Làng Nguyệt Áng (Thanh Trì, Hà Nội) có 11 người đỗ tiến sĩ, trong đó có một Trạng nguyên và một Thám hoa, ngoài ra còn có 30 người đỗ cử nhân, nhiều người làm quan to trong Triều, vì thế nơi đây từng được gọi là “đất Trạng”.
Cổng vào làng Nguyệt Áng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)
Nguyệt Ánh là nơi vùng chiêm trũng, người dân chủ yếu làm nông, nhưng người dân ở đây có tinh thần hiếu học rất cao. Người đỗ khai khoa cho làng là Nguyễn Danh Thọ, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1631, làm quan đến chức Bồi tụng (chỉ sau Tham tụng tức Tể tướng).
Anh em Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh
Người đỗ Trạng nguyên của làng là Nguyễn Quốc Trinh, đây là vị Trạng nguyên biết chữ muộn nhất. Sinh ra trong gia đình nghèo khó lại mất cả cha lẫn mẹ, Quốc Trinh cùng em mình phải ở nhà anh rể.
Cuộc sống nghèo khó nên đến 17 tuổi Quốc Trinh vẫn chưa đi học và chưa biết mặt chữ. Nguyễn Quốc Trinh liền rủ em là Nguyễn Đình Trụ cùng tìm thầy quyết học chữ. Là người sáng dạ nên Nguyễn Quốc Trinh học rất nhanh.
Khoa thi năm 1656, anh em Nguyễn Quốc Trinh và Nguyễn Đình Trụ cùng đến Kinh thành dự kỳ thi Hội. Khi làm bài thì có phần Nguyễn Quốc Trinh quên mất không làm được, em trai ở lều thi bên cạnh định đọc nhắc cho anh, nhưng Quốc Trinh nói rằng: “Từ xưa đến nay chưa có người nào đi xin chữ mà có thể tranh Trạng nguyên”.
Kết quả người em Nguyễn Đình Trụ đỗ đầu kỳ thi Hội và bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Nguyên Quốc Trinh không qua được kỳ thi Hội nhưng vẫn vui vẻ chúc mừng em mình.
Nguyễn Đình Trụ làm bài Ứng chế đỗ đầu tức tiến sĩ do khoa thi này không lấy Trạng nguyên. Nguyễn Đình Trụ đỗ đạt vinh quy bái tổ về làng.
Nguyễn Quốc Trinh không hề nản chí mà vẫn chuyên cần đèn sách. Khoa thi tiếp theo năm 1659, ông xuất sắc vượt trên các sĩ tử khác và đỗ đầu tức Trạng nguyên, vinh quy bái tổ trong niềm vui vô bờ của gia đình và dân làng.
Nguyễn Quốc Trinh làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lại, rồi được thăng làm Bồi tụng (chỉ sau Tể tướng). Ông là người được chúa Trịnh Tạc tin tưởng, nhưng cũng là người dám nói những điều phải trái của Chúa khiến triều thần kính phục.
Lúc này quyền lực Đàng Ngoài thật sự là của chúa Trịnh, vua Lê chỉ là hư vị. Chúa Trịnh Tạc muốn biết lòng người có phục hay không nên sai người làm một đài ở Thăng Long đặt tên là đài Thu Thiên.
Tương truyền khi đài Thu Thiên đang được xây, Chúa cùng các quan đại thần cùng đến xem. Nhìn quy mô bề thế của Đài, chúa quay lại hỏi các đại thần xem thấy thế nào.
Nào ngờ Quốc Trinh nói rằng: “Khải chúa thượng, việc xây đài dựng cột, làm thế nào chẳng được, nhưng như thế này khiến lòng thiên hạ không vui đâu”. Chúa giận tái mặt hỏi lại: “Thiên hạ trăm nghìn người, mỗi người một ý, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng?”. Nguyễn Quốc Trinh bình thản đáp: “Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ”.
Chúa không nói gì, liền về cung. Tối hôm đó trờ nổi mưa gió dữ dội, sét đánh gãy mấy cột đài. Chúa cho rằng đó là điềm gở, không cho dựng tiếp nữa.
Văn chỉ của làng
Làng Nguyệt Áng không chỉ nổi danh là “đất Trạng”, làng còn có hệ thống Văn chỉ tương đối quy mô và bài bản. Văn chỉ được dựng trên bãi đất bằng phẳng bên cạnh Đình làng, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.
Văn chỉ làng do Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh lập năm 1667, hiện vẫn còn 2 tấm bia ghi lại tên tuổi những người đã đỗ đạt của làng. Trong bia ghi rõ Nguyễn Danh Thọ là người đỗ khai khoa của làng, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1631, sau đó là đến Nguyễn Đình Trụ.
Văn chỉ làng Nguyệt ghi danh các vị tiến sĩ. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)
Bia “Khôi nguyên huân nghiệp” hai mặt, ghi việc học hành và đỗ đạt của ba vị: Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Xuân Đài.
Bên trong Văn chỉ có đắp câu đối:
Đức trọng như sơn, cao ngưỡng Thái Sơn vĩnh thọ
Danh tôn tại quốc, trường lưu trượng quốc hành tiên.
Tạm dịch:
Đức nặng như núi, ngẩng trông Thái Sơn cao với bền mãi
Danh tôn trong nước, mãi lưu danh tiếng bậc tiên.
Trần Hưng
Kính mời Quý vị xem bài viết tại đây: https://trithucvn.co/van-hoa/lang-nguyet-ang-xua-kia-noi-danh-la-dat-trang.html