Nov 27, 2023
5 mins read
51views
5 mins read

Đạo làm trò của người xưa: Một ngày làm thầy, cả đời làm cha

Cổ nhân có câu rằng: “Những bậc thánh nhân trong tam giáo, không ai không là không có thầy. Những bậc đế vương thiên cổ, không ai là không có thầy”. Con người không kính thầy là vong ân, sao có thể thành đạo? Những bậc tiên hiền thánh nhân thuở xưa đều lấy mình làm gương, chí hướng cao xa. Phong thái của họ là tấm gương cho hậu thế, khiến người đời sau noi theo và kính ngưỡng. Cũng vì thế, từ đệ tử cho tới hậu nhân đều tôn kính họ, coi sự tôn kính đó là đạo làm trò.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Tôn sư trọng đạo là một mỹ đức trong văn hoá truyền thống, là đạo làm trò, thể hiện ở rất nhiều phương diện, xuyên suốt một đời người, từ khi nhận thầy cho đến lúc lâm chung.

Vào cuối thời nhà Thương, trong những nước chư hầu có Chu Văn Vương dùng đức giáo hoá dân chúng, dùng nhân nghĩa trị quốc. Văn Vương hiểu rõ rằng muốn trị vì tốt quốc gia cần phải coi trọng người hiền tài. Ông nghe nói Khương Tử Nha đạo đức cao thượng, học thức uyên thâm, là bậc đại hiền tài lúc bấy giờ, bèn chọn ngày lành tháng tốt, trai giới, tắm rửa xông hương, vô cùng kính cẩn đích thân dẫn đoàn người tới thỉnh mời Khương Tử Nha.

Trong khi trò chuyện, Văn Vương thấy Khương Tử Nha có tấm lòng rộng lớn, có tài kinh bang tế thế, ôm chí cứu đời an dân, thì vô cùng mừng rỡ. Ông bèn thỉnh cầu Khương Tử Nha cùng lên xe về kinh thành.

Văn Vương thỉnh cầu Khương Tử Nha giữ chức thừa tướng, mời ông làm thầy của mình, thỉnh giáo Khương Tử Nha sách lược trị quốc an dân. Từ đó nhà Chu ngày càng cường thịnh. Khi sắp lâm chung, Văn Vương đã uỷ thác con trai mình là Vũ Vương cho Khương Tử Nha. Văn Vương dặn dò Vũ Vương rằng: “Cần phụng sự thừa tướng như cha, sớm tối nghe lời giáo huấn. Có thể thỉnh thừa tướng ngồi mà bái lạy ông.

Vũ Vương bèn tôn xưng Khương Tử Nha là tướng phụ, còn gọi là “Sư thượng phụ”. Khương Tử Nha không phụ sự kỳ vọng của mọi người, dốc tâm trị quốc, phò tá Vũ Vương phạt Trụ, thống nhất thiên hạ, mở ra con đường chính đạo hưng quốc cho đời sau.

Nhạc Phi, người anh hùng thời Tống, mất cha khi tuổi còn nhỏ, gia cảnh bần hàn, không có tiền đi học, nhưng ông lại vô cùng hiếu học. Ông thường nghe lén bài bên ngoài cửa sổ trường tư. Không có tiền mua giấy bút, ông bèn dùng cành cây làm bút, dùng mặt đất làm giấy. Thầy Chu Động rất thích cậu học trò chăm chỉ này, bèn nhận Nhạc Phi làm học trò miễn phí, giáo dục ông cách làm người, giúp ông xây dựng chí nguyện cao xa bảo quốc an dân, lập công dựng nghiệp. Mỗi lần dạy văn một ngày, dạy võ hai ngày. Thầy còn dạy ông tuyệt kỹ bắn tên, có thể điều khiển cung tên, trăm phát trăm trúng.

Nhạc Phi không phụ ơn thầy, khổ luyện thành tài, văn võ song toàn. Sau này ông thống lĩnh ba quân thu phục lại đất đai đã mất, nhiều lần lập được kỳ công, trở thành một đại anh hùng khiến quân Kim nghe danh mà mất mật.

Sau khi Chu Động tạ thế, Nhạc Phi mặc áo gai, đi theo linh cữu, làm tròn lễ của bậc hiếu tử, an táng thầy như lễ phụ tử. Vào ngày rằm, mồng một hàng tháng, dẫu dẫn quân chinh chiến bên ngoài, hay đóng quân nơi doanh trại ông đều bái lạy, tế tự ân sư. Sau mỗi lần khóc lóc thống thiết, ông lại cầm cung tên mà thầy tặng, bắn ba mũi tên.

Nhạc Phi nói: “Thầy dạy ta đạo lý xử thế, trung quân báo quốc, còn truyền thụ cho ta cung pháp và võ nghệ cả đời người. Ân nghĩa của thầy là điều cả đời ta không thể quên.

Người thầy chân chính truyền thụ “Tài”, “Đức”, dạy đạo lý làm người, dạy những kỹ năng và quy phạm hành vi trong cách đối nhân xử thế, giúp con người thọ ích cả một đời, vậy nên đạo làm trò phải hết mực tôn kính. Cổ huấn dạy rằng: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Người thầy như vậy, xưa nay có tìm cả đời cũng khó gặp.

Xin mời Quý vị xem bài viết tại đây: https://trithucvn.co/van-hoa/dao-lam-tro-cua-nguoi-xua-mot-ngay-lam-thay-ca-doi-lam-cha.html