Đời là đâu? Đạo là đâu? Đạo không phải chỉ nơi chùa, thất, thánh đường, am tự, hoặc nhà thờ; còn đời không phải chỉ ở nơi quan trường, doanh thương sản nghiệp. Đạo và đời ấy đều có và cũng tại chính nơi con người.
- Sức mạnh của thơ ca - 4 cách giúp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc và trí sáng tạo
- Bí mật sức khoẻ và trường thọ qua tần số năng lượng
- Bị bệnh có nhất thiết phải dùng thuốc? "Làm sạch mạch và máu"
Đời đạo song tu
Đời hay đạo đều do tâm con người mà hiển thị, khi giao tiếp với ngoại cảnh thì là đời, còn lúc quay trở vào nội tâm lại là đạo. Đời - Đạo vẫn một không hai, và cõi vô hình hữu hình cũng như thế, mọi việc đều do một cái tâm.
Đời - Đạo có thể được xem như hai trạng thái có liên hệ mật thiết với nhau trong một thực thể thống nhất. Đời có thể hình dung như thế giới vật chất hữu hình sinh động bên ngoài, còn Đạo lại bao hàm cảnh giới tinh thần vô hình trầm mặc bên trong nội thể con người. Tuy nhiên, dù là vật chất hay tinh thần đều không độc lập tách rời nhau, nhưng lại nhịp nhàng tương hỗ qua lại.
Vật chất hữu hình tại thế gian,
Để làm phương tiện giúp muôn vàn;
Tinh thần lẽ sống trong tim óc,
Đời đạo song song mới vững vàng.
Do đó, sự hòa hợp giữa đạo và đời mang ý nghĩa rất quan trọng. Đạo và đời cần song hành với nhau theo một tỷ lệ quân bình cân đối. Nếu cán cân thăng bằng giữa đạo và đời bị chênh lệch, tất yếu sẽ mang đến sự bất trắc không tránh khỏi.
Đời - Đạo không phải là hai phạm trù riêng biệt, mà nó tương quan, tương hệ với nhau. Nếu xét đến khía cạnh con người thì dẫu là đời hay đạo cũng vẫn chính là con người. Nếu xét đến khía cạnh tâm linh thì đạo hay đời cũng không ngoài nội tâm.
Đời là thể xác, Đạo linh hồn,
Thể xác tượng hình bậc Thế Tôn;
Đạo ấy là hồn linh bất diệt,
Đạo đời xa cách khó sinh tồn.
Chính vì thế, con người có thể thực hành cùng một lúc đời đạo song tu.
Nương đời hành đạo là đường lối của thế nhân, đem đạo cứu đời là bổn phận người sanh nơi cõi thế. Đời đạo song song sử dụng mới tìm đến mục đích chánh đạo.
Khi người đời thực hành bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội, quốc gia; tưởng chừng như việc làm này chỉ là thuần túy công việc của thế gian, không có liên hệ gì với đạo lý cả. Tuy nhiên, những việc làm trong bổn phận làm người này lại không ngoài đạo lý. Đó cũng chính là bổn phận không chỉ của người đời mà cả người tín hữu tôn giáo.
Khi làm mọi việc trong bổn phận đối với gia đình, quốc gia, xã hội cho trọn vẹn, đó là đạo, là đời người trong kiếp người hiện tại. Ngoài ra còn biết tìm phương cách tạo mọi điều kiện giúp đỡ người đời hiểu được, làm được mọi điều lương thiện trong cuộc sống cho có nhân có nghĩa, có hiếu có đễ, có lễ nghĩa liêm sỉ trung tín, đó là đạo rồi.
Nói xa hơn nữa là con người sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi cõi đời này cho xứng đáng là con người, linh hồn sẽ sang thế giới tốt lành của Thần Phật sau khi rời bỏ nhục thể. Hiểu như vậy thì đừng ai nghĩ rằng khi đã vào đạo rồi bỏ phế tất cả việc đời, hoặc khi còn làm ăn sinh sống trong đời thường, lại nói rằng mình chưa tới thời kỳ phải vào nẻo đạo, để chờ đến khi thu xếp ổn thoả việc gia đình thế sự cho an sẽ vào đạo tu trì. Nếu nghĩ như thế là sai ý đạo vậy.
Đời Đạo song tu được thể hiện rất sinh động qua các hoạt động của con người từ việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống cho đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc theo luân thường đạo lý.
Ai lại không sống, không ăn, không mặc, không ở? Ai lại không có gia đình kế tự? Nhưng sự ăn mặc, ở và xây dựng gia đình theo nếp sống hiền lương đạo đức thanh cao trong sạch, lúc bấy giờ người đời là đạo, đời đạo đi đôi, nào có phân tách hai phương cách biệt.
Khi thực hiện được như vậy thì đâu còn phân biệt ranh giới giữa đời và đạo. Đạo lý hòa quyện trong mọi sinh hoạt trần thế, lúc ấy đời cũng chính là đạo. Vì thế, người tín hữu đâu cần phải xuất gia, nhập thất mới tu hành được; khi người đời thực hành đạo lý trong giao tiếp đối nhân xử thế thì cũng không khác với người tu. Đó chính là đời đạo song tu vậy.
Đạo cứu đời, đạo và đời song hành mới không té ngã
Tu Đạo nghĩa là sống biết sửa sai, sửa quấy những lỗi lầm, biết ngăn chặn không làm những điều ác, biết xa lìa mọi cám dỗ vật chất thế gian, biết tiết độ trong ăn uống ngủ nghỉ, biết giảm thiểu ức chế dục vọng đối với đời sống, biết tu mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, biết giữ chánh niệm để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.
Lấy cuộc sống đạo của những bậc chân tu đem so sánh với cuộc sống người thế gian, bên nào khổ, bên nào thoát khổ? Khi đã so sánh như vậy ta mới thấy đời sống con người thật khổ, khổ như thật, đời sống xuất gia tu hành phóng khoáng như hư không, không gì trói buộc được, không gì làm động đến tâm họ được.
Chúng ta mới lớn lên chưa lập gia đình, đời còn tươi đẹp giống như một giấc mơ, ăn rồi đi học, chẳng lo nghĩ gì hết, đói no có cha mẹ lo. Đến khi lớn lên một chút, biết ham muốn, biết xài tiền, biết ăn chơi vui đùa, chưa biết khổ là gì nên thường rủ rê bạn bè uống rượu, cờ bạc rồi đánh nhau, hoặc đua xe gắn máy, gây tai nạn giao thông, gãy chân, gãy tay, có khi mất mạng, bây giờ mới thấy khổ nhưng cái khổ đó có thấm vào đâu.
Đến khi lập gia đình, chừng đó mới thấy cái khổ của đời sống con người: vợ con, tiền bạc, nhà cửa và những vật dụng tiêu thụ hàng ngày.
Khi cha mẹ còn sống, có thiếu hụt cái gì thì ông bà giúp đỡ cho, đến khi cha mẹ mất, chẳng còn ai giúp đỡ, tự mình phải lo lấy cuộc sống của mình, trên vai chất gánh nặng phải lo toan đủ thứ, thế mà chồng/vợ con cái đâu biết, nên đâu phải lúc nào cũng ngọt ngào với mình. Vợ/chồng con cũng phải có những tư tưởng riêng, lối sống ưa thích riêng do những đặc trưng riêng biệt, mình cũng vậy, cho nên sống với nhau đâu phải lúc nào cũng hợp nhau được.
Do sự khác biệt đó nên trong nhà thường có sự lục đục, rầy rà trái ý nhau, làm cho tâm mình bất toại nguyện, phiền não, đâu phải sung sướng gì. Nếu không nhẫn nhục, tùy thuận với nhau thì gia đình là một địa ngục tại trần gian.
Càng tư duy suy nghĩ, ta càng thấy đời sống khổ đau, quá khổ, không có gì là hạnh phúc nhưng nó lại trói buộc chặt hơn bất cứ một thứ gì. Chẳng hạn, đang sống chung với nhau có một người chết, thử hỏi những người còn sống có buồn khổ không? Chắc chắn không ai là không đau khổ. Hai vợ chồng ngồi trong mâm cơm vừa ăn vừa nói chuyện hàng xóm, rốt cuộc gây gổ nhau thì thử hỏi có vui sướng gì không? Thấy thế, đời sống có vui sướng gì?
Hai vợ chồng sống chung với nhau không tiền không bạc, vợ thì ham muốn cái này cái kia, do đó vợ chồng cãi cọ, hờn giận nhau, thế mới biết đời khổ, khổ mọi điều, nhưng ở đời người ta đâu biết, đâu thấy cái khổ đó, người ta chỉ thấy cái ảo ảnh bề ngoài tưởng là hạnh phúc như đôi vợ chồng trẻ ngồi trên chiếc xe hơi bóng loáng, hoặc trên chiếc xe Honda, hình ảnh này thật là hạnh phúc nhưng lòng dạ họ đang khổ nào ai biết.
Một người nghèo nói: “Tôi nghèo không có cơm ăn áo mặc, tôi quá khổ”, nhưng người giàu có lại nói: “Tôi có tiền có bạc, tôi lại còn khổ hơn nữa, tôi ngủ không yên sợ trộm cắp”, đó là mọi thứ khổ đau phiền não của cuộc đời.
Đời là đau khổ, đạo là giải thoát; đời thì ôm vào tất cả, đạo thì buông ra chẳng còn một vật. Nếu không có Đạo chỉ đường vạch lối giải thoát cho con người thì con người đi tìm hạnh phúc trong ảo tưởng, đó chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi.
Đạo đời, đời đạo có đâu xa,
Ma Phật, Phật ma cũng bởi ta;
Đời đạo song tu theo thánh thiện,
Lựa gì cát ái hoặc ly gia.
Con người có trách nhiệm chu toàn các bổn phận đối với gia đình, xã hội, quốc gia, dân tộc. Tuy đây hoàn toàn là những nghĩa vụ đối với đời, nhưng lại là khuôn khổ của đạo lý. Mặt khác, người tín hữu tôn giáo có trách nhiệm truyền bá giáo lý để ứng dụng vào cuộc đời nhằm xây dựng cõi thiên đàng nơi trần thế. Đó chính là sứ mạng nhân sinh của tôn giáo.
Bởi lẽ, suy cho cùng, cứu cánh của tôn giáo không chỉ nhắm vào tâm linh siêu việt, mà trước tiên và gần nhất là nhằm hoá giải những nỗi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là đời đạo song tu vậy.
Một đời đạo đức là đời lý tưởng. Một cuộc đời đáng sống khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở vào nội tâm thì trau dồi đạo hạnh, tu đức, tu công, mưu cầu lợi ích chúng dân, xây dựng nếp sống hiệp hòa trong thiên hạ.
Mỹ Mỹ biên tập
(Tham khảo Nguồn)