May 23, 2024
4 mins read
42 views
4 mins read

Món quà quê của bà đong đầy ký ức tuổi thơ

Món quà quê của bà đong đầy ký ức tuổi thơ

Quê tôi thuộc vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, nơi có dãy Nham Biền với 99 ngọn núi trải dài, gánh hai giải bạc Nhật Đức và Nguyệt Đức là dòng sông Thương thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang và dòng sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nơi đây được ví như vùng đất “Phượng hoàng bay” với nhiều làng nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. 

Còn nhớ lúc bé thơ, mỗi lần bà đi chợ về, bao giờ cũng có quà cho lũ trẻ chúng tôi. Bà tôi hay mua bánh đa. Bánh được xâu lại bằng sợi lạt tre, treo tòng teng trên đầu đòn gánh. Từ xa nhìn thấy bóng dáng bà, lũ trẻ đã chạy ùa tới, háo hức ríu ran gỡ chùm bánh khỏi đầu đòn gánh, mắt lấp lánh niềm vui con trẻ. Bao giờ cũng vậy, chị lớn sẽ bẻ cái bánh đa làm đôi, bẻ một miếng phần giữa bánh, phần này bao giờ cũng giòn và thơm nhất vì nhiều lạc và vừng để chia cho các em trước. Cắn miếng bánh giòn tan, nhai cồm cộp, mắt trẻ lung linh, mắt bà yêu thương âu yếm. Vị thơm, giòn của bánh, vị bùi, béo ngậy của lạc và vừng đã thành ký ức tuổi thơ trong tôi. Sau này đi muôn nơi, có nhiều dịp thưởng thức nhiều loại bánh đa, bánh tráng nhưng không đâu có được vị bùi, béo và giòn thơm như bánh đa quê tôi.

Bánh đa Kế quê tôi nức tiếng vùng Kinh Bắc. Đây là sản phẩm của làng nghề Dĩnh Kế thuộc ngoại ô thành phố Bắc Giang, là nghề thủ công truyền thống có từ 300 năm trước. Nếu ai có dịp đi dọc quốc lộ 1A, đến địa phận làng Dĩnh Kế, sẽ thấy cảnh các bà, các cô ngồi quạt và bán bánh. Từng chồng bánh cao ngất được để trong những túi nilon sạch sẽ dọc quốc lộ, chờ khách ghé mua. 

Bánh đa Kế đậm đà vị quê miền Kinh Bắc
Ảnh sưu tầm từ Internet

Bánh đa nướng là món ăn có ở nhiều vùng miền, và nguyên liệu thường là chỉ là bột gạo, nhưng bánh quê tôi ngoài bột gạo ra còn có cơm trắng để nguộc, khoai lang nghiền. Gạo được chọn kỹ và ngâm, sau đó vớt ra cho thêm cơm vào trộn đều với muối và được bóp thật nhuyễn. Khi tráng bánh, bao giờ cũng tráng hai lớp bột, lạc và vừng rắc đều và kín một mặt bánh ở lớp bánh sau cùng. Bánh bao giờ cũng to và dày, được phơi ngoài nắng cho khô. Nắng không được gắt quá, cũng không được nhạt quá, khi bánh đã khô phải được đưa vào bóng râm trước khi mang cất. Khâu nướng bánh, nhìn thì đơn giản, nhưng đây lại là khâu khó, quyết định đến độ ngon của bánh. Bánh phải được nướng trên than hoa, lửa vừa phải, chậu than đỏ rực nhưng không được để có lửa ngọn. Các cô, các bà ngồi quạt bánh, bao giờ cũng một tay cầm quạt nan, một tay cầm bánh. 

Bánh gặp lửa hồng, phồng lên và dần chuyển vàng ruộm, reo tí tách tí tách. Bánh phải được lật qua lật lại hai mặt trên bếp than liên tục, cứ vài lần lật là lại bẻ miếng bánh, sao cho không bị cong vênh. Cứ như vậy, các bà các cô quạt bánh lần lượt từ từ ngoài vào trong, chiếc bánh cứ phồng dần và ngả màu vàng suộm, mặt bánh lác đác nốt phồng nhỏ nhỏ do bột nở khi gặp lửa già. Nhớ khi xưa, mỗi khi ăn, tôi rất thích cắn vào những nốt phồng của bánh, cảm giác giòn rụm vô cùng thích thú. 

Món quà quê treo đầu đòn gánh dân dã, mộc mạc của bà đã đi vào ký ức tuổi thơ, thành kỷ niệm, thành nỗi nhớ quê hương mang theo suốt cuộc đời của tôi. Ngày nay, cuộc sống đủ đầy hơn, đám trẻ cũng có nhiều thứ để ăn hơn vì vậy không có được cảm giác háo hức mong chờ quà như thế hệ trước. Mỗi lần nhớ bà, nhớ quê, tôi lại nhớ miếng bánh đa giòn tan, mặn mà quê tôi. 

Ngày nay, món bánh đa Kế đã trở thành món ẩm thực truyền thống tinh hoa vùng Bắc Bộ, được bảo hộ thương hiệu, được đóng gói ghi nhãn, được giới thiệu muôn nơi…nhưng với tôi, mãi vẫn chỉ là món quà quê bình dị, mong ngóng mỗi phiên chợ, là hành trang quê hương có nỗi nhớ bà, nhớ mẹ tôi mang theo suốt cuộc đời. 

                                      Thiện Thiện