May 16, 2024
4 mins read
134 views
4 mins read

Bữa cơm chiều mùa gặt nồng ấm tình thân trong ký ức

Bữa cơm chiều mùa gặt nồng ấm tình thân trong ký ức

Dù đã đi qua nửa đời người, nhưng mỗi khi chiều buông, bắt gặp hoàng hôn nhạt phía Tây, lòng tôi lại bâng khuâng, man mác nhớ những bữa cơm chiều hè nơi quê ngoại.

Nhà tôi ở thành phố, cứ đến hè, khi được nghỉ học, tôi lại được về quê ngoại. Quê ngoại tôi là vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ, một năm hai vụ mùa. Mùa hè luôn gắn liền với vụ mùa gặt, bữa cơm chiều lúc nào cũng nồng nàn mùi rơm rạ không thể nào nguôi trong ký ức.

Mặt trời bắt đầu trốn sau rặng tre, vơi đi cái nóng bức tháng 6 “rám trái bòng” oi ả, người lớn đi gặt lúa về tấp vào vại nước, xối vội chân tay lấm bùn rồi ngả nón ngồi đầu hè chờ dọn cơm chiều, ăn xong còn đập lúa. Tôi luôn được giao việc trải chiếu ra thềm. Tấm chiếu cói bạc màu nhưng sạch sẽ và mát rượi, được trải rộng trên hiên nhà hóng ngọn gió mát từ dòng Thương thổi lên. Ngày ấy không có điện, cũng không có quạt máy như bây giờ, vì nhà ở ven đê nên chiều đến là gió trời lồng lộng, đưa hơi nước mát từ dòng sông, làm vơi đi cái nóng bức và nhọc nhằn của người nông dân sau một ngày vất vả. 

Bác dâu cả bưng mâm cơm lên, mọi người háo hức ngồi xung quanh sau khi ông ngoại đã ngồi trước. Lũ trẻ con chúng tôi ríu rít ngồi kế bên ông. Vị trí ngồi dường như cũng được ngầm sắp xếp. Ông lúc nào cũng ngồi vị trí chính giữa, bà và bác dâu ngồi đầu nồi. Cơm được nấu bếp rơm, bằng nồi gang to, đặt trong cái rế tre, trên nắp nồi gác đôi đũa cả to, bằng cật tre già vàng óng dùng để xới cơm. Bà và bác dâu cả ngồi đầu nồi, có nhiệm vụ xới cơm. Bát cơm đầu bao giờ cũng bới xung quanh nồi, để gạt phần cơm không xuê và hơi nát. Bác dâu tôi xới cơm, lúc nào cũng dành phần này cho mình. Sau đó mới lấy đũa cả, xới tơi nồi cơm, mùi gạo mới tỏa hương, dường như càng kích thích cái bụng đói của lũ trẻ. 

Chúng tôi, bọn trẻ, mỗi đứa một cái bát, lần lượt đưa ra để bác xới cơm. Mâm cơm bằng đồng vàng xỉn, giữa là bát canh cua nấu rau đay, mùng tơi xanh thẫm. Đĩa cà muối nén của bà được cắt nhỏ, trần qua nước sôi, vắt ráo, thêm chút lá chanh. Đĩa tôm rang đỏ rực bên cạnh niêu cá diếc kho tương được bà vùi bếp rơm từ trưa. Bao giờ cũng vậy, sau khi cơm đã được đơm một lượt, đứa bé nhất là tôi lần lượt mời: “Con mời ông bà, hai bác, các anh các chị ăn cơm ạ !”, rồi tiếp đó là các anh chị mời ông bà, bố mẹ ăn cơm. Đợi lũ trẻ mời xong một lượt, ông mới giục cả nhà “ăn đi các con, ăn dấn còn làm”, nói rồi ông gắp cá lần lượt cho từng đứa, tôi là đứa bé nhất, lúc nào cũng được ông gắp cho miếng ngon và đầu tiên. Cả nhà bắt đầu ăn. Người lớn vừa ăn vừa bàn luận về vụ mùa, lũ trẻ vừa ăn vừa ghếch mặt lên nghe chuyện, mắt lấp lánh. Và lúc nào ông cũng bảo tôi “ ăn nhiều vào còn chóng nhớn đi gặt lúa cho ông !”. 

Bữa cơm trong ráng chiều nhuộm đỏ, mùi thơm của giạ lúa mới cắt quện với mùi thơm của gạo mới cứ theo tôi mãi những năm tháng xa quê hương sau này. Đến nỗi, khi đặt chân tới nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc, bỗng bắt gặp ráng chiều ở đâu là bữa cơm mùa gặt thân thương ngày ấy lại ùa về trong tâm trí, nhớ không khí gia đình đầm ấm, nhớ dáng vẻ hiền từ nhân hậu của bà khi nhắc chúng tôi ăn cá cẩn thận nhằn xương kẻo hóc thì khổ, nhớ ánh mắt chan chứa yêu thương của ông khi giục lũ trẻ ăn nhiều cho chóng lớn; nhớ khuôn mặt nâu sạm, trầm ngâm của bác cả khi vừa ăn vừa tính toán vụ mùa, nhớ ánh mắt bảo bọc, chăm lo của bác dâu khi xới cơm cho lũ trẻ…Ôi tuổi thơ tôi với bữa cơm chiều quê ngoại yêu thương!

Thiện Thiện