Đối với thế hệ chúng tôi, lớp nhà báo lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, Hoàng Trung Thông là một nhà văn hóa lớn,một hồn thơ hòa nhịp cùng thời đại, với những câu thơ đã trở thành lẽ sống của biết bao thế hệ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. “Với Hoàng Trung Thông, điều cốt yếu là mãi mãi còn được rung động với vẻ đẹp của đời sống, của tình người và cuối cùng có thể gửi gắm vào những vần thơ”. (Nhà thơ Nguyễn Bao). Ông đã sống một cuộc đời hồn hậu, với tấm lòng trong như thế.
CÁI “GÀN” NGƯỜI NGHỆ
Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh ra trong một gia đình Nho gia tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, một trong những ngôi làng khoa bảng danh giá nhất xứ Nghệ. Bố mất năm ông lên 8 tuổi, song từ ngày nhỏ ông đã được biết đến như thần đồng về Hán học. Năm 12 tuổi, ông đỗ vào học trường Quốc học Vinh và sớm tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Minh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ông đã có những tháng ngày thanh xuân hoạt động cách mạng sôi nổi ở quê hương trong vai trò là ủy viên thường vụ Thanh niên Cứu quốc xã Quỳnh Đôi, thường vụ Thanh niên Cứu quốc huyện nhà, Chính trị viên huyện đội, thành viên trong Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc tỉnh Nghệ An.
Ông có nhiều kinh nghiệm về tổ chức quản lý, đã từng là trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Nghệ An, sau này, khi hoạt động văn nghệ, ông giữ những cương vị quan trọng như: Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam); Tổng biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, phụ trách Tạp chí Tác phẩm mới...

Từ trái sang phải: Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh và Hoàng Trung Thông
Nói về chất Nghệ của con người Hoàng Trung Thông cũng là nói về nét “gàn” thật riêng biệt. Hoàng Trung Thông về làm Viện trưởng Viện Văn học từ 1975 đến 1985. Tính ông xuề xòa, người ta ít khi thấy vị viện trưởng đạo mạo nghiên cứu tài liệu trong văn phòng mà thường thấy ông thân mật làm việc, chuyện trò rôm rả tại các phòng chuyên môn. Với nét đôn hậu, ông chăm lo đời sống cho anh chị em trong Viện như người nhà. Viện không có xe, chỉ một bài thơ gửi lên cho nhà thơ Tố Hữu, một thời gian ngắn sau, Viện Văn học đã được nhận chiếc xe Lada láng bóng. Thế nhưng, mặc dầu có chế độ xe riêng, hàng ngày, nhà thơ Hoàng Trung Thông vẫn chậm rãi đi bộ từ phố Ngô Quyền đến trụ sở và ngược lại. GS Nguyễn Huệ Chi, trong bài “Đi tìm con người Hoàng Trung Thông” đã kể lại câu chuyện về cái tết năm 1984. Khí đó, “Bạn Nguyễn Hữu Sơn được cử về Hà Nam Ninh tìm một con lợn với giá phải chăng do một Hợp tác xã nhượng lại. Lợn được bỏ lên xe Lada chở về trong sự hân hoan chờ đón của mọi người. Khi xe chở lợn về đến nơi, anh em mở cửa ra, có vài người nói to lên: “Kính chào thủ trưởng lợn. Xin mời thủ trưởng xuống để chúng em còn đi đón thủ trưởng Thông”. Chuyện đến bây giờ kể lại thì như chuyện trạng, để thấy không khí bình đẳng, dân chủ mà vị Viện trưởng đã tạo ra và quý hơn một tấm lòng thanh cao, không vụ lợi.
Năm 1980, Nhà nước có chủ trương phong học hàm Giáo sư cho các chuyên gia nghiên cứu ở các Viện. Cả Viện Văn học nhất trí bầu cho ông, thế nhưng, Hoàng Trung Thông lại từ chối vinh dự đó một cách nhẹ bẫng: “Tôi là nhà thơ. Thế đủ rồi. Còn giáo sư gì nữa”. Cả một đời ông, sống thanh bạch, nghèo khổ, hầu như chỉ dựa vào đồng lương, vậy mà ông vẫn day dứt, áy náy vì mức lương của mình cao hơn quá nhiều so với mức lương của các Trưởng ban chuyên môn, trong khi trách nhiệm của các Trưởng ban là rất nặng.
Con trai út của ông, Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh đã trải qua thời gian lao động kiếm sống như một công nhân thực thụ, bốc gạch bằng chính bàn tay trần không bảo hộ. Lúc đó, với cương vị là Viện trưởng Viện Văn học, Hoàng Trung Thông đã có thể giúp đỡ con, nhưng ông đã không làm thế. Khí tiết người Nghệ, tấm lòng trong sáng của một người đứng đầu ngành văn học, đã giữ nếp sống thanh cao ấy đến những phút giây cuối cùng. “Nếu tôi chết/ Đắp điếm ngôi mộ tôi/ Và anh hay chị sẽ viết/ Giữ lòng trong suốt đời”. Đó cũng là một lý tưởng sống của những kẻ sỹ xứ Nghệ, bần hàn nhưng thanh thản, không tục lụy bất kỳ ai, một đời giữ nhân cách như cây tùng, cây bách giữa trời.
NHÀ VĂN HÓA UYÊN BÁC
Mang cốt cách người Nghệ, là sự chăm chỉ, hay lam hay làm, nhà thơ Hoàng Trung Thông luôn tìm tòi, học hỏi, nâng cao kiến văn. Ông biết thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung, và sau này, ông còn tự học thêm tiếng Nga. Ông là dịch giả uy tín, đã giới thiệu và dịch các tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng: Puskin, Maiacôpki, Đỗ Phủ, Lục Du, Hainơ… Ngay cả khi đã có vị trí cao trong giới văn nghệ, ông vẫn cần mẫn dịch thuật hàng ngày. Đó có thể là một cách để tiếp cận với nguồn tri thức đồ sộ của thế giới, nhưng đó cũng có thể là sự đồng điệu của những trái tim, vượt qua giới hạn của đường biên, cột mốc. Trên quảng trường Maiacôpxki, ông đã đứng giữa mưa phùn gió rét, mà bước chân lưu luyến chẳng thể rời đi. Bởi ở đó, có “Một trái tim cộng sản thiết tha/ Một trái tim ứ mọng thơ ca/”Yêu vĩ đại/ Căm thù vĩ đại”. Hay khi đến với Trung Quốc, qua mộ Bạch Cư Dị “Khúc Trường hận trong lòng tôi vẫn hát/ Tiếc con tàu thời đại phải đi xa”.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (hàng sau, thứ 2, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1951 - Ảnh tư liệu
Có người đã ví, chỉ riêng nhà thơ Hoàng Trung Thông đã là một Viện. Ở ông, không chỉ là kiến văn uyên bác, sâu sắc, mà còn có sự nhạy cảm, tinh tế của một tâm hồn thơ, bởi vậy bên cạnh 9 tập thơ, ông còn sở hữu 3 tập lý luận phê bình: Chặng đường mới của văn học chúng ta (1961), Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (1979), Những người thân, những người bạn. Ông viết về những tác giả lớn của văn học Việt Nam với những chi tiết thật mới mẻ, vừa cụ thể vừa bao quát. Bởi các nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Ngô Tất Tố, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư…, các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng…. cũng là những người thầy, những người bạn, đã từng đồng hành cùng ông trong cuộc sống, ông thấu hiểu tâm sự, tính cách của từng người. Thế nên, mới có những dòng viết về Nam Cao: “Nam Cao là người rất tỉnh. Nhưng cũng có lúc Nam Cao say. Ai đã từng uống rượu với Nam Cao thì mới biết hết tấm lòng của anh. Khi rượu bốc lên, anh cũng chửi văng mạng như Chí Phèo. Lúc đó, có lẽ mới thật là Nam Cao. Nhưng lúc đó, Nam Cao hóa Chí Phèo hay Chí Phèo hóa Nam Cao?”. Một cách nhìn tinh tế, thâm trầm về bạn, mà rồi cùng, lại vận vào chính cuộc đời Hoàng Trung Thông, khi những năm cuối đời, ông la đà trong những cơn say rượu một cách khó lý giải. GS Đặng Thai Mai đã nhận xét rất đúng về ông: “Đồng chí Hoàng trung Thông không những có bản lĩnh của một nhà thơ, một nhà phê bình mà còn có bản lĩnh của một nhà nghiên cứu văn học… & còn là một cán bộ của Đảng làm công tác văn học, nghệ thuật đã nhiều năm…”( Cuộc họp bàn giao giữa đồng chí Đặng Thai Mai & đồng chí Hoàng Trung Thông .Tạp chí Văn học, số 3/1976, tr154). Nhà thơ Huy Cận cũng đã viết về ông với nét khái quát, cô đọng: “Thông nghệ sĩ tài hoa, Thông uyên bác, Thông trữ tình, Thông tinh chất xứ Nghệ.”
CON NGƯỜI THƠ HOÀNG TRUNG THÔNG
Là nhà thơ tiêu biểu trong dòng thơ cách mạng, cả một đời ông hiến dâng cho Đảng, cho cách mạng, với những câu thơ là vũ khí, phản ánh khí thế của đoàn quân ra trận, của tấm lòng những người mẹ hậu phương… Những câu thơ trong tập “Quê hương chiến đấu”, “Đường chúng ta đi”, “Những cánh buồm”… đã vẽ nên một bức tranh chân thực ở làng quê những ngày “Căm thù vót sắc/ Căm thù khắc sâu/ Người trước ngã, có người sau/ Chỉ một con đường/ Cách mạng”. Đó là làng quê oằn trong nỗi đau của những trận càn, còn vương vấn khói bom, thuốc súng, của những quán hàng lạnh lẽo, vọng tiếng khóc trẻ thơ, thế mà từ những hầm ngầm, chiến lũy giao thông “Những bóng người du kích hiện lên/ Người dân cày địch hậu ngày đêm/ Cầm giáo mác/ Giữ gìn xóm mạc”.
Như nhà thơ Vũ Quần Phương đã nói: “Thơ Hoàng Trung Thông mang những thuộc tính của đất: Chắc bền, bình dị và có sức nuôi người". Những câu thơ theo thể tự do phóng khoáng nhưng mang sức nặng của trái tim yêu nước, trăn trở vì hạnh phúc của những người cần lao. Bởi thế chủ thể trong thơ Hoàng Trung Thông luôn là những con người thật bình dị. Đó là người mẹ chiến sĩ, là các anh giải phóng quân, là anh chủ nhiệm… Họ hiện lên trong lấp láp gian truân nhưng tỏa rạng bởi lòng nhân ái, khát vọng được cống hiến cho đất nước. Cho nên những câu thơ ngắn trong bài “Bao giờ trở lại” được nhiều thế hệ thuộc lòng, đọc đi đọc lại không biết chán. Tâm hồn đôn hậu của nhà thơ đã mở lòng đón lấy luồng gió của thời đại, và phản chiếu trong những câu thơ dung dị, đời thường. “Các anh đi/ Bao giờ trở lại/ Xóm làng tôi/ Trai gái vẫn chờ mong”…
Bên cạnh con người say sưa lý tưởng, trong thơ Hoàng Trung Thông còn là nét lãng mạn đầy hào hoa, với những bức tranh chấm phá giàu sức gợi. Năm 1962, nhà thơ Hoàng Trung Thông có dịp lên Trùng Khánh (Cao Bằng) trong dịp đầu xuân. Và bài thơ Chợ Cô Sầu đã ra đời với những câu thơ đầy xao xuyến:
Chợ Cô Sầu
Lất phất mưa bay
Đừng sợ đường trơn anh dắt tay
Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế
Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say.
Những áng thơ có thể sánh ngang với những câu thơ hay nhất của thơ Mới, vừa đẹp, nét đẹp trong trẻo, đầy lãng mạn, vừa chuyển tải một tình yêu nồng nàn, say sưa của tác giả với non nước và con người vùng đất Cao Bằng. Theo những bước chân, phong cảnh quê hương chợt hiện ra, như thực mà như ảo. Trên hồ Ba Bể, nhà thơ có lúc giật mình “Phải ta vượt khỏi nơi trần thế/ Tới giữa mông lung, giữa diệu kỳ”, và những câu thơ vút lên, chớp lại một bức tranh tuyệt đẹp cho văn học Việt Nam:
“Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba-bể
Trên cả mây trời trên núi xanh
Mây trắng bồng bềnh trôi lặng lẽ
Mái chèo khua bóng núi rung rinh.
…
Thuyền ta quanh quất trên Ba-bể
Đỏ ối vườn cam, thắm bãi ngô
…Một lần đã tới, ôi Ba-bề
Muốn ở đây thôi chẳng muốn về”.
Trong con người bình dị ấy, ẩn chứa những nét phóng khoáng, bay bổng đến bất ngờ. Một tiếng sáo của chú bé mục đồng mà cả ký ức tuổi thơ trong ông sống dậy; một tiếng đàn đêm khuya trên đỉnh Lũng Cú cũng gợi nên cả một bức tranh mê hoặc về vùng cao:
“Từng tiếng đàn rơi nghe ngân vang
Như tiếng vó ngựa trên dốc đá
Như tiếng chày ai buông nhặt khoan
Như dòng suối nhỏ reo tý tách
Như dải mây trời đi lang thang”.
Tâm hồn thi sĩ ấy, lạ thay lại ít viết về tình yêu. Hoàng Trung Thông được biết đến là thi sĩ chung thủy nhất của văn đàn cả nước. Ngoài tình yêu với vợ - bà Hồ Thị Hoa, có lẽ trong ông còn có sự biết ơn dành cho một tấm lòng thảo hiền, tận tụy với chồng con. Bà chiều ông, cả đến thói quen uống rượu. Biết là có hại cho sức khỏe, biết cơ thể ông có nhiều bệnh, thế mà ở nhà, bà chăm lo, ngâm hãm nhiều loại rượu quý. Những lần ông uống rượu say ở Trúc viên thi quán, bóng dáng nho nhỏ, xiêu xiêu ấy lại đến khẽ khàng, rất khẽ khàng: Mình ơi, về ăn cơm.
Hoàng Trung Thông một đời sống với sự nghiệp văn chương, định hướng con đường văn học của cả nước trong những giai đoạn quạn trọng. Mọi gánh nặng về áo cơm trong đời sống hàng ngày dồn lên trên đôi vai gầy của bà Hồ Thị Hoa. Ngoài làm việc ở Sở Y tế Hà Nội, bà còn nhận làm thêm mấy nơi để lấy tiền trang trải cuộc sống cho 5 người con, và gom góp mua rượu, chuẩn bị chút đồ nhắm khi có bạn bè đến viếng thăm. Tấm lòng với vợ được ông viết lên đầy trang trọng:
Cả một đời anh chỉ một người
Yêu anh rất mực, giận rồi cười
Bạn bè, con cái em săn sóc
Chỉ nói thương em, dạ chẳng rời

Vợ chồng nhà thơ Hoàng Trung Thông - Hồ Thị Hoa năm 1970
Cuộc tình ấy đến với cuộc đời ông cũng thật hữu duyên. Số là ngày đấy, Hoàng Trung Thông vốn là con trai tú tài Hoàng Trung Quát, là người nổi tiếng thần đồng Hán học. Còn bà Hồ Thị Hoa cũng sinh ra trong gia đình danh giá của làng Quỳnh Đôi: cháu ngoại quan Thượng Thư, cháu nội ông quan nghè, có tiếng nhan sắc và nữ công gia chánh trong vùng. Hai gia đình hứa gả, và đám cưới đã diễn ra đúng vào năm cách mạng tháng Tám thành công, có mặt quan viên hai họ, nhưng vắng mặt chú rể đang đi học xa. Chỉ một năm sau, khi tốt nghiệp trường Quốc học Vinh, chàng trai mới bất ngờ khi hay tin, mình đã có vợ. Đêm tân hôn, lần đầu tiên gặp mặt, chú rể hỏi cô dâu: “Đằng ấy năm nay bao nhiêu tuổi?/ Em tròn 16 / Tui tưởng đằng nớ phải nhiều tuổi lắm rồi, vì lúc trước, cha mẹ toàn dạm cho tui các đám hơn tui vài ba tuổi, để lo liệu việc nhà…” Cuộc hôn nhân đã bắt đầu như thế. Ông trời xe tơ để hai tâm hồn đó được gặp gỡ, chia sẻ và nương tựa vào nhau, cùng đồng hành trên con đường khó khăn nhưng hạnh phúc.
TỈNH TRONG NHỮNG CƠN SAY
Nói về mình, Hoàng Trung Thông đã từng hóm hỉnh trích câu nói của người bạn thơ: "Chế Lan Viên chưa bao giờ khen thơ tôi mà khi viết thường nói thơ tôi phải say hơn nữa. Tôi cố uống rượu để cho say mà thơ tôi vẫn tỉnh như mọi người đều nói". Tập thơ cuối Mời trăng có lẽ đúng hơn cả với lời tự sự đó.
Tập thơ chủ yếu được ông viết ở Trúc viên thi quán (41, Trần Hưng Đạo), và được in trong sự đùm bọc, giúp đỡ của bạn bè. Tập thơ đã hé lộ một con người khác của Hoàng Trung Thông với những nỗi buồn ẩn sâu, chua chát: Tôi muốn uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có lúc và có khúc”. Chắc nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao một nhà thơ được cả nước biết tên, có những tác phẩm đóng đinh trong lòng người nhiều thế hệ, từng giữ những vị trí quản lý quan trọng trên văn đàn mà thẳm sâu trong tâm hồn vẫn chất chứa nỗi buồn không thể sẻ chia, bày tỏ?
Con trai út của ông, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đã từng kể rằng: Những năm trước khi ông bệnh nặng, ông thường đạp xe ra ga tàu uống rượu sáng. Bởi ở đó có người đợi tàu nên người ta mới bán rượu từ sáng sớm, và cũng ở đó, dù sáng sớm nhưng vẫn đông vui. Có lần, nhà thơ Phạm Tiến Duật gặp ông đi bộ từ lúc sáng sớm, hỏi đi đâu, thì ông bảo: Đi uống! “Lâu rồi mình không được say. Uống rượu lúc ăn rồi thì mất nhiều tiền lắm mới say được. Hôm nay đi uống khi trong bụng không có gì”. Nghe thật chua xót. Rượu chẳng qua là cây cầu mượn tạm để ông say, để ông quên đi nỗi đau lớn trong lòng, mà lúc tỉnh vẫn làm ông nhức buốt. Có lần, GS Nguyễn Huệ Chi đến nhà chơi, dựa vào mối thân tình đã gắt lên với ông, nhưng anh con trai út Phượng Vỹ đã ghé vào tai nhà nghiên cứu mà nói nhỏ: “Chú ơi, để cho bố cháu say như thế cũng là một chút hạnh phúc của bố cháu”
Là một người thiết tha yêu lý tưởng, sống và phụng sự cho Tổ quốc, hơn ai hết, ông là người luôn xung kích trong các chủ trương, đường lối. Thế nhưng, có những chuyện đã khiến ông đau lòng. Khi còn là Tổng biên tập báo Văn nghệ, nghe người ta kể lại, đâu như năm 1968, khi phải hạ bút ký duyệt bài “đánh” lại Tùy bút Tình rừng của Nguyễn Tuân, ông đã ứa nước mắt. Những trớ trêu, dị mọ của đời sống đã làm trái tim thi sĩ nhỏ máu. Trong bài Mời trăng, ông viết: “Một mình ta mời trăng, mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm”. Cái tôi cô đơn hiện lên trong thơ ngạo nghễ, đắng chát. Nhớ tới xa xăm, mời bạn đó mà chỉ còn ta với ta. Có người nói, thời gian này ông rơi vào ảo vọng: “Ngày lại ngày/ ta tỉnh/ hay/ ta say/ Ta nhìn mặt trời/ tưởng là mặt trăng/ mặt trời chói lọi/ sao mây mờ giăng/ và ta tự hỏi/ làm gì được chăng?” (Ngày). Tưởng là ảo vọng, nhưng vẫn là cái tôi đầy kiêu hãnh của một nhà thơ, dường như có phần bế tắc trong cuộc sống. Một câu hỏi tưởng như trong cơn say, để thấy rằng nhà thơ đang tỉnh hơn bao giờ, biết mình đang ở đâu, và biết chẳng thể làm gì trước thời cuộc. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã lý giải nỗi sầu muộn đó như thế này: “Trong khi buộc phải có những quyết định mà mình không mong muốn, con người nghệ sĩ vẫn thức dậy. Thức dậy trong đau đớn. Thức dậy không đủ để thay đổi tình hình. Nhưng dẫu sao cũng đã thức tỉnh, để chứng tỏ là lương tâm vẫn còn trong mình”. (Báo Văn nghệ số Tết Kỷ Sửu 2009)

Tập thơ Mời trăng xuất bản năm 1992 thì tới năm 1993, Hoàng Trung Thông qua đời. Trong nhiều bài thơ, ông đã dự cảm điều đó và đón nhận với một nét thanh thản, khi hòa vào nhịp thở của thiên nhiên: “Hãy im/ Hãy im/ Cây hòe nhé/ Thổi mát cho hồn ta/ Để ngày mai ta không còn được ngồi/ Dưới gốc hòe/ Nghe tiếng ve” (Dưới gốc hòe). Và ông không quên dành một tình yêu sâu nặng cho người vợ tào khang, như một lời chuộc lỗi. Trong dự cảm cách xa, trong tình yêu vẫn tròn trịa trong trái tim, người nghệ sĩ vẫn thản nhiên khi nhìn trước quy luật cuộc sống: “Em ơi/ Ta sống với nhau suốt đời/ Đến chết/ Nhưng không chết đâu/ Khi đã yêu nhau/ Khi tình yêu gắn chặt/ Và sự sống là có vui có đau”.
Chị Bích Hà, con gái nhà thơ đã kể lại: cuối đời, khi đổ bệnh, đêm đêm ông lại ngồi thì thầm trò chuyện với mấy pho tượng Đỗ Phủ, Lục Du, Lỗ Tấn… Những pho tượng bằng sứ như lắng nghe những lời thầm thĩ đó. “Có khi ông ngồi bó gối, lặng yên như tảng đá. Có lúc ông ngâm thơ Đỗ Phủ, Lục Du. Rồi ông ôm mặt khóc” (Người say trong tỉnh, tỉnh trong say, Vũ Tử Trang).
Cuối cùng thì ông đã hóa giải mọi nỗi đau, về với miền mây trắng, để lại một nhân cách cao cả của một trái tim ưu lo với thời cuộc. Hoàng Trung Thông không chỉ tạc lên dòng thời gian chân dung một nhà thơ tiêu biểu trong dòng thơ cách mạng, một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, uyên bác mà còn để lại trong lòng bè bạn một tấm lòng thủy chung, đôn hậu, chân chất nét thôn quê dân dã của xứ Nghệ yêu thương.
Thủy Chi