Dec 5, 2023
4 mins read
93views
4 mins read

Đạo lý tốt đẹp trong kinh doanh, buôn bán của người xưa

Lúc còn nhỏ, khi đi chợ cùng mẹ, tôi thường trông thấy các cô bán hàng tốt bụng và hào phóng hay cân dư ra một chút, hoặc tặng kèm món gì đó cùng với hàng hóa mà họ bán ra. Cô bán thịt tặng kèm một ít hành ngò hoặc miếng thịt nhỏ, cô bán gạo sẽ cân dư gạo ra, chú bán trái cây cho thêm mấy trái chôm chôm… Ai cũng rất dễ thương và nhiệt tình với khách hàng.  

Ảnh sưu tầm

Chúng ta có thể gọi đó là “nghệ thuật bán hàng”, nhưng thực ra đó là một truyền thống tốt đẹp đã có từ rất xa xưa với khởi nguồn hết sức thú vị. 

Có phải bạn từng nghe đến câu thành ngữ “bên tám lạng, người nửa cân”? Bạn có thắc mắc vì sao tám lạng lại được so sánh ngang bằng với nửa cân không? Sao không phải là “bên năm lạng, bên nửa cân”?

Bởi vì một cân ngày xưa có mười sáu lạng. Mười sáu lạng này đại diện cho sáu chòm sao phía Nam, bảy chòm sao phía Bắc, cộng thêm chòm sao Phúc Lộc Thọ trên bầu trời. Người xưa tin rằng, nếu người bán cân thiếu một lạng thì sẽ tổn phúc, thiếu hai lạng sẽ tổn lộc, và thiếu ba lạng thì sẽ tổn thọ. Các vị Thần tương ứng với các vì tinh tú sẽ trừng phạt những kẻ gian lận hại người, chiếm lợi của người khác, cho nên thương nhân khi tranh đoạt với người khác, có lẽ chỉ thu được một chút lợi ích nhỏ nhoi nhưng tổn thất là vô cùng lớn.

Vì thế nên các thương nhân xưa, những người làm nghề buôn bán thường cho thêm khách hàng. Họ thà bớt lợi nhuận đi một chút, cũng không muốn làm việc xấu, gây thiệt hại cho người khác để rồi bị báo ứng. Sự thiện lương cũng cần một chỗ dựa, và chỗ dựa đó chính là niềm tin vào Thần.

Những câu chuyện về việc gian thương bị báo ứng cũng được truyền lại để nhắc nhở giới kinh doanh phải chú trọng thành tín. Chẳng hạn như chuyện kể về một người kinh doanh rất giàu có nhờ một cái cân bên trong có chứa thủy ngân. Cái cân này khi mua vào thì có thể cân dư, còn khi bán ra thì có thể cân thiếu, nhờ đó ông ta đã gian lận của rất nhiều người, thậm chí có mấy người vì bán hàng cho ông phải bù lỗ quá nhiều, nên tức giận sinh bệnh rồi chết. Trong lòng ông tuy áy náy, nhưng lòng tham vẫn xui khiến ông tiếp tục công việc gian dối này. 

Cho đến khi đã cao tuổi, ông mới quyết tâm bỏ cái cân đó đi, chuyên tâm làm việc thiện, thì lúc đó mấy đứa con trai của ông lại lần lượt qua đời, con dâu thì tái giá. Ông cảm thấy rất đau khổ và cho rằng Trời không có mắt, vì sao lúc ông kinh doanh gian lận thì con cháu sum vầy, đến khi ông hối cải thì lại trừng phạt ông. Sau đó có vị cao nhân đến nói cho ông biết rằng, mấy đứa con đó chính là những người đã bị ông hại trước đây. Họ đầu thai làm con ông để khiến ông tán gia bại sản và chết trong đói khổ, nhưng nay ông đã làm nhiều việc thiện, cứu giúp nhiều người, nên những chủ nợ đó cũng rời đi. Lúc ấy ông mới hiểu nhân quả công bằng không có sai lệch.

Ngày nay, những niềm tin như thế này đang dần mai một. Vì mất đi niềm tin vào Thần, nhiều thương nhân coi trọng lợi ích, chấp vào tiền bạc, đã làm ra hàng giả, hàng nhái, hoặc thực phẩm có chứa thành phần độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nhưng “thiện ác hữu báo”, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi. Tự cổ chí kim không hề có chuyện người xấu không bị trừng phạt. Đến khi họ đã tiêu dùng hết phúc đức của mình, cũng là lúc họ phải trả những món nợ mà họ đã gây ra.

Và trên thực tế, vẫn còn rất nhiều người làm kinh doanh với mục đích mang giá trị đến cho người khác. Họ gửi gắm vào sản phẩm của họ lòng chân thành và sự trân trọng dành cho người mua, điều họ mong muốn không chỉ là lợi nhuận mà còn là niềm vui của khách hàng. Đây là truyền thống được truyền thừa từ bao thế hệ thương nhân và nên được tiếp nối đến tương lai, bởi thế giới của chúng ta cần nhiều hơn những điều tốt đẹp. 

Hồng Ngọc