Thuận theo sự biến hóa của thiên tượng, mỗi một triều đại đều phát sinh rất nhiều biến cố lịch sử. Thời cổ đại, việc quan sát thiên tượng mà biết được biến hóa tương lai, gọi là Tinh tượng học hay Chiêm tinh học.
Các nền văn minh sớm nhất được ghi chép lại trong lịch sử nhân loại như văn minh Babylon, Hy Lạp, Ấn Độ, Ai Cập, Nubi, Iran, Trung Hoa và Maya đều có nhắc tới các phương pháp quan sát bầu trời đêm. Việc quan sát này gọi là Thiên văn học, và bao hàm nhiều phương pháp phong phú như thuật đo sao, thiên văn hàng hải, thiên văn quan sát, làm lịch…
Cũng theo sử sách ghi chép lại, việc suy đoán số mệnh dựa trên độ sáng, vị trí của sao chiếu mệnh, cùng các hiện tượng xảy ra trên bầu trời (trong vũ trụ) đã ra đời và có lịch sử hàng nghìn năm. Chiêm tinh học phương Tây hay Tinh tượng học phương Đông đều có sự tương đồng, và xuất hiện cùng thời điểm với các khoa học tiền sử như Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Chu Dịch, Bát Quái.
Dụng cụ xem thiên văn của phương Đông thời xưa. (Ảnh: Thomas Child, 1841 – 1898, Wellcome Images, Wikipedia, CC BY 4.0)
Trong lý niệm của cổ nhân, Trời và người là có thể cảm ứng, tác động qua lại lẫn nhau, gọi là “Thiên nhân cảm ứng”, “Thiên nhân hợp nhất”. Từ đó, con người có thể dựa vào sự biến hóa của thiên tượng mà đoán biết trước được những sự việc xảy ra trong nhân thế.
Con người hành xử thuận Đạo Trời thì Trời liền hiện ra những điều may mắn, cát tường. Khi ấy, mưa thuận gió hòa, mùa màng sẽ bội thu và đất nước thái bình, người dân sống an định. Trái lại, con người làm ra những việc nghịch Đạo Trời, phạm phải việc xấu, thì Trời sẽ giáng xuống những điềm xấu, những hiện tượng kỳ dị. Khi ấy, thời tiết sẽ khô cằn, hạn hán hoặc lũ lụt, thiên tai, đất nước xảy ra binh biến, người dân sống trong loạn lạc. Vậy nên các triều đại xưa kia đều rất coi trọng việc quan sát Thiên tượng.
Thời cổ đại, triều đình thiết lập Ti thiên giám, Thái sử lệnh, Khâm thiên giám để chuyên môn làm nhiệm vụ quan sát Thiên tượng, đoán trước điều cát hung sắp xảy ra. Không những thế, mỗi lần Trời giáng dị tượng xuống nhân gian, Hoàng đế sẽ tự xem xét lại bản thân mình. Khi tìm ra những lỗi lầm của bản thân, Hoàng đế lập tức phải quy chính lại hành vi của mình để mong tai họa không giáng xuống nhân gian.
Những người có học vấn thời cổ đại đều nghiên cứu về Chu dịch, Tinh tượng học… nên rất hiểu biết về đoán mệnh. Có nhiều học giả rất tinh thông về việc quan sát Thiên tượng như Trương Hành, Thẩm Quát, Quách Thủ Kính. Cũng có không ít học giả viết sách trình bày và phân tích về quan sát Thiên tượng, nổi tiếng là nhà sử học thời Tây Hán, Tư Mã Thiên với cuốn “Thiên quan thư”. Ngoài ra, cũng có rất nhiều nhà quân sự nổi tiếng thông qua quan sát Thiên tượng mà đoán trước được sự thay đổi trong thiên hạ như Trương Lương thời nhà Hán, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc và Lưu Cơ thời nhà Minh…
Trong lịch sử, cũng có nhiều nhà dự ngôn nổi tiếng đã lưu lại rất nhiều những dự ngôn tiên đoán tương lai như “Thôi bối đồ” của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang, “Thiêu bính ca” của Lưu Bá Ôn. Những việc lớn của thế gian xảy ra sau khi họ qua đời đều rất chuẩn xác với những tiên đoán trong dự ngôn. Sở dĩ họ có thể dự đoán trước được là bởi vì họ tinh thông Tinh tượng học, Dịch học, thông qua thiên tượng, lịch số mà thôi đoán và suy diễn tương lai. Ngay ở Đại Việt cũng có Nguyễn Bỉnh Khiêm, nổi tiếng với Sấm Trạng Trình.
Trong lịch sử cũng có những ghi chép rất chi tiết về sự tương hợp của Thiên tượng và các sự kiện xảy ra tại nhân gian.
Buổi tối ngày 29 tháng 5, năm Khai Nguyên thứ 2, triều Đường, có ngôi sao băng lớn giống như cái hũ to, lại có cái lớn như cái chậu, xuyên qua sao Bắc Đẩu, rồi đều rơi xuống hướng Tây Bắc. Có rất nhiều những ngôi sao nhỏ cũng rơi xuống theo, toàn bộ các ngôi sao trên bầu trời đều chớp động, đến khi trời sáng mới dừng hẳn lại. Tháng 7 năm đó, Tương Vương chết, sau khi chết được đặt danh hiệu “Thương Đế”. Tháng 10 dân tộc Thổ Phiên tiến vào Lũng Hữu, cướp đoạt dê ngựa, vô số người chết và thương vong.
Tháng 6 năm đó, gió lớn khiến cây đại thụ và nhà cửa đều bị gió cuốn đổ, cây cối trên đường phố ở Trường An, thì cứ 10 cây lại có 7-8 cây bật cả gốc rễ. Ngay cả cây hòe mà tướng đứng đầu nhà Tùy là Cao Dĩnh trồng khi thành Trường An mới kiến thiết, có lẽ đã được hơn trăm năm cũng bị nhổ bật lên. Toàn bộ cây trúc ở núi Chung Nam khai hoa kết hạt phủ kín cả vùng sơn cốc, trông giống như những hạt lúa mạch.
Năm đó nhà Đường xảy ra mất mùa, những cây trúc cũng đều khô héo mà chết. Tương Khải thời Hậu Hán từng nói: “Khi những cây trúc trong cả nước đều khô héo, không quá ba năm, người chủ đất nước sẽ chết. Cây trúc của nhà ai kết trái mà chết khô, người gia trưởng sẽ chết.” Hết thảy những cây trúc trên núi Chung Nam nở hoa rồi khô héo và chết, quả nhiên năm Khai Nguyên thứ tư, Thái Thượng Hoàng của triều Đường băng hà.
Trong những năm Nghi Phụng của triều Đường, trên bầu trời có trường tinh chiếm cả nửa trời, xuất hiện ở phía đông, hơn 30 ngày mới mất hẳn. Bắt đầu từ lúc đó liền có dân tộc Thổ Phiên nổi dậy, dân tộc Hung Nô tạo phản, Từ Kính Nghiệp làm loạn, Bạch Thiết Dư phản nghịch, Bác Dự gây rối, dân tộc Khiết Đan vượt qua Doanh phủ, dân tộc Đột Quyết phá bỏ danh giới… Tổng cộng chết hơn một trăm vạn người, chiến tranh kéo dài suốt 30 năm không dứt.
Ngoài triều đại nhà Đường, sự biến hóa của thiên tượng dẫn đến biến hóa ở thế gian con người còn xuất hiện vào triều nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Những hiện tượng này đều được các nhà Tinh tượng học bấy giờ ghi chép lại. Thuận theo sự biến hóa của thiên tượng, mỗi một triều đại đều phát sinh rất nhiều biến cố lịch sử.
Cổ nhân thực sự có thể quan sát thiên tượng mà biết trước được biến cố ở nhân gian. Đây vừa là trí tuệ, vừa thể hiện sự kính ngưỡng Trời, Đất, Thần linh, bởi vì “người đang làm, Trời đang nhìn”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Kính mời Quý vị xem bài viết tại đây: https://trithucvn2.net/van-hoa/tri-hue-cua-co-nhan-nhin-thien-tuong-biet-bien-hoa-tuong-lai-o-nhan-gian.html