Mar 22, 2024
7 mins read
139views
7 mins read

Một ngày lạc lối ở “Nam Thiên Đệ Nhất Động”

Giữa tiết trời se lạnh, ngồi thuyền du ngoạn suối Yến, thả hồn theo áng mây trôi phiêu lãng cùng đắm mình trong cảnh sắc thơ mộng của núi rừng Hương Sơn là một trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn trong một ngày nghỉ gần đây của tôi. 

Được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhất Động, một kiệt tác của tạo hóa còn mãi với thời gian, khu di tích Chùa Hương thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Chùa Hương không chỉ nổi tiếng là nơi phong cảnh hữu tình mà còn là nơi tâm linh huyền bí. 

Chỉ vỏn vẹn với chín nghìn đồng đi xe buýt số 103, bắt đầu từ quận Hà Đông, tôi đã có mặt ở Hương Sơn. Đầu tiên là mua vé thắng cảnh và đi đò Suối Yến. Mọi người thường đi theo gia đình hay một nhóm. Những ai đi một mình sẽ phải đi ghép chuyến trên thuyền. Theo sự sắp xếp của cô lái đò, tôi ngồi chung thuyền với nhóm người thuộc cùng một công ty đến từ Xuân Mai. 

Suối Yến (hay còn gọi là Yến Vĩ) là con đường thủy duy nhất để vào ngắm cảnh chùa Hương. Suối dài khoảng 4km, đưa du khách từ bến Đục đến Hương Sơn, có hình dáng tựa như chiếc đuôi xòe rộng của một con chim yến và chảy ra sông Đáy. 

Bến đò đông vui tấp nập, thuyền lớn thuyền bé ra vào. Có những nam thanh nữ tú duyên dáng thướt tha trong tà áo dài truyền thống, thi thoảng nhấp nhô vài nón lá mang tên kỉ niệm chùa Hương. Dòng nước trong vắt trôi êm ả giữa núi đồi xanh ngắt, bầu trời lững lờ những áng mây trắng, đọng vài giọt nắng vàng khiến khung cảnh suối Yến đẹp nên thơ.

Tôi đắm mình, hít hà bầu không khí trong lành, mát mẻ với sự yên bình tràn ngập không gian nơi đây và không quên trang bị cho mình một chiếc nón lá xinh xắn để che nắng theo gợi ý của cô lái đò vì còn phải gần một tiếng nữa, thuyền mới đến nơi có động Hương Tích.

Động Hương Tích là kiệt tác của tạo hóa với những hang động cổ kỳ vĩ đẹp lay động lòng người. Động này được chúa Trịnh Sâm ban tặng 5 chữ "Nam thiên đệ nhất động" - hay còn được biết đến là "động đẹp nhất trời Nam”.

Để vào động Hương Tích, có hai phương thức là leo qua các bậc đá cheo leo hoặc đi cáp treo. Leo núi mệt nhưng là trải nghiệm khá thú vị. Mỗi người nên trang bị cho mình một đôi giày và một cái gậy để giúp việc leo núi dễ dàng hơn. 

Dọc hai bên đường dẫn vào động là những quán ăn, chỗ nằm nghỉ phục vụ khách dừng chân bất cứ lúc nào. Đồ ăn nhẹ sẵn sàng tiếp sức cho du khách như xúc xích, trứng gà, bánh tráng nướng, chè củ mài thanh ngọt dịu mát. 

Tôi đến cách động Hương Tích chỉ còn một đoạn ngắn thì bị nghẽn lại vì dòng người quá đông. Tôi phải nhích từng bước chân và kiên nhẫn chờ đợi. Có những em nhỏ còn ngủ thiếp đi trên vai bố. 

Cuối cùng thì tôi cũng vào được động Hương Tích. Đúng là quá đẹp, không ngẫu nhiên mà Chùa Hương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ bên ngoài, cửa động như miệng một con rồng khổng lồ ăn sâu vào trong lòng núi. Chính giữa động có pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Và xung quanh là những nhúc đá hình dây, cây bạc, nong kén, buồng tắm, núi cô, núi cậu... và có hình chín con rồng trên vòm động. Dưới ánh đèn nến lung linh huyền ảo. Những nhũ đá, cột muôn hình vạn trạng, lấp lánh bảy sắc cầu vồng.

Muốn tham quan được hết Chùa Hương phải mất mấy ngày mới thăm hết được. Quần thể Chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc, các ngôi chùa được xây rải rác trên triền núi đá vôi, thấp thoáng bên dưới là những rừng cây xanh thẳm.

Chùa Hương, một món quà đầy bí ẩn của tạo hóa dành tặng cho đất nước hình chữ S xinh đẹp, đã để lại trong tôi dấu ấn khó phai. Nơi huyền bí đầy tiên cảnh này có gì đó linh thiêng trong một con người tín Thần như tôi. Để rồi bất giác tôi tự hỏi chính mình rốt cuộc ý nghĩa thật sự của việc đi lễ chùa là gì? 

Tôi được biết, người xưa đi lễ chùa đầu Xuân là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Phật, biết rằng điều Phật dạy con người là tu nhân tích đức, điều Phật ban cho con người không phải là tiền bạc, của cải hay sức khỏe mà là trí huệ và giác ngộ tâm linh. 

Chùa vốn là chốn vô cùng linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục để những người xuất gia tĩnh tâm tu hành theo lời Phật dạy để giải thoát khỏi bể khổ luân hồi. Đây cũng là nơi những chúng sinh ngoài thế tục tới để tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật Pháp.

Theo kinh điển nhà Phật, Phật không cần chút vật chất gì ở con người, mà vì sự từ bi, chư Phật muốn giang tay cứu độ con người ra khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi. Sinh lão bệnh tử, mọi sự việc ở cõi người vốn là chiểu theo luật nhân quả, ai làm điều ác sẽ kết ác duyên, ai làm điều thiện sẽ kết thiện duyên.

Phật chỉ có thể giúp những người kính Phật hướng tâm tích đức tu thiện, khuyên con người từ bỏ ham muốn vật chất, từ bỏ “tham sân si” để đạt được tâm thanh tịnh, tiến đến cảnh giới giác ngộ, chứ không thể ban phát tài lộc, công danh, hay giúp con người tiêu tai giải nạn.

Hướng tâm tu Phật là để gia tăng Phật tính. Tu Phật không phải hướng ngoại mà cầu, mà là hướng vào tìm ở trong chính bản thân mình, khơi dậy thiện niệm của chính mình để Phật tính vốn sẵn có trong con người được khởi phát. Cho nên, đi lễ chùa vốn chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.

Bích Diệp