Apr 3, 2024
4 mins read
121views
4 mins read

Sức khỏe cảm xúc - Thần dược của cuộc sống

Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, ngọt ngào theo cách chúng ta muốn. Nó giống như một bản nhạc lúc trầm lúc bổng. Đã không ít lần cuộc sống cho bạn niềm vui, hạnh phúc nhưng nó cũng từng lấy đi của bạn những giọt nước mắt, khổ đau. 

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, tôi và bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, từ áp lực cơm áo gạo tiền, gánh vác kinh tế gia đình rồi đến căng thẳng trong các mối quan hệ hay mâu thuẫn trong công việc và cuộc sống. Quả thật, rất mệt mỏi nhưng chúng ta cần phải đối diện để giải quyết những thứ không mấy dễ chịu này.

agency young adult profession stressed black
Nguồn ảnh: freepik

Khả năng chúng ta đương đầu với những áp lực ấy được gọi là sức khỏe cảm xúc. 

Tuy nhiên, có phải chúng ta có sức khỏe cảm xúc tốt có nghĩa là chúng ta sẽ vui cả ngày?

Không hẳn vậy. 

Theo familydoctor.org, những người khỏe mạnh về mặt cảm xúc là những người kiểm soát được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình. Đối diện với thử thách cuộc sống, họ có thể nhìn nhận vấn đề một cách chín chắn và hợp lý. Tức là bạn nhận thức được cảm xúc của mình dù là tích cực hay tiêu cực, là rất phấn khích hay căng thẳng, tức giận hoặc buồn bã và giải quyết được chúng. 

Những người có sức khỏe cảm xúc lành mạnh tôi thường nhìn thấy ở họ sự điềm đạm, ôn hòa, có một cảm giác bình yên, dễ chịu khi ở bên cạnh họ. Năng lượng mà họ tỏa ra giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực trong tôi.

Nhiều người bạn nói với tôi rằng họ rất nóng tính, họ có thể nổi giận bất cứ khi nào ai đó gây ra mâu thuẫn với họ. Họ bảo rằng đó là bản tính vậy rồi không thay đổi được. 

Theo quan điểm của tôi, con người  hoàn toàn có thể làm chủ được cảm xúc của mình bằng cách luyện tập. Luyện tập theo cách dừng lại, nhìn ra cảm xúc của mình, nhìn ra nguyên nhân của mâu thuẫn đó, trước hết từ phía bản thân mình. 

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy sức khỏe cảm xúc là một kỹ năng. Kỹ năng thì chắc chắn có thể học được. 

Bạn có thể nghĩ làm thế nào để dừng lại khi mâu thuẫn đến?

Vậy đầu tiên, bạn hãy tự hỏi bản thân có muốn cải thiện sức khỏe cảm xúc của mình không? 

Nếu câu trả lời là “tôi thấy khó” thì cánh cửa cho sự thay đổi chưa thể mở ra được. 

Khi bạn thực sự muốn thay đổi thì sự nóng nảy ấy, nó đã bắt đầu sợ bạn rồi. Hãy nghĩ trong đầu mình cần phải bình tĩnh mỗi khi có việc xảy đến. Lần sau bạn vẫn nóng nảy như thế, bạn lại tiếp tục căn dặn bản thân lần sau vẫn cần phải bình tĩnh. Nhiều lần, nhiều lần không quên dặn mình như vậy thì sẽ đến một lúc bạn thực sự không còn nổi đóa lên nữa và tự thấy tâm trí mình tĩnh lặng, sáng suốt để nhìn ra bản chất của mọi vấn đề. Kỹ năng thực ra chính là sự luyện tập nhiều lần mà có. 

Vậy còn với những vấn đề căng thẳng hay áp lực cuộc sống khác thì sao?

Bạn cứ thử luyện tập để có thể dừng lại trước mọi sự việc, tạo cho mình một khoảng lặng tĩnh trong tâm để nhìn mọi sự, bạn sẽ dần tìm ra câu trả lời cho những điều ấy.

Bạn có thể chia sẻ với tôi về những gì bạn đã thực hành.

Chúc bạn có một sức khỏe cảm xúc dồi dào và có thể sống như thể “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.  

   Thu Trà