Ông hàng xóm: Cháu nhìn kìa, những vì sao xếp thành hình Ông Thần Nông, chỗ kia là vịt trời đó.
Tôi thích thú, tò mò: Dạ vâng, cháu nhìn thấy rồi ạ. Đẹp quá ạ.
Một đêm mùa hè, ngước nhìn lên bầu trời đêm đầy sao, xung quanh tiếng ếch nhái kêu ồm ộp, thi thoảng có làn gió nhẹ lướt góp vui. Ôi…cái cảm giác tĩnh mịch thân quen đã từ rất lâu rồi, đưa tôi trở về với những ngày xưa ấy. Thoáng chốc, chợt giai điệu bài hát “Ngày xưa ơi” của tác giả Trần Nguyên Hạnh ngân vang trong tâm trí:
Ngày xưa với cánh diều chao hững hờ, vi vút sau rặng tre.
Ngày xưa có cánh cò bay la đà, chập chờn theo đồng lúa.
…
Ai lớn lên rồi cũng phải đi xa, và làng quê cũng dần được thay thế bằng những điều mới mẻ cùng guồng quay mải miết bận rộn làm người lớn.
Tuổi thơ như áng mây, rồi sẽ mãi bay về cuối trời…
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi ? Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Ngày xưa ấy gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi, với làng quê yêu dấu, nơi ấy có những người bạn thuở hàn vi cùng lớn lên bên nhau và những người hàng xóm yêu thương.
Nhà tôi tọa lạc ở ngã ba chợ, trước cửa nhà là một hồ sen thơm ngát. Bố mẹ tôi không làm ruộng mà mở cửa hàng buôn bán. Nhà tôi là trung tâm của mọi cuộc vui, đặc biệt là chỗ chơi của trẻ em trong các xóm.
Làm trẻ con thích thật, suốt ngày chỉ ăn với chơi. Chả có lo toan muộn phiền gì hết. Vui buồn hồn nhiên. Những trưa hè nắng chang chang không ngủ, tôi cùng lũ trẻ trong xóm rủ nhau đi lấy đất sét ở bờ ao gần nhà để nặn pháo lang pháo nổ. Tôi chẳng bao giờ thắng được trò này cả. Có nhiều anh chị rất khéo tay, nặn được rất nhiều thứ xinh xinh như trái cây, xe ô tô hay những vật dụng trong nhà. Thi thoảng có bạn bất ngờ cho nổ một quả pháo rất to, khiến mọi người giật mình nhưng chỉ nhìn nhau rồi cười khúc khích khoái chí.
Tuổi thơ tôi không thể thiếu sự hiện diện của những người hàng xóm chân chất thật thà, tốt bụng. Cứ đến mùa gặt tôi lại theo gia đình bà hàng xóm cạnh nhà, ra đồng để bắt con muồng muỗng về ăn. Tuổi nhỏ việc nhỏ, tôi sẽ giúp bà đẩy xe lúa. Đến mùa cấy, bố cho tôi theo chân một bác trong họ, tập cấy hái để sau này còn biết.
Còn nhớ, thời xưa ấy không phải nhà ai cũng có tivi, cả người lớn trẻ em lo ăn cơm sớm để tụ tập ở nhà tôi xem phim. Nổi tiếng lúc bấy giờ là phim xứ Trung, Hoàn Châu Cách Cách và Tây Du Ký. Không khí vừa xem phim vừa bình luận thật vui. Có lúc chúng tôi bị hút vào thế giới thần tiên với những phép thuật biến hoá vi diệu của Tôn Ngộ Không, có lúc khóc sướt mướt vì thương xót cho cô Hạ Tử Vi hiền lành tốt bụng, bị Dung Ma Ma tra tấn.
Mỗi dịp làng quê bị cắt điện, lại là cơ hội cho mọi người trong xóm gần nhau hơn. Trải chiếu ở đầu hè hay ngoài sân, các bà các cô ngồi nói chuyện rôm rả, phe phẩy quạt nan. Lũ trẻ chúng tôi tụ tập chơi trốn tìm, chơi ném non. Có nhóm trẻ tụm lại nghe những cụ già kể chuyện cổ tích, có khi hỏi vu vơ về những điều bí ẩn trong vũ trụ.
Tôi rất thích hội làng ở quê, hội diễn ra trong 3 ngày để rước các vị Thần làng đoàn tụ. Những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hoá truyền thống như đập niêu, đu quay, hát quan họ, kéo co được diễn ra ở sân vận động làng, luôn hấp dẫn các em nhỏ và cả người lớn.
Kỷ niệm sẽ là thứ duy nhất, đi theo chúng ta cả cuộc đời dài. Sống lại hồi ức lên trang giấy về những người bạn thời thơ ấu thật tuyệt.
Tôi hay theo bạn cùng lớp đi móc cua. Tôi và bạn chia nhau mỗi người một bên của bờ ruộng. Có lúc hai người thò tay vào hang thông nhau mà ngỡ vừa sờ phải con rắn. Khi ấy, hai đứa lại ngẩng đầu nhìn nhau cười toe toét, khuôn mặt thì đỏ ửng đang ròng ròng mồ hôi vì nắng nóng. Có lúc thò tay vào một hang mà có mấy con cua liền cũng khiến chúng tôi vui sướng.
Tôi có cô bạn thân nhà nghèo, đồ ăn nhà bạn toàn là những thứ đi kiếm được từ đồng ruộng nhưng nó rất ngon. Hương vị đồng quê dân dã mà ngon hơn cả mâm cao cỗ đầy. Tôi thích món cà muối xổi, rau má muối, món rau lang xào bỗng rượu, quả sung chấm mắm tép, cá rô kho tương.
Những mùi hương luôn có khả năng khơi gợi ký ức diệu kỳ. Suốt những năm tháng tuổi thơ tôi, nhớ mùi khói bếp, mùi rơm rạ bám vào quần áo, bám cả vào bước chân mỗi chúng tôi tới trường. Nhớ con đường đến trường đi qua cánh đồng xanh ngát, con đường của những ngây ngô học trò và những ước mơ thánh thiện.
Tôi yêu quê tôi, yêu làng quê ấy. Yêu từng con đường làng ngoằn ngoèo đầy bùn đất, yêu cây đa cổ thụ, giếng nước sân đình. Tôi yêu những cụ già, yêu trẻ thơ. Giờ đây, mỗi khi về quê, tôi gặp lại dân làng. Một cái nắm tay, một nụ cười, một lời chào, một lời hỏi han cũng cảm thấy thân thương.
Tình làng nghĩa xóm nơi thôn quê chân thành mộc mạc đầy ấm áp . Nó cũng dạy cho tôi hiểu về lòng yêu thương, khoan dung, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn.
Mỗi khi nhà ai có việc gì là hàng xóm xúm lại giúp đỡ. Hồi ấy, nhà tôi đang xây dở thì không may bị sập. Tôi là người chứng kiến toàn bộ căn nhà từ từ đổ ập xuống. Tôi hoảng hốt và không nghĩ được gì. Cả làng đều nghe thấy tiếng chấn động mạnh lắm, họ cứ ngỡ động đất. Lúc ấy, bố mẹ tôi lặng người đi, thất thần và không nói gì. Bao nhiêu tiền bạc công sức bỏ ra nay đổ xuống sông xuống bể hết, còn chưa biết có thương tích gì không. Một nỗi buồn xen lẫn chưa hết bàng hoàng bao trùm xóm chợ nhỏ trong cảnh hoàng hôn buông, càng khiến lòng người nặng trĩu. Bà con lối xóm nháo nhác đi tìm con, tìm cháu, ai cũng rất lo lắng. Nhưng rất may, mặc dù ở ngay mặt đường nhưng không ai bị thiệt mạng và thương tích gì trong ngôi nhà sập.
Cảm động lắm, họ hàng, người thân và bà con hàng xóm đến rất đông, họ an ủi động viên, căn dặn bố mẹ tôi phải hết sức bình tĩnh, còn người là còn tất cả. Thế rồi, người cho vay tiền, người góp công sức, chả mấy chốc mọi thứ đâu vào đấy. Ngôi nhà 2 tầng được xây dựng lại kiên cố, chắc chắn.
Tôi may mắn có được đặc quyền của một đứa trẻ được ăn, được ngủ, được học hành của những hồn nhiên đúng tuổi.
Tôi nhận ra giá trị của tình cảm gia đình và láng giềng góp phần bồi đắp tâm hồn một con người nhân hậu. Đứa trẻ được ôm ấp bằng tình thương thì khi lớn lên, dù có vấp ngã cũng sẽ luôn hướng về thiện lương.
Và tất cả được vun vén, nâng niu từ sự tri ân. Bài học lớn nhất của cuộc sống chính là lòng biết ơn, sự trân trọng. Trân quý sinh mạng chính mình, trân quý người khác, trân quý mảnh đất mình sinh ra, khung cảnh xinh đẹp mình đang được ngắm nhìn và cả con đường mình đi, nguồn nước mình uống, bữa ăn mình có, mái nhà mình ở.
Bích Diệp