ngày để tìm ra nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của vấn đề.
Sự thao túng tâm lý của các Video trên internet
Ngày đầu tiên, tôi chọn xem tất cả các video xuất hiện trên phần video của facebook. Các video này thường ngắn, đa dạng nội dung, có cả quảng cáo, có cả review phim, có trích đoạn phim nhiều thể loại: phim hài, hoạt hình, kĩ năng sống, phim ma, phim hành động, bạo lực, cảnh nóng ... Nói chung là đủ loại cung bậc cảm xúc: có vui, có buồn, có sợ hãi, có tức giận, có thăng hoa, có kích thích. Nhiều lúc, tôi cũng quên mất mình đang trong thời gian thử nghiệm mà bị cuốn đi vào các video, lướt và lướt, lướt trong vô thức, tới khi giật mình mới nhớ ra mình đang làm gì. Như vậy có thể kết luận: người lớn cũng nghiện xem video chứ không riêng gì trẻ con. Nếu các bạn cứ ngồi lì một chỗ hoặc nằm trong chăn mà lướt thì hết một ngày vẫn chưa thỏa mãn.
Tất cả các ứng dụng họ viết ra đều có mục đích giữ chân bạn ở lại thật lâu trên ứng dụng đó. Khi đó những quảng cáo xuất hiện với tần suất dày đặc nó sẽ ngấm vào tâm trí bạn, một phần nó sẽ thao túng tâm lý, khiến bạn nghĩ cái đó cần với mình, cái đó nhiều người sử dụng thì nó hữu ích với mình và mình cũng cần có nó. Vậy là cơ chế kích hoạt sự thèm muốn đã được bật lên. Với trẻ con thì sự thèm muốn này còn mãnh liệt hơn người lớn. Vì trẻ con tò mò, hiếu thắng, mong muốn sở hữu, thích được khoe với bạn, dễ bị ám ảnh và làm theo thần tượng. Khi sự thèm muốn này diễn ra nhiều ngày liên tục nó sẽ trở thành khao khát, nó ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Và khi màn đêm buông xuống thì sự nguy hiểm này tăng lên gấp bội phần.
Buổi tối của ngày đầu tiên, tôi rất khó đi vào giấc ngủ. Nhắm mắt lại là mọi hình ảnh tôi xem cả ngày cứ hiện lên lởn vởn trong đầu tôi. Nó không rõ ràng là một cái gì đó mà mỗi thứ một chút, giống như mình đứng giữa bãi rác vậy. Đủ màu sắc, vụn vặt, bẩn thỉu, loang lổ, không biết nó là gì nhưng nó khiến tôi không thể chìm vào giấc ngủ. Tôi phải ngồi dậy hít thở sâu 5 – 10 phút trong tư thế ngồi thiền, tự day bấm các huyệt để kích thích ngủ sâu. Sau đó tôi mới có thể ngủ. Nhưng tôi lại bị tỉnh giấc lúc tầm 4h sáng, tôi cố gắng ngủ lại nhưng mọi hình ảnh lại lởn vởn trong đầu tôi. Lúc đó, cảm giác thật kinh khủng. Vậy là giấc ngủ của mình đã bị cắt đầu, cắt đuôi, một giấc ngủ không trọn vẹn.
Với trẻ em thì ngủ không đủ cũng khiến các con mất tập trung, ảnh hưởng tới sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ. Việc ngủ không ngon giấc và bị ám ảnh bởi những hình ảnh xem được ban ngày có thể khiến các con loạn thần, khó kiểm soát được hành động của mình, đôi khi có những hành động mà ngay cả các con cũng không biết vì sao mình làm vậy.
Ngày thứ hai, tôi chọn chỉ xem tóm tắt một bộ phim dài tập. Đó là một bộ phim Hàn Quốc nói về bắt nạt học đường. Có rất nhiều cảnh đẹp, cảnh lãng mạn, phân đoạn tình yêu gà bông sến sến nhưng có rất nhiều cảnh bạo lực, cảnh tiêu cực uống rượu giải sầu. Buổi tối thứ hai tôi cũng cảm thấy khó ngủ, mọi thứ hiện lên trong đầu tôi rất rõ ràng, nó không loang lổ như ngày đầu tiên. Nhưng hôm nay, tôi bị cảm xúc chi phối rất nhiều. Nhắm mắt lại thì những cảnh đớn đau, khóc lóc làm tôi tự chảy nước mắt. Tôi cố gắng ngủ thì những hình ảnh bạo hành, đánh đập lại hiện lên, bất giác tôi rơi vào sợ hãi. Nhiều khi thấy mình muốn đứng lên chống trả, muốn được xông vào cuộc ẩu đả, muốn được đánh nhau cho hả dạ. Rồi những cảnh uống rượu giải sầu lại hiện lên. Nó chân thực như chính tôi đang chán đời khiến tôi có cảm giác thèm rượu.
Vậy thì sẽ nguy hiểm đến thế nào nếu con trẻ cũng phải trải qua những cảm xúc này. Chúng còn quá nhỏ, làm sao làm chủ được cảm xúc của mình. Làm sao phân biệt đâu là cảm xúc thật, đâu là cảm xúc bị phim ảnh chi phối. Và tôi đã hiểu tại sao bọn trẻ con bây giờ mới chỉ lớp 6 đã hút thuốc lá điện tử, đã quan hệ tình dục rồi bầu bí ngoài ý muốn, đã đánh bạn y như trong phim. Một phần các con cũng là nạn nhân của trò chơi thao túng cảm xúc mà thôi. Đến người lớn còn bị cuốn theo những cảm xúc đó, nó thôi thúc con người như đang trải qua ngoài đời thật thì trẻ con sẽ bị kích thích đến thế nào. Nếu các ba mẹ không tỉnh táo trong cuộc chiến thao túng tâm lý và thao túng cảm xúc này thì việc đánh mất con là quá gần. Mà ai là người thao túng? Chính là những video, hình ảnh từ điện thoại và ti vi.
Ngày thứ ba, tôi chọn 3 bộ phim: một phim cổ trang tình cảm, một phim nói về cô gái vô gia cư trở thành sinh viên đại học Harvard, một phim trinh thám đầy phân cảnh máu me và những ánh mắt của sát thủ máu lạnh mà người thủ vai là một cậu bé 6 tuổi. Tối hôm thứ ba, tôi cực kỳ khó ngủ. Nó khủng khiếp hơn 2 tối hôm trước. Tôi cố dùng ý thức ru mình ngủ nhưng không thành. Tôi niệm danh hiệu Phật, tôi hình dung gương mặt Phật trong đầu nhưng những hình ảnh từ các bộ phim cứ ùa về, làm nhòe đi hình ảnh của Phật. Tôi biết có thể mình sẽ thua trong giờ phút này. Tôi quyết định quay trở lại chiến đấu với nó chứ không trốn tránh nữa. Tôi dùng ý thức để đưa những hình ảnh đẹp đẽ trong bộ phim cổ trang hiện lên. Đó là những cánh đồng hoa, hình ảnh tuyết rơi, những cảnh giữa núi rừng hùng vĩ nhưng hình ảnh, ánh mắt cậu bé sát thủ ngay lập tức xuất hiện. Những cảnh máu me xâm chiếm toàn bộ cảnh đẹp. Tôi hít vào, thở ra và tưởng tượng phân cảnh về cô gái đã đỗ đại học để cảm xúc tích cực của mình được kích hoạt nhưng không thể. Những hình ảnh của bộ phim trinh thám đã thắng. Nó lại lởn vởn khiến tôi phải mở mắt để làm mình tỉnh táo, để định hình chuyện gì đang xảy ra. Tôi cố nhắm mắt và bắt đầu tập trung vào hơi thở, tự bấm huyệt để có thể ngủ nhưng những hình ảnh đó quá kinh khủng. Bất giác, trong vô thức tôi nằm nghiêng người và co ro trong tư thế sợ hãi. Khi tôi ý thức được là tôi vừa nằm nghiêng thì tôi biết mình vừa rơi vào trạng thái hành động theo sự chỉ đạo của cảm xúc chứ không phải theo ý của mình. Tôi bắt đầu đi ngủ lúc 22 giờ, mà hơn 23 giờ 30 tôi mới có thể ngủ. Tôi mất 90 phút để vật lộn với mớ cảm xúc hỗn độn, với những hình ảnh ám ảnh, với những nỗi sợ hãi không tên.
Sau 3 ngày thử nghiệm xem video trên FB thì tôi đã phải xóa ứng dụng FB khỏi điện thoại. Vì ngày thứ 4, tôi nhận thấy sự thèm khát được xem điện thoại đã hình thành. Mặc dù tôi mất ngủ và cảm thấy mệt nhưng phần ham muốn trong tôi như sắp lấn át ý thức bản thân, muốn cầm điện thoại lên lướt và lướt.
Vậy là đã rất rõ ràng. Bọn trẻ mắc hội chứng TIC đôi khi cứ liên tục nháy mắt, ngáp, lắc đầu, nghênh nghênh cái mặt, hoặc nhìn xa xăm vô định, tất cả đều là hành động vô thức bị chi phối theo cảm xúc và quán tính. Bọn trẻ ngồi đơ ra như tượng mà không tập trung vào công việc trước mặt đôi khi là do chúng đang bị kéo đi bởi những cảm xúc, những hình ảnh còn đọng lại trong đầu. Và rất nguy hiểm là những hình ảnh bạo lực sẽ lấn át các hình ảnh còn lại.
Còn tiếp
Ngọc Mai