Dec 30, 2023
5 mins read
125views
5 mins read

Chân thật là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống thành công và hạnh phúc

Chân thật - một phẩm chất tốt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Đây là một đức tính yêu cầu sự trung thực ngay thẳng và thật thà với chính bản thân mình cũng như với mọi người xung quanh. 

Chân thật đối lập với lối sống giả dối và sống hai mặt, lừa gạt người khác để đạt lợi ích cá nhân. Bản thân sự chân thật đòi hỏi trước tiên ta phải sống thật với chính mình, không che giấu lỗi lầm và luôn sống có đạo đức, tận tâm với những việc mình làm... Với người khác, sự chân thành thể hiện trong giao tiếp thông qua cử chỉ, lời nói, hành động; trung thực trong việc thực hiện các trách nhiệm của mình. Nhà văn người Mỹ thế kỷ 20, Marya Mannes đã nói rằng: “Quan trọng không phải là bạn nói thế nào, mà là lời bạn nghe chân thành đến bao nhiêu”. 

Ảnh istock.com 

Chân thật giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp mà trong đó chứa đựng đầy tình yêu thương và sự tin tưởng. Nó giúp ta nhận biết và đánh giá mọi việc trong cuộc sống một cách khách quan và sâu hơn.

 Nhờ vào sự chân thật ta có thể thừa nhận những khuyết điểm của mình và cố gắng cải thiện, điều này khiến ta trưởng thành và phát triển nhiều phẩm chất tốt như lòng kiên nhẫn, sự dũng cảm và lòng vị tha. Những giá trị này bền vững hơn so với những thành tựu đạt được thông qua sự giả tạo và lừa dối. 

Chắc hẳn chúng ta đều biết nhân vật Cậu bé người gỗ Pinocchio trong câu chuyện cùng tên của nhà văn Carlo Collodi. Khi cậu bé nói dối, cậu bé đã bị Bà tiên xanh trừng phạt khiến mũi cậu trở nên dài hơn. Sau đó, Pinocchio biết hối lỗi và sửa sai nên bà Tiên đã hóa phép cho chiếc mũi của cậu trở lại bình thường; không những thế Bà còn biến cậu thành người thật chính nhờ sự chân thành, dũng cảm, mưu trí và tình thương của cậu với Cha mình. 

Ảnh istock.com 


Tất nhiên, đây là một câu chuyện cổ tích nhưng nó cũng đúng với thực tế, khi mà chúng ta hay nói dối, sống không trung thực, không thật thì chúng ta cũng sẽ chịu hậu quả của những việc làm đó. Chẳng thế mà các Cụ ngày xưa có câu: “Ăn ngay nói thật  mọi tật mọi lành” hay “Của cải phi nghĩa có giàu đâu - Ở cho ngay thật giàu sang mới bền”...

Sống chân thật còn mang lại sự thanh thản cho tâm hồn con người. Nó cho ta sự yên bình và hài lòng bởi khi ta sống trung thực ta không phải lo sợ sự phát hiện của người khác. Sự chân thành cũng giúp ta xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác vì những người thật thà luôn được tín nhiệm và được xem là những công dân mẫu mực trong xã hội.

Một ví dụ rõ ràng về phẩm chất chân thật là câu chuyện về George Washington. Khi còn trẻ Washington thể hiện lòng chân thật khi thú nhận việc chặt cây hoa anh đào mà người cha của Ông rất yêu thích. Dù có cơ hội nói dối để tránh trách nhiệm nhưng Washington đã lựa chọn thể hiện sự chân thật và đối diện với hậu quả của hành động của mình. Phẩm chất này đã tạo nên một con người lỗi lạc và giúp Ông trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Ảnh istock.com 

Ngược lại với sự chân thật, chân thành là sự dối trá và giả tạo. Nó khiến cho con người ta thường phải sống trong lo âu và căng thẳng vì biết rằng một ngày nào đó sự thật sẽ được phơi bày. Đó là quy luật tất yếu, dù bạn có tốt đến đâu thì ranh giới giữa tốt và xấu vẫn rất mong manh. Quan trọng là ở chính bạn: bạn lựa chọn điều gì? Tìm cách nào để có thể vượt qua những cạm bẫy, sống đúng với đạo lý và trân trọng những điều đáng trân trọng.

Vì vậy chúng ta cần cùng nhau loại bỏ lối sống độc hại này khỏi xã hội và khuyến khích mọi người hành xử chân thành, chân thật trong cuộc sống hàng ngày. 

“Nếu không có niềm tin thì sẽ không bao giờ là mãi mãi. 

 Và nếu không có lòng chân thành thì mọi thứ cũng bằng không”.

Chân thật không chỉ là chìa khóa đến thành công và hạnh phúc mà còn là nền tảng của mọi mối quan hệ xã hội; tạo nên một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Chúng ta nên rèn luyện đức tính này trong bản thân và xem đó là một mục tiêu quý giá trong cuộc sống. 

Hương Nguyễn.